Archiv für das Schlagwort ‘mong

Erhaltung der alten Häuser des Mong-Volkes in Ky Son – Bảo tồn những ngôi nhà cổ của người Mông ở Kỳ Sơn   Leave a comment

Bảo tồn những ngôi nhà cổ của người Mông ở Kỳ Sơn

Ngôi nhà lợp bằng mái sa mu gắn liền với cuộc sống quanh năm trên núi cao và mang nét đặc trưng, tiêu biểu cho nền văn hóa lâu đời của người Mông. Tuy nhiên, những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi này đang có nguy cơ bị mai một.
10/04/2024 05:07 (GMT+7) https://baonghean.vn/bao-ton-nhung-ngoi-nha-co-cua-nguoi-mong-o-ky-son-post287571.html
Với những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc mình, cộng đồng người Mông đã góp phần lớn vào việc tạo nên một nền văn hóa đa dạng hòa cùng các dân tộc thiểu số khác ở miền Tây xứ Nghệ.
Hiện cộng đồng này sinh sống nhiều nhất trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Khi đặt chân đến các bản làng người Mông, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh những ngôi nhà lợp bằng gỗ sa mu nằm san sát, bên sườn các đỉnh núi cao. Theo thời gian, những mái nhà sa mu đã lên màu xanh mốc, cổ kính, trầm mặc giữa đại ngàn.
Theo các già làng người Mông, nhà ở của cộng đồng này trước đây đều được lợp bằng loại gỗ có dầu như sa mu nhằm giữ nhiệt. Gỗ sa mu vừa giúp họ vượt qua được cái lạnh mùa Đông trên núi cao và duy trì không khí mát mẻ vào mùa Hè nóng nực. Đồng thời, loại gỗ này có thể sử dụng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trời. Đây là truyền thống của dân tộc Mông từ thời xa xưa khi mới di cư đến vùng núi cao huyện Kỳ Sơn.

Hiện Kỳ Sơn có 25.932 người Mông chiếm 32,46 % đồng bào sinh sống trên địa bàn, trong quá trình phát triển, đồng bào Mông đã lưu giữ di sản văn hoá như tri thức bản địa, phong tục tập quán, văn hoá vật thể. Trong đó, đáng chú ý là văn hoá vật thể về nhà ở bằng gỗ sa mu.——-
Theo khảo sát, hiện người Mông trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang sinh sống ở 73 bản/12 xã, tuy nhiên chỉ còn 23 bản/6 xã đang lưu giữ hàng trăm ngôi nhà cổ được làm từ gỗ sa mu có niên đại hàng trăm năm. Đây là di sản vô cùng quý giá có giá trị quan trọng đối với địa phương. Tuy nhiên, di sản này đang đứng trước nguy cơ bị mai một, cần có phương án khôi phục bảo tồn phù hợp.
Ông Vừ Chống Dì ở bản Huồi Giảng 2 (xã Tây Sơn) những năm trước sống cùng con, cháu trong ngôi nhà lợp bằng mái sa mu ấm cúng được truyền lại từ đời cha ông. Tuy nhiên, khi các con đã trưởng thành và cất nhà ở riêng gần đó, những ngôi nhà gỗ được dựng lên nhưng không phải lợp bằng gỗ sa mu nữa, mà thay vào đó là những tấm fibro xi măng. Mái nhà sa mu có tuổi đời gần trăm năm của ông cũng được các con vận động thay lại.
“Mái nhà sa mu bị thay đổi lòng tôi cảm thấy như bị mất đi một cái gì đó thiêng liêng lắm. Nhưng ngẫm lại các con nói đúng, gỗ thì không được khai thác nữa, mà mái nhà lâu năm quá trước sau gì cũng bị hư hỏng, dột nát” – ông Chống Dì chia sẻ.
Khác với ông Vừ Chống Dì, ông Vừ Lầu Phổng ở bản Huồi Giảng 1 lại không chọn cách thay mái nhà, bởi với ông Phổng đây là món quà quý mà cha ông đã để lại cho đời sau. Ông Phổng bảo rằng, nhiều thời điểm mưa gió, mái nhà bị hở ra dột nước. Ông đành mua những tấm lợp nhựa trong suốt để luồn vào dưới tấm lợp sa mu. Việc này vừa giúp tránh mưa dột, vừa giữ được nét cổ kính của ngôi nhà.
Trước đây, nhà mái sa mu tập trung chủ yếu ở bản Huồi Giảng 1, 2,3 với khoảng 200 hộ và một số ở bản Lữ Thành, nhưng hiện tại ở bản Huồi Giảng 1 chỉ còn giữ được khoảng 60% nhà mái sa mu, Huồi Giảng 2 và 3 chỉ còn 20%… Một số hộ đã cố gắng bảo tồn bằng cách lợp mái nhựa trong suốt dưới mái sa mu để gắng không làm thay đổi vẻ hoài cổ của những nếp nhà. Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự vào cuộc của cấp trên để bảo tồn được những ngôi nhà này.
ÔNG VỪA RẢ TÊNH – BÍ THƯ ĐẢNG ỦY XÃ TÂY SƠN
Còn tại xã Nậm Càn, nơi có 6/6 bản làng người Mông sinh sống cũng đang rơi vào tình trạng “mất trắng” những mái nhà lợp gỗ sa mu. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những ngôi nhà ở đây theo sự phát triển đều được lợp mới bằng tôn hoặc ngói. Những mái nhà sa mu hiện ở xã biên giới này chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Ngày trước các nhà đều được lợp bằng gỗ sa mu, tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, khi có tuyến đường nhựa nối từ xã Lưu Kiền (Tương Dương) vào thì bà con ồ ạt đua nhau làm lại nhà hoặc thay lại mái như một trào lưu. Bây giờ muốn khôi phục cũng không tìm đâu ra gỗ được nữa. Đây quả thực là một điều đáng tiếc.
ÔNG XỒNG BÁ LẦU – CHỦ TỊCH UBND XÃ NẬM CÀN
Đây thực sự là một thực trạng đáng báo động khi huyện Kỳ Sơn đang cố gắng để phát triển ngành du lịch dựa trên thế mạnh về thiên nhiên và bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người cũng bày tỏ quan ngại, những ngôi nhà lợp bằng mái sa mu bị mai một thì cũng đồng nghĩa với nền văn hóa của cộng đồng người Mông đang dần bị mất đi và rơi vào “dĩ vãng”…
Huyện cũng đang rất quan tâm đến vấn đề này, bởi đây không chỉ là bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là một hướng đi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trong tháng 3/2024 huyện đã có văn bản gửi Sở Khoa học Công nghệ đề xuất phương án khôi phục và bảo tồn những ngôi nhà cổ của người Mông ở 23 bản thuộc 6 xã trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp, ngành những ngôi nhà bằng mái sa mu được khôi phục sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài huyện.
ÔNG NGUYỄN VIẾT HÙNG – CHỦ TỊCH UBND HUYỆN KỲ SƠN

Veröffentlicht 12. April 2024 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , ,

Diejenigen die das Wort in Pu Lon verbreiten – Những người gieo chữ ở Pu Lon   Leave a comment

Những người gieo chữ ở Pu Lon

Trên đỉnh núi Pu Lon cao gần 2.000 mét so với mực nước biển, những người giáo viên cắm bản vẫn ngày đêm âm thầm gieo chữ cho đám trò nhỏ. Hàng chục năm bám bản, những gì họ nhận lại được chính là tình yêu của bản làng, sự kính trọng, biết ơn của bà con người Mông nơi đây.
11/11/2023 11:44 (GMT+7) https://baonghean.vn/post-279811.html 19°18′47.7″N 104°05′26.2″E
Một ngày mùa Thu, chúng tôi theo chân các giáo viên cắm bản của trường Tây Sơn vào với bản Đống (bao gồm Đống TrênĐống Dưới) của xã Tây Sơn (Kỳ Sơn). Kỳ thực mà nói, dù đã kinh qua nhiều con đường ở miền Tây xứ Nghệ, nhưng có lẽ con đường dài 15 km này là con đường để lại nỗi khiếp đảm nhất đối với tôi. Đường đất nhỏ dốc đứng và trơn trượt. Xe luôn “cày” số 1 nhưng vẫn ì ạch nhích từng tí. Có những quãng quá nản lòng tôi định quay về nhưng nhìn các thầy, cô giáo miệt mài vừa dắt, vừa đẩy xe tôi lại bấm bụng hạ quyết tâm lên cho bằng được cái bản làng người Mông cao ngất nằm trên dãy Pu Lon kia.
Tới nơi, vừa thả xe xuống, rửa vội tay chân, cô giáo Xồng Y Ia (SN 1995) liền chạy ra cổng để đón từng học sinh vào lớp. Lớp học mầm non của cô ở bản Đống Dưới này chỉ có 1 lớp với 18 học sinh. Thấy cô giáo, đám trò nhỏ liền chạy tới nắm lấy tay cô như người thân lâu ngày chưa gặp. Cô giáo Y Ia bảo rằng, học sinh ở đây cũng rất đáng thương, tuổi còn nhỏ nhưng nhiều cháu phải ở với ông bà, còn bố mẹ đi làm công ty kiếm sống. “Cuộc sống vất vả nên các cháu cũng phải chịu lây. Nhiều khi nhìn học sinh em lại nghĩ đến các con em ở nhà, bố mẹ đi làm cũng phải gửi ông bà cả tuần” – cô Xồng Y Ia thở dài.

Khi chúng tôi gặng hỏi, Xồng Y Ia mới tâm sự: Cô có 2 đứa con, một đứa 7 tuổi, một đứa 3 tuổi nhưng vì chồng cũng đi làm xa nên đành phải nhờ cả vào ông bà nội ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ). Dù ở đây cách nhà chỉ 15 km nhưng đường núi dốc đứng đi về khó khăn nên cuối tuần được nghỉ cô mới có thể về nhà thăm con. Những lúc trời nắng ráo thì đi lên hoặc đi xuống chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ, còn trời mưa thì cứ xác định ít nhất 3 tiếng. Ở đây điện lưới chưa có, sóng điện thoại lúc được, lúc mất nên nhớ con lắm mà đành chịu không gọi cho con được.
Cứ chiều tối thứ Sáu sau khi học sinh đã về hết cô Xồng Y Ia lại chạy về với con. Chiều Chủ nhật, cô đi chợ sắm sửa gạo, mắm muối và ít thực phẩm khác đủ dùng cho 1 tuần rồi „cưỡi “ xe máy cà tàng lên bản. “Một thân một mình nơi này nhiều lúc cũng thấy sợ nhưng quen rồi anh ạ. Những năm trước em cắm bản ở Lữ Thành, Vàng Lữ đường cũng khó khăn nhưng có người ở cùng nên cũng đỡ, bây giờ thì học sinh chỉ có 1 lớp nên chỉ một mình thế này thôi. Cách điểm trường của bản Đống Dưới chừng 2 km là bản Đống Trên, em gái chồng em cũng vừa ra trường đang dạy nơi đó. Hai chị em ở gần nhau nên những lúc tối trời đôi khi em phải rủ nó xuống cùng ăn ngủ cho bớt sợ. Được cái, bà con dân bản ở đây quan tâm giáo viên nên những lúc thấy cô thiếu thức ăn liền mang rau, củ, quả đến để chia sẻ” – cô Y Ia hạnh phúc nói.
Nằm đối diện với điểm trường mầm non là điểm trường của Trường PTDTBT Tây Sơn. Toàn điểm trường có 20 học sinh lớp 1, lớp 2 với 3 thầy giáo. Người có “thâm niên” ở đây lâu nhất là thầy giáo Hạ Bá Tếnh (SN 1982) với 18 năm bám bản. Thầy Tếnh bảo rằng, ngày xưa ra trường lên bản Đống dạy học thực sự là một thử thách lớn. Không có đường, chỉ có lối mòn nhỏ trong rừng để đi lại. Nhà thầy cũng ở bản Sơn Hà (xã Tà Cạ) nhưng lên được bản Đống ngày ấy phải đi bộ mất cả một buổi trời. Bây giờ tuy đường đã có nhưng cũng chẳng hơn được là bao, trời mưa vừa đi vừa đẩy xe cũng gần bằng chừng ấy thời gian. “Ba giáo viên nam chúng tôi, thêm cả cô giáo mầm non Xồng Y Ia nữa lúc nào cũng phải hẹn nhau để cùng đi. Có chuyện gì còn giúp nhau đẩy xe lên dốc nữa. Vất vả nhất là những lúc nhà trường có cuộc họp hay sự kiện gì, gọi cho chúng tôi thì ở điểm mất sóng không liên lạc được. Lúc gọi được thì đã gần thời gian họp rồi nên không thể về kịp” – thầy Hạ Bá Tếnh ngậm ngùi.
Trong căn phòng nhỏ chừng 15 mét vuông là nơi nghỉ ngơi và làm việc của 3 thầy giáo. Còn căn bếp nhỏ được thưng bằng ván đơn sơ chứa đựng nồi niêu, xoong chảo là nơi các thầy dùng để nấu ăn. Thầy Mùa Bá Vừ bảo rằng, mỗi tuần được về nhà họ đều phân công nhau chở từng thùng mì tôm, từng quả trứng lên để dùng cho cả tuần. “Thiếu thốn nhất ở đây vẫn là điện và mạng internet. Bây giờ dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới mà các thầy đều phải dạy học “chay” thế này cũng vất vả lắm” – thầy Mùa Bá Vừ tâm sự.
Tuy nhiên, theo những giáo viên cắm bản lâu năm ở đây thì thời gian họ bám bản chưa là gì so với vợ chồng thầy Nguyễn Hồ Quang và cô Võ Thị Minh Bình. Năm trước, vợ chồng thầy Quang đã được chuyển về cơ sở chính để dạy học nhưng câu chuyện về thầy vẫn còn được bà con dân bản khắc ghi.
Thầy Nguyễn Hồ Quang quê ở xã Yên Khê (Con Cuông), còn cô Võ Thị Minh Bình quê ở Cát Văn (Thanh Chương). Tốt nghiệp ngành Sư phạm, thầy Quang và cô Bình cùng xin lên công tác tại đây. Qua những năm tháng miệt mài ở bản, vợ chồng thầy Quang có thể nói tiếng Mông như một người Mông thực thụ. Thầy còn là cầu nối cho những người ở xuôi lên công tác hay buôn bán với bà con người Mông. Các loại chim trên trời, con thú trong rừng sâu hay cái cây, bông hoa… đều được thầy nói bằng tiếng Mông với người dân bản địa.
Nói về chuyện này, ông Hạ Bá Lồng ở bản Đống Trên còn kể lại rằng: Bà con dân bản thấy vợ chồng thầy Quang cắm bản lâu năm, lại xin chuyển hộ khẩu lên đây ở luôn với bà con nên họ rất quý. Thầy thông thạo tiếng nói, chữ viết và cả phong tục, tập quán của người Mông nữa nên mọi người mới xin ý kiến già làng tổ chức một buổi lễ đặt tên cho thầy. Đây là một chuyện chưa từng có tiền lệ ở bản Đống. Tất nhiên, già làng cũng đồng ý vì thương thầy cống hiến cho bản làng mình đã lâu. Vậy là dân bản mỗi người góp ít tiền mua con lợn về giết thịt để làm lễ xin cho thầy Quang được nhập họ và đổi sang tên người Mông. Sau buổi lễ, mọi người đều gọi thầy là Hạ Chồng Của.
Chúng tôi chia tay những giáo viên cắm bản trên đỉnh Pu Lon. Mây mù bắt đầu kéo đến khiến cái lạnh như thấm vào da thịt. Nhưng nhìn những đóa hoa rừng trong tay các em học sinh mang đến để tặng giáo viên mình nhân ngày lễ 20/11 chúng tôi lại thấy lòng ấm áp biết bao. Cuộc sống vật chất còn thiếu thốn, gian khổ nhưng trong ánh mắt mỗi người vẫn sáng lên một niềm hạnh phúc lớn lao. Đó chính là niềm hy vọng và khát khao đem con chữ đến với những bản làng xa xôi hẻo lánh của người giáo viên cắm bản nơi đại ngàn xứ Nghệ.

Veröffentlicht 14. November 2023 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , , , ,

Die erste Schule im Grenzbezirk Nghe An die den Mong-Tanz unterrichtet – Trường đầu tiên ở huyện vùng biên Nghệ An dạy múa khèn Mông   Leave a comment

Trường đầu tiên ở huyện vùng biên Nghệ An dạy múa khèn Mông

Trường PTCS DTBT Tây Sơn là ngôi trường đầu tiên ở Kỳ Sơn đã quyết định đưa nghệ thuật múa khèn và các nhạc cụ, dân ca người Mông vào chương trình học ngoại khóa.
19/02/2022 12:26 https://baonghean.vn/truong-dau-tien-o-huyen-vung-bien-nghe-an-day-mua-khen-mong-302675.html
Trao truyền cho thế hệ trẻ
Về Tây Sơn – xã rẻo cao của huyện miền núi Kỳ Sơn mùa Xuân này, đã thấy ngập tràn sắc hoa; đã nghe tiếng khèn vui rạo rực. Sắc hoa đào hồng phấn đón, đưa những người con bản xứ về quê ăn Tết, rồi lại xuất hành đi làm ăn xa. Sắc hoa cải vàng bên lối mòn dẫn người lên nương rẫy… Tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát cự xia vang lên từ trường học; từ nhà văn hóa bản; từ bên mỗi nếp nhà. Tiếng khèn vui dìu dặt, trầm bổng như khiến người nghe hưng phấn, rạo rực hơn.
Trong căn nhà gỗ truyền đời nhiều thế hệ nằm bên sườn núi ở bản Huồi Giảng 1, Nghệ nhân Ưu tú Vừ Lầu Phổng (52 tuổi) đang truyền dạy cho con trai út Vừ Bá Tểnh về nhạc cụ khèn Mông. Ông vừa thổi khèn vừa múa. Những điệu múa khèn vừa nhẹ nhàng, uyển chuyển tạo nên những vũ đạo rất đẹp mắt. Tiếng khèn như những lời tâm tình, thổ lộ suy tư. Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng nói cho con nghe: “Người Mông có một đời sống tinh thần đa dạng và phong phú về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và chữ viết, tiếng nói, văn hóa, nghệ thuật. Với người Mông, nghệ thuật múa khèn là một đặc trưng văn hóa đặc biệt có tính thẩm mỹ, nhân văn cao, như là hồn là cốt của mình…”.
Nghệ thuật múa khèn của người Mông còn thể hiện tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông: Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi Xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn. Còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám tang để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới”.
Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng kể: “Tôi đã được ông nội tôi truyền dạy nghệ thuật múa khèn từ lúc 12 tuổi, cũng như các loại nhạc cụ, làn điệu ca dao. Phải nói rằng, học múa khèn và sử dụng loại nhạc cụ không hề dễ, nhất là với một đứa trẻ. Khi ấy, đã có lúc tôi định bỏ, không học nữa. Nhưng ông nội tôi đã bảo rằng: Múa khèn và cách sử dụng các loại nhạc cụ là ông được các cụ đời trước truyền lại. Bây giờ, bố cháu đi công tác xa nhà thì ông có trách nhiệm dạy lại cho cháu, để rồi sau này, cháu lại truyền cho các con mình. Nếu cháu không học thì âm nhạc người Mông cũng mất và rồi cái gì cũng mất”.
Từ sự động viên của người ông, Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đã yêu các nhạc cụ, giai điệu, làn điệu, nghệ thuật trình diễn và hình thành ý thức gìn giữ các giá trị văn hóa diễn của dân tộc mình từ lúc nào không hay. 18 tuổi, Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đã bắt đầu đi trình diễn tại các hội diễn, hội thi cấp xã, huyện, tỉnh, toàn quốc và đạt nhiều giải, Giấy khen, Bằng khen. 30 tuổi, ông đã sử dụng thành thạo hầu hết các nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn của người Mông ở huyện Kỳ Sơn… Và khi con gái, con trai mình đủ 12 tuổi, ông lại trao truyền về cách sử dụng nhạc cụ, các giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân tộc mình cho con, cháu.
Theo Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng: Ở xã Tây Sơn, không riêng gì gia đình ông mà tất cả các gia đình khác đều rất có ý thức trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau. Ở góc độ cộng đồng, từ những năm 2000, ở xã đã hình thành nên mô hình câu lạc bộ bảo tồn bản sắc người Mông do các cụ cao tuổi đứng ra tổ chức sinh hoạt. Mỗi tháng 3 lần, câu lạc bộ hoạt động tại nhà văn hóa cộng đồng của bản. Ở đó, các cụ cao tuổi lại kể cho cháu, con về nguồn gốc dân tộc mình, đâu là những nét đẹp văn hóa cần gìn giữ.
Đặc biệt, các cụ đã trao truyền lại những lễ tục, cách chơi nhạc cụ, làn điệu dân ca. Múa khèn nói riêng và văn hóa, nghệ thuật của người Mông không đơn thuần là những bài ca, giai điệu về cuộc sống lao động mà là câu chuyện lịch sử, tâm hồn của tộc người. Việc trao truyền các giá trị này nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn. Ở những dịp lễ, Tết, câu lạc bộ lại đứng ra tổ chức biểu diễn…Hoạt động của câu lạc bộ nhìn chung vẫn được duy trì khá tốt trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, câu lạc bộ không còn sinh hoạt đều đặn và chất lượng như trước.

Lan tỏa để điệu khèn vang xa
Dịch Covid-19 đã làm buồn lòng Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng và hơn 10 cụ trong câu lạc bộ ở Tây Sơn nói riêng… Nhưng rồi, niềm vui bỗng tới bất ngờ khi năm học 2020-2021 vừa qua, Trường PTCS DTBT Tây Sơn đã quyết định đưa nghệ thuật múa khèn và các nhạc cụ, dân ca người Mông vào chương trình học ngoại khóa, với sự tham gia của đông đảo học sinh, giáo viên.
Cô giáo Lã Thị Thanh Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường PTCS DTBT Tây Sơn chia sẻ: “Trường PTCS DTBT Tây Sơn với 100% học sinh là người dân tộc Mông. Việc học tập bằng tiếng Việt như một thứ ngôn ngữ thứ hai khiến cho chất lượng giáo dục đại trà không cao. Nhà trường luôn trăn trở làm thế nào để tạo một môi trường học tập lôi cuốn được học sinh tham gia nhiều hoạt động giáo dục có ý nghĩa, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thu hút học sinh thích tới trường. Bên cạnh đó, nhà trường nhận thấy văn hóa dân tộc Mông có nhiều nét đẹp rất đặc trưng. Tuy nhiên, với sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, nhiều nét văn hóa đẹp dần bị mai một. Nhiều em không biết chơi những nhạc cụ của cha ông, chưa am hiểu các phong tục, văn hóa truyền thống, chưa có ý thức gìn giữ và phát triển những nét văn hóa tiêu biểu, đẹp của dân tộc mình.
Qua nghiên cứu, khảo sát tâm lý học sinh, nhà trường đã quyết định đưa việc học nhạc cụ, phong tục, trò chơi dân gian của dân tộc Mông vào chương trình ngoại khóa của trường; nhằm góp phần giáo dục học sinh thêm yêu và tự hào giá trị văn hóa của dân tộc mình; tạo sân chơi, giúp cho học sinh đến trường với tâm thế vui vẻ, thoải mái, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường học”.
Từ đầu năm học 2021 – 2022 đến nay, mỗi tuần nghệ nhân Vừ Lầu Phổng và các cụ cao niên khác đều được nhà trường mời về tham gia giao lưu, truyền dạy cho học sinh toàn trường trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Các nghệ nhân đã chia sẻ giá trị văn hóa của dân tộc; trình diễn những điệu múa khèn điêu luyện. Học sinh ở trường đều rất hứng thú, chăm chú theo dõi, học hỏi… Ở trường, ở xã đã hình thành nên phong trào và có nhiều cuộc thi biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc sôi nổi. Từ đây, ý thức học tập của các em học sinh cũng dần tốt lên, các em thích đến trường hơn.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng nhất. Trường PTCS DTBT Tây Sơn và các nghệ nhân bản địa đã có cách làm hay trong việc thực hiện chiến lược, nhiệm vụ này.
Thầy Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho hay: “Kỳ Sơn là 1 trong 3 huyện của Nghệ An được xếp là huyện nghèo nhất của cả nước. Để phát triển địa phương, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được quan tâm đặc biệt. Đầu tư cho thế hệ tương lai, những năm qua, 71 trường học trên địa bàn đã quan tâm đến việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nhằm tạo sự phát triển toàn diện cho học sinh. Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác này và sẽ có thêm nhiều mô hình, cách làm hay như ở Tây Sơn”.

Veröffentlicht 20. Februar 2022 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,

Am Himmelstor von Muong Long gibt es einen ganz besonderen Markt, der sich auf den Verkauf von Spezialitäten aus dem Hochland spezialisiert hat – Trên cổng trời Mường Lống, có một ngôi chợ khá đặc biệt, chuyên bán những đặc sản của vùng cao   Leave a comment

Đầu xuân đi chợ cổng trời

Trên cổng trời Mường Lống, có một ngôi chợ khá đặc biệt, chuyên bán những đặc sản của vùng cao. Khác với những ngôi chợ khác thường nằm giữa khu dân cư đông đúc, chợ này cách ngôi nhà gần nhất đến cả tiếng đi bộ. 19°32′54.3″N 104°14′26.5″E
13/02/2022 15:31 https://baonghean.vn/dau-xuan-di-cho-cong-troi-302430.html
30/11/2021 20:27 https://baonghean.vn/san-may-tren-ban-mong-noi-vung-bien-xu-nghe-298433.html
Ngôi chợ đặc biệt
Dưới cái rét đến thấu da thịt của ngày đầu năm mới, hàng chục phụ nữ người dân tộc Mông vẫn kiên nhẫn ngồi bên những chòi lá dựng bên đường để chờ khách. Với độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển, ở đây có những ngày nhiệt độ xuống dưới 5 độ C. Bốn bề không được che chắn, những người làm việc ở đây vì thế thường xuyên phải đối mặt với những đợt gió lùa rét buốt.
Đó là hình ảnh chúng tôi chứng kiến khi ghé thăm ngôi chợ ở trên cổng trời Mường Lống (Kỳ Sơn). Ngôi chợ được dựng cạnh ngã ba đường, thuộc địa phận xã Huồi Tụ, đoạn giáp ranh với Mường Lống. Ở đây chỉ cách cổng trời Mường Lống chừng 1km nên nhiều người vẫn gọi với cái tên “chợ cổng trời”. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn những người bán hàng ở ngôi chợ này đều đến từ bản Phà Xắc (xã Huồi Tụ).
Không giống như những ngôi chợ bình thường khác thường nằm giữa trung tâm dân cư, nơi đông đúc người qua lại để thuận tiện cho việc mua bán, ngôi chợ này được dựng nơi vắng vẻ. Ở đó cách khu dân cư gần nhất cũng hơn 1 km. Chính vì thế, phần lớn khách mua hàng ở chợ này đều là người dưới xuôi, hoặc là ở thị trấn Mường Xén có việc ngang qua đây.
Theo ông Dềnh Bá Lồng – Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, chợ này được hình thành tự phát, từ khoảng gần 10 năm nay. “Chợ hình thành sau khi tuyến đường từ Huồi Tụ đi Mường Lống được sửa sang. Thấy phương tiện qua lại đông đúc, đặc biệt là khách dưới xuôi lại thường dừng xe ở ngã ba để ngắm cảnh nên một vài hộ mang sản vật của gia đình lên đó bán. Thấy những người này bán được, nên các hộ khác cũng dần học theo. Rồi họ bắt đầu dựng lán”, ông Lồng nói. Đến nay, đã có gần 15 gian hàng ở ngôi chợ độc đáo này.
Do nằm trên đỉnh núi, phần lớn buổi sáng, ở đây luôn bị sương mù bảo phủ. Mùa này, những người phụ nữ bán hàng ở chợ cổng trời thường bị cái rét hành hạ. Để giữ ấm cho cơ thể, họ bị kín cơ thể, chỉ chừa mỗi đôi mắt. “Chợ này chẳng có giờ giấc gì cả. Ai bán hết thì về. Chỉ những ngày ế thì bán khi nào trời tối rồi thôi. Ở đây rét lắm, nhiều khách dưới xuôi nán lại một lúc thôi cũng chịu không được”, chị Và Y Xừ (32 tuổi), nói.

Đặc sản núi rừng
Những mặt hàng ở chợ cổng trời khá phong phú. Tất cả đều là đặc sản núi rừng, là những sản vật đồng bào dân tộc Mông gần đó trồng được hoặc hái lượm, săn bắt từ núi rừng. Nhưng nhiều nhất vẫn là cây cải ngồng. Mỗi bó cải ngồng ở đây được bán với giá 10.000 đồng. Để có được gần 100 bó cải mang lên chợ bán, chị Lầu Y May (40 tuổi, bản Phà Xắc, xã Huồi Tụ), đã phải thức dậy từ lúc hơn 2h sáng. Toàn bộ số cải này đều được chị May trồng ở trên rẫy. Do rẫy ở xa, chị phải mất hơn một giờ đi bộ mới tới được. Sau khi tất bật hái rau, chị gùi trên lưng cuốc bộ ngược lên chợ cũng là lúc trời vừa sáng. “Người Mông mình làm việc như vậy quen rồi. Chẳng thấy vất vả gì cả”, chị May cười nói.
Không chỉ bán rau cải ngồng, gian hàng của chị May còn có ít bắp chuối rừng, được rao bán với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng tùy loại. Đây là những bắp chuối mà chị May hái được dọc đường từ rẫy về. Như nhiều phụ nữ khác, chị May bán ở chợ cổng trời quanh năm. Hết mùa rau cải, chị lại bán khoai sọ, rồi dưa chuột… Tất cả đều do vợ chồng chị trồng được trên rẫy. Phần lớn rau cải ngồng được bán ở đây đều đã ra hoa. Theo chị May, trước đây người Mông trồng rau khi đã ra hoa là đã già, phải chặt bỏ trồng cây khác. Nhưng sau đó thấy người dưới xuôi thích loại rau cải đã ra hoa nên họ mới mang ra đường bán.
“Trồng rau trên này đơn giản lắm, không phải chăm sóc kỹ càng rồi phun thuốc như dưới xuôi đâu. Ở đây chỉ cần mang hạt giống lên rẫy rồi vãi ra, cứ thế nó tự lớn cho đến khi thu hoạch thôi. Có thể do đất và khí hậu tốt nên nó sinh trưởng nhanh lắm”, chị May nói thêm.
Ngoài rau, củ, quả, có một mặt hàng ở đây rất được ưa chuộng đó là chuột rừng. Đặc biệt là vào những ngày Đông giá rét. Mùa này, chuột rừng khá hiếm, bởi chúng thường trốn vào những hang sâu để tránh cái rét, việc săn bắt rất khó. Vì thế, mỗi con chuột được bán với giá khá cao. Có con thậm chí được rao hơn 100.000 đồng. Không giống như chuột nhà, thức ăn của chuột rừng phần lớn là thực vật. Tuy vậy, chúng khá lớn, có con nặng hơn nửa cân.
“Mùa này mà có con chuột rừng gác bếp nhâm nhi là tuyệt lắm”, chị Lầu Y Thờ (42 tuổi), chỉ tay vào đàn chuột rừng đang bị treo lơ lửng trước gian hàng nói. Chị Thờ nói rằng, 2 đứa con trai của chị đã phải thức trắng đêm trong rừng mới săn được đám chuột này. Chuột sau khi được săn về, liền được mang lên chợ bán mà không hề qua chế biến. Vì thế, mặt hàng này chỉ có thể bán trong ngày. Nếu bán không hết, họ sẽ mang về mổ bụng chế biến. “Nó là đặc sản đấy. Nhiều người dưới xuôi ghé qua thấy ghê nên không dám mua. Trên thực tế nó sạch lắm vì nó chỉ ăn cây hoa, ăn củ, hạt thôi. Nếu bán không hết thì mang về gác bếp, khi nào có khách quý thì mang ra đãi khách. Chứ không bán rẻ đâu”, chị Thờ nói.
Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho hay, ngôi chợ giữa ngã ba này hiện nay không chỉ là mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là một điểm du lịch. “Hiện nay xã Mường Lống đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng. Và ngôi chợ cổng trời đó là điểm đến đầu tiên và rất quan trọng trong chuỗi hành trình của du khách khi đến với vùng đất này. Ở đó có mọi đặc sản của người dân nơi đây để du khách dưới xuôi mua về làm quà. Đó cũng là điểm ngắm cảnh tuyệt vời”, ông Xà nói.

Veröffentlicht 13. Februar 2022 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , , , , , ,

Wolken ziehen durch die Berge, stürzen in Wellen herein, füllen das Dorf Pha Xac und verschwinden dann wie Tau – Mây luồn qua núi, sà vào từng đợt, lấp đầy bản Phà Xắc rồi tan biến như sương   Leave a comment

Săn mây trên bản Mông nơi vùng biên xứ Nghệ

Mây luồn qua núi, sà vào từng đợt, lấp đầy bản Phà Xắc rồi tan biến như sương. Mây cứ đến như thế, không đợt nào giống đợt nào, tạo nên một khung cảnh tưởng như chỉ có ở chốn thần tiên.
30/11/2021 20:27 https://baonghean.vn/san-may-tren-ban-mong-noi-vung-bien-xu-nghe-298433.html
Cách thị trấn Mường Xén khoảng 40km về phía Bắc, nằm trên tuyến đường Mường Xén – Mường Lống, bản Phà Xắc xã Huồi Tụ là một bản làng của người Mông nằm trên đỉnh núi có độ cao khoảng 1.300 m so với mực nước biển, thuộc dãy Trường Sơn, huyện Kỳ Sơn. 19°32′54.3″N 104°14′26.5″E
Những ngày Đông lạnh giá, sương mù dày đặc, mây trắng bồng bềnh bao phủ bản làng, Phà Xắc khoác lên mình một khung cảnh huyền ảo.
Rồi thoáng chốc, mây bỗng tan biến, không gian như giãn ra, trở nên thoáng đãng và trong xanh. Một lúc sau, mây lại bò qua núi, bao trùm lấy những mái nhà rồi lấp đầy không gian nơi đây. Mây cứ đến từng đợt như thế, không đợt nào giống đợt nào, tạo nên một khung cảnh tưởng như chỉ có ở chốn thần tiên.
Theo những người có kinh nghiệm, hiện tượng „biển mây“ ở Phà Xắc thường xuất hiện vào tháng 11, tháng 12 hàng năm. Du khách đến đây, không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ mà còn được trải nghiệm cuộc sống đặc sắc của người Mông ở miền Tây Nghệ An.
Đến với Phà Xắc sau chặng đường đầy gian nan, phần thưởng cho những người được chứng kiến là mây trắng bồng bềnh ôm lấy bản làng, thấp thoáng đâu đó là những con đường mòn ngoằn ngoèo trên các sườn đồi và một bầu không khí trong lành mê hoặc lòng người.

Veröffentlicht 1. Dezember 2021 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , , ,

Zu diesen Tagen ist der Reis auf den terrassierten Feldern in einigen Teilen des Bezirks Ky Son voll ausgereift, die Menschen gehen auf die Felder um zu ernten vor der Ankunft des Sturm Nr. 7 – Rẻo cao Nghệ An thu hoạch lúa tránh bão số 7   Leave a comment

Rẻo cao Nghệ An thu hoạch lúa tránh bão số 7

Thời điểm này, lúa trên các cung ruộng bậc thang ở một số nơi của huyện rẻo cao Kỳ Sơn đã chín rộ, bà con ra đồng thu hoạch để tránh mưa to do ảnh hưởng của cơn bão số 7.
10/10/2021 08:06 https://baonghean.vn/reo-cao-nghe-an-thu-hoach-lua-tranh-bao-so-7-295585.html
Ruộng nước theo hình thức bậc thang tại xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) được đưa vào sản xuất từ năm 2007 và áp dụng rộng rãi từ năm 2009 với diện tích hơn 300 ha và mang lại năng suất cao. Thời điểm này, lúa tại các bản Phù Khả, Tặng Phăn, Xiềng Xí, Buộc Mú, Kèo Bắc… đã bắt đầu chín rộ.
Ảnh: Đào Thọ – 19°13′37.4″N 104°11′02.5″E

Sợ ảnh hưởng của cơn bão số 7 sẽ có mưa to trong những ngày tới, nên thời điểm này bà con người Mông hối hả ra đồng thu hoạch lúa. Theo đánh giá của người dân, năm nay do thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa cũng cao hơn các năm trước.
Để gặt lúa, người Mông cũng dùng dụng cụ liềm. Tuy nhiên, chiếc liềm của cộng đồng này được chế tạo nhỏ gọn hơn nhưng có độ sắc bén và độ bền rất cao.

Veröffentlicht 10. Oktober 2021 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , ,

„milde Melone“ oder „Mong-Melone“ – Dưa rẫy siêu ‚khủng‘ ở huyện vùng cao Nghệ An   Leave a comment

Dưa rẫy siêukhủngở huyện vùng cao Nghệ An

Là giống dưa chuột có trọng lượng siêu „khủng” người ta quen gọi là „dưa rẫy, hoặc “dưa Mông”. Quả dưa to, ăn giòn, ngọt, thanh mát, có lẽ chỉ bà con người Mông sinh sống ở vùng quanh năm mây phủ, khí hậu ôn hòa mới trồng được.
10/07/2021 11:44 https://baonghean.vn/dua-ray-sieu-khung-o-huyen-vung-cao-nghe-an-290271.html
Những ngày này, đi dọc tuyến Quốc lộ 7 qua huyện rẻo cao Kỳ Sơn dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân bày bán khá nhiều dưa rẫy. Gọi là dưa rẫy bởi đây là giống dưa thường được bà con người dân tộc Mông trồng trên nương rẫy xen canh cùng lúa nương từ tháng 3 hàng năm. Đến tháng 6 thì bắt đầu thu hoạch và sẽ hết mùa vào tháng 9.
Dưa rẫy ở đây có trọng lượng gấp 4-5 lần so với các giống dưa bình thường, cá biệt có quả nặng từ 1,5-2 kg. Khi trồng không cần phải làm giàn mà chúng tự bò trên mặt đất, trên các mỏm đá…

Ông Dềnh Bá Chinh – một người dân ở bản Phả Sắc, xã Huồi Tụ cho biết: Giống dưa Mông này không ai nhớ có từ khi nào. Ban đầu dưa được trồng để phục vụ bà con ăn khi đi làm nương. Do số lượng dưa nhiều nên một số hộ “cõng” dưa xuống thị trấn Mường Xén để bán, không ngờ được rất nhiều người ưa chuộng, bán rất chạy với giá từ 14.000 – 16.000 đồng/kg tại chợ Mường Xén. Thấy được hiệu quả nên bà con người Mông các xã đã đua nhau trồng để tăng thêm thu nhập”.
Ông Dềnh Bá Lồng – Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Bà con đang vào vụ thu hoạch dưa rẫy, trên địa bàn xã Huồi Tụ trồng được bao nhiêu thì tiêu thụ sạch đến đó, thậm chí tư thương lên tận rẫy để thu mua. Toàn xã Huồi Tụ mới có khoảng 5 ha, trong khi tiềm năng đất còn nhiều, vì thế, xã đang chỉ đạo các bản mở rộng thêm diện tích trồng dưa xen với lúa rẫy để tăng thêm thu nhập cho bà con.
Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn cho biết thêm: Sở dĩ dưa Mông tại địa bàn huyện Kỳ Sơn được nhiều người ưa chuộng bởi đây là một loại “dưa sạch”, được người Mông trồng tự nhiên xen canh với lúa rẫy, không bón phân, không phun thuốc,… Dưa rẫy hiện nay được trồng nhiều nhất ở các xã có người Mông sinh sống như Nậm Cắn, Huồi Tụ, Mường Lống…

Là giống dưa đặc sản, truyền thống, chỉ có khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đồng bào Mông mới có, nhưng hiện nay đang trồng tự phát nên hiệu quả chưa cao. Qua rà soát toàn huyện mới chỉ có khoảng gần 30 ha. Huyện Kỳ Sơn đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân trong việc bảo tồn, trồng, phát huy giống dưa bản địa này để cải thiện cuộc sống cho đồng bào miền rẻo cao.

Veröffentlicht 11. Juli 2021 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , ,

Alphabetisierungskurs im Dorf Huoi Moi, Gemeinde Tri Le, Bezirk Que Phong – Lớp học xóa mù cho phụ nữ bản Mông nơi biên giới   Leave a comment

Lớp học xóa mù cho phụ nữ bản Mông nơi biên giới

Lớp học do Đồn Biên phòng Tri Lễ (BĐBP Nghệ An) phối hợp Trường Tiểu học Tri Lễ 4 tổ chức tại bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.
10/12/2020 19:07 https://baonghean.vn/lop-hoc-xoa-mu-cho-phu-nu-ban-mong-noi-bien-gioi-278785.html

Từ 7 giờ tối thời tiết vùng cao lạnh giá và nhiều sương mù, địa hình phức tạp, đường đi lại khó khăn, vất vả nhưng chị em phụ nữ người Môngbản Huồi Mới (xã Tri Lễ) vẫn rủ nhau tới lớp học xóa mù để học cái chữ. Bản Huồi Mới có 130 hộ, 812 khẩu, trong đó phần lớn phụ nữ không biết chữ.
Khóa học có 53 học viên chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông ở bản Huồi Mới đăng ký tham gia được chia làm 2 lớp, một lớp do cán bộ biên phòng Đồn Tri Lễ (BĐBP Nghệ An) trực tiếp giảng dạy. 19°39′08.2″N 104°41′01.6″E
Lớp khác do thầy giáo Lương Văn Xuyên – giáo viên Trường tiểu học Tri Lễ 4 điểm trường Huồi Mới giảng dạy. Chương trình học gồm 2 môn Toán (60 tiết) và Tiếng Việt (180 tiết).
Để không ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con, lớp học được tổ chức vào các tối từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần. Lớp học khai giảng từ ngày 5/12 và sẽ được triển khai trong vòng 4 tháng. Kết thúc khóa học sẽ kiểm tra đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho các học viên.
Trung úy Lỳ Bá Chùa (Đồn Biên phòng Tri Lễ) quê ở Kỳ Sơn cũng là người dân tộc Mông, được giao phụ trách giảng dạy một lớp gồm 27 học viên cho biết: Lớp học nhằm giúp đỡ đồng bào, nhất là phụ nữ dân tộc Mông tại bản Huồi Mới biết đọc, biết viết, tính toán, góp phần nâng cao kiến thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới. Năm ngoái, Đồn biên phòng Tri Lễ cũng đã tổ chức một lớp học xóa mù cho 26 học viên phụ nữ người Mông ở bản Pả Khốm.
Có những học viên chăm chỉ như chị Thò Y Xia dù mới học được vài hôm nhưng đã biết viết nhiều chữ. Chị Xia cho biết ngày đi rẫy, tối chị tranh thủ nhờ chồng trông 2 đứa con để đến lớp xóa mù, những hôm không tới lớp, chị tranh thủ học ở nhà.
Trong lớp của thầy giáo quân hàm xanh Lỳ Bá Chùa có một học viên đặc biệt là anh Thò Bá Và (SN 1979), học viên nam duy nhất đi học cùng vợ là chị Lỳ Thị Bi. Anh Thò Bá Và cho biết vì anh muốn học cái chữ để thi lấy bằng lái xe thuận tiện cho việc tham gia giao thông.
Bình thường lớp học bắt đầu từ lúc 7 giờ và kết thúc vào 9 giờ nhưng cũng có khi, học viên say sưa học đến 10h tối.

Veröffentlicht 10. Dezember 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , ,

Es ist schwierig, aber Frau Sung Thi Tong hat das Glück dass 1 von 7 Kindern im Dorf zur Schule gehen dürfen – Dù khó khăn, nhưng cô Sung Thị Tông lại may mắn là 1 trong 7 đứa trẻ trong bản được cắp sách tới trường   Leave a comment

Hành trình cô giáo Sùng Thị Tông vận động 100% trẻ đến trường

Dù khó khăn, nhưng cô Sung Thị Tông lại may mắn là 1 trong 7 đứa trẻ trong bản được cắp sách tới trường. 20°23′01.2″N 104°41′55.1″E
04/10/2020 06:38 https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hanh-trinh-co-giao-sung-thi-tong-van-dong-100-tre-den-truong-post212758.gd
Cô giáo Sung Thị Tông, giáo viên Trường Mầm non Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa là một trong những cá nhân có thành tích xuất sắc được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ 7 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2020.
Công tác tại bản trường mầm non thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Thanh Hóa, nơi có 100% đồng bào dân tộc người Mông, nơi cái đói, cái nghèo và cả sự lạc hậu còn không ít.
Nơi chỉ vài năm trước vẫn không đường, không trường, không trạm. Những đứa trẻ nơi đây chẳng bao giờ nghĩ đến việc học cái chữ, chỉ muốn lên nương làm rẫy kiếm ít ngô ít sắn, lớn hơn chút thì lấy vợ lấy chồng rồi sinh con.
Đường đến trường của những đứa trẻ nơi đây không chỉ xa về mặt địa lý, mà còn xa bởi chính suy nghĩ cái chữ không làm no cái bụng của đồng bào dân tộc nơi đây. Nhưng với những nỗ lực không ngừng, cô Sung Thị Tông đã khiến 100% trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo đến trường.
Chia sẻ về câu chuyện của bản thân tại đại hội, cô Sung Thị Tông cho biết, bản thân cô cũng vốn là người Mông. Sinh ra và lớn lên tại bản nghèo Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm xã 27 km và cách trung tâm huyện 67 km, nơi chỉ toàn đồi núi bao phủ, tuổi thơ gắn liền với những con suối và ruộng nương.
Với những nỗ lực và thành tích của bản thân, cô Sung Thị Tông là một trong những giáo viên xuất sắc được vinh danh tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 7 ngành giáo dục. (ảnh: Bộ giáo dục và đào tạo)
2-6406Tôi có 8 anh chị em và hầu hết các gia đình khác cũng vậy, nhà nào cũng có 8-10 người con. Người Mông chúng tôi sinh con dày đến mức anh chị em mà nhìn như đứa trẻ cùng lứa tuổi. Vì thế cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám chúng tôi”, cô Tông kể.
Dù khó khăn, nhưng cô Sung Thị Tông lại may mắn là 1 trong 7 đứa trẻ trong bản được cắp sách tới trường. Đến giờ cô Tông vẫn nhớ, những ngày đầu tiên đi học, khi toàn thân lấm lem bùn đất.
Những buổi học trong những lớp học tranh nứa, nắng rát mặt, mưa ướt đầu. Nhiều bạn cùng lớp phải cõng em đi học. Bút sách đều thiếu thốn, chủ yếu do các thầy cô cho.
Trải qua những tháng ngày đi học khó khăn, nhưng đầy niềm vui, cô Sung Thị Tông luôn ấp ủ ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo, đem tri thức về cho thế hệ trẻ nơi cô sinh ra.

Với sự quyết tâm, phấn đấu, ước mơ của cô Tông trở thành hiện thực khi năm 2016 cô đã trở thành cô giáo mầm non. Với lòng đam mê nghề giáo và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô đã không quản ngại khó khăn, vất vả xung phong nhận nhiệm vụ đứng lớp tại điểm trường Mùa Xuân, Trường Mầm non Sơn Thủy.
Đây là bản có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, cách điểm trường chính và trung tâm xã 22 km, giáp với nước Lào. Là một bản vùng biên nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá: không điện – không đường – không trạm, sự nghèo đói, lạc hậu… vẫn đeo bám nơi đây.
Đồng bào sống tự cung tự cấp, dựa vào trồng ngô, trồng lúa trên nương. Đặc biệt trong cơn bão số 3 năm 2019, bản Mùa Xuân đã bị lũ quét tràn qua, chia cắt và cô lập.
Những ngôi nhà đất mái lá vốn đã đơn sơ, tuềnh toàng, cơn bão đi qua đã cuốn trôi, làm sập hoàn toàn, đường xá sạt lở, chia cắt… Hành trình đến với điểm trường Mùa Xuân của tôi càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết”, cô Tông tâm sự.
Kể về con đường đến trường, cô Tông kể rằng, quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, 1 bên là núi, 1 bên là vực mà nếu đi không cẩn thận sẽ rơi xuống vực bất cứ lúc nào.
Cô Tông cho biết, để đến điểm trường cô đang dạy, nếu đi xe máy sẽ mất khoảng 5h đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất 1 ngày. Nhưng những khó khăn đó cũng không khiến cô chùn bước mà càng thôi thúc cô giáo trẻ nhanh đến điểm trường hơn.
Khi tận mắt nhìn thấy những thiếu thốn của điểm trường, phòng học xuống cấp, đồ dùng học tập, trang thiết bị, đồ chơi bị mưa bão cuốn trôi và hư hỏng… cô Tông càng thấu hiểu những thiếu thốn của những đứa trẻ nơi đây.
Từ đó, cô giáo trẻ trăn trở và suy nghĩ làm gì để những đứa trẻ nơi đây bớt khổ, bớt đói; làm thế nào để các em có đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị cần thiết để vui chơi, học tập, đáp ứng các yêu cầu của công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi?

Huy động để hỗ trợ trẻ em nghèo
Cô Sung Thị Tông đã tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường tìm cách kết nối với các cá nhân, đoàn từ thiện, các nhà hảo tâm để huy động mọi nguồn lực hỗ trợ về đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế cho trẻ.
Những nỗ lực của cô Tông đã được đền đáp. Trong hơn 1 tháng cô đã kêu gọi được nhiều đồ chơi, đồ dùng, bàn ghế; đoàn thiện nguyện Búp Măng Non đã đến tại điểm trường Mùa Xuân để tổ chức Tết Trung thu cho các cháu; đặc biệt, chương trình Vì trẻ em vùng cao và nuôi em, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ nuôi ăn cho tất cả các cháu và 100% cháu được bán trú tại trường.
Khi cơ sở vật chất đã tạm thời ổn định, cô giáo trẻ lại suy nghĩ làm thế nào để mỗi đứa trẻ nơi đây đều được đến lớp học tập và vui chơi cùng bạn bè.
Vì thế sau mỗi buổi lên lớp, cô Tông đến từng nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng cháu, động viên, tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ ra lớp học… và sau 1 tháng khai giảng, trẻ từ độ tuổi 25-36 tháng trở lên đã ra lớp 100%.
Với 100% người dân nơi đây đều là đồng bào dân tộc Mông, trẻ đến trường đều giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, không hiểu được tiếng Việt nên các hoạt động trên lớp chưa thu hút được sự tham gia của trẻ.
Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ. Để làm được điều đó cô Tông vừa nói tiếng phổ thông, vừa phiên âm ra tiếng Mông để giải thích cho trẻ, tập cho trẻ nói tiếng phổ thông từ những câu đơn giản nhất.
Ngoài ra, tôi đã sử dụng giấy màu, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương từ vỏ cây, hột hạt, lá rừng, sỏi… và nhờ sự hỗ trợ của các phụ huynh để tạo môi trường lớp học thật phong phú, đẹp mắt bằng các hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu nhằm đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ; tạo điều kiện cho trẻ khi đến lớp vừa được chơi, vừa được học.
Song song với việc xây dựng môi trường vật chất, tôi luôn xây dựng môi trường giao tiếp thân thiện giữa tôi với trẻ, với phụ huynh; tôi luôn luôn dành cho trẻ những cử chỉ âu yếm, lời nói nhẹ nhàng… tạo niềm hứng khởi cho trẻ mỗi khi đến lớp và điều đặc biệt mỗi sáng mai thức dạy, trẻ thích được đến trường cùng cô và các bạn”, cô Tông tâm sự.
Dù đã thuyết phục được cha mẹ để 100% trẻ trong độ tuổi đến lớp – một việc không hề dễ dàng ở những khu vực vùng sâu vùng xa, nhưng cô Sung Thị Tông luôn khiêm tốn khi cho rằng những việc làm của bản thân rất nhỏ bé.
Ước vọng duy nhất của cô giáo trẻ là có thể làm được những điều bình dị, mang đến cho những đứa trẻ nơi cô đang dạy tiếng cười, môi trường với đầy đủ đồ chơi, trang thiết bị cần thiết, được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ thật an toàn, con đường đưa bước chân của các con đến trường hằng ngày bằng phẳng – những điều bình thường nhất mà trẻ em ở nơi khác dễ dàng có được.
Dù còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng tôi sẽ cùng với tập thể giáo viên, nhân viên Nhà trường sẽ tiếp tục mang sức trẻ, sự tâm huyết của mình đưa đến cho trẻ em điểm trường Mùa Xuân những hy vọng mới, luồng ánh sáng mới và hình thành cho trẻ một nhân cách tốt, được phát triển toàn diện phù hợp với lứa tuổi, góp phần đưa đơn vị tiếp tục duy trì và giữ vững về công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi…
Tôi mong rằng bản làng nơi đây sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm… giúp bà con giảm dần khoảng cách với những vùng thuận lợi, các cháu được vui chơi, học tập trong những điều kiện tốt nhất; giúp cho bản Mùa Xuân ngày càng trở nên tươi đẹp, tràn đầy sức sống như tên gọi thân thương ấy”, cô Sung Thị Tông hi vọng.
Thùy Linh

Veröffentlicht 4. Oktober 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,

Stierkampf ist eine einzigartige kulturelle Aktivität der Mong im Hochland von Nghe An und zeigt den Kampfgeist – Lên rẻo cao Nghệ An xem hội chọi bò của người Mông   Leave a comment

Lên rẻo cao Nghệ An xem hội chọi bò của người Mông

Chọi bò là một hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông ở vùng cao Nghệ An, thể hiện tinh thần thượng võ và sự gắn bó với vật nuôi trong gia đình. Những cuộc chọi bò đã mang đến sự háo hức, hồi hộp và phấn chấn cho cư dân sinh sống trên đỉnh cao sương phủ.
Trận đấu quyết liệt giữa hai „đấu sĩ“ bò. Clip: Công Kiên 19°14′43″N 104°11′09.6″E
07/07/2020 15:56 https://baonghean.vn/len-reo-cao-nghe-an-xem-hoi-choi-bo-cua-nguoi-mong-270446.html
Một buổi sáng đầu tháng 7/2020, anh Xồng Bá Dênh ở bản Ca Nọi, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) dắt chú bò lớn và khỏe nhất của gia đình đến sân tham gia hội chọi bò. Không riêng gì anh Dênh mà nhiều gia đình có bò khỏe ở các bản khác cũng đưa bò đến tham gia hội chọi, số lượng „đấu sĩ“ bò lên tới hàng chục con. Ảnh: Công Kiên

Hôm ấy, bò của Xồng Bá Dênh thi đấu với bò của anh Già Bá Chư (màu trắng). Hai „đấu sĩ“ có kích thước và cặp sừng tương đương. Bò của anh Chư ít tham gia các trận đấu ở bản, vì chủ nhân thường hay đi làm xa. Trong khi đó, con bò mộng lông đen của Dênh đã giành chiến thắng trong rất nhiều cuộc đấu.
Hai „đấu sĩ“ vào cuộc quyết liệt với nhiều miếng võ nguy hiểm nhằm làm cho đối phương lúng túng, dẫn đến sơ hở, buộc phải bỏ chạy.
Bị đối phương ghì chặt, nguy cơ bị thương ở mắt, cuối cùng chú bò đen của anh Xồng Bá Dênh buộc phải bỏ chạy, kết thúc chuỗi những trận bất bại của „đấu sĩ“ bò đen. Phần thắng thuộc về chú bò của Già Bá Chư. Để đảm bảo an toàn cho người dân xem chọi bò, Ban tổ chức đã cắt cử những thanh niên to khỏe, cầm sào và thòng lọng, sẵn sàng ngăn cản những chú bò hiếu chiến tiến về phía khán giả.
Hội chọi bò thường tổ chức theo thể thức thi đấu theo từng vòng, những „đấu sĩ“ thắng trong các cuộc đấu được chọn vào chọi ở vòng tiếp theo, cuối cùng là trận chung kết để chọn danh hiệu vô địch. Hôm đó, giải vô địch thuộc về chú bò của Già Bá Chư sau khi đánh bại đối thủ ở trận chung kết.
Kết thúc trận đấu, bà con dân bản ra sân chúc mừng Già Bá Chư và „đấu sĩ“ trắng. Sau hội chọi ở bản, dù thắng hay thua, những „đấu sĩ“ bò vẫn tiếp tục được chủ nhân chăm sóc, là gia tài lớn của gia đình. Và tiếp tục tham gia ở các hội chọi bò lần sau. Già Bá Chư tâm sự, để có được con bò khỏe, anh phải chăm sóc thường xuyên. Hàng ngày, ngoài chăn thả trên rẫy, tối về anh còn cho thêm cỏ sữa. Bò chiến thắng là một niềm tự hào của cả gia đình, cả bản.
Hội chọi bò từ lâu đã trở thành truyền thống của cộng đồng người Mông. Mỗi khi có hội chọi, người dân không kể già trẻ, trai gái đều tập trung về bãi chọi để theo dõi và cổ vũ cho các chú bò của bản mình. Bà con nói vui rằng: „dân bản ta, cứ có niềm vui là đưa bò đi chọi. Nhờ có hội chọi bò mà người Mông gắn kết với nhau hơn“.

Veröffentlicht 8. Juli 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , ,

Pomu-Züchter auf dem Berg Au Tien (Nghệ An) – Người trồng pơmu trên núi Au Tiên   Leave a comment

Người trồng pơmu trên núi Au Tiên

Đối diện dông (sườn núi) rừng pơmu sừng sững gần 20 năm tuổi là những đồi cây pơmu 8-10 năm tuổi như đang “đội” những vầng lá tựa những búp thông xanh khổng lồ.
04/05/2020 , 17:26 https://nongnghiep.vn/nguoi-trong-pomu-tren-nui-au-tien-d263686.html
Trăn trở về những lần chặt trụi đồi cây để đốt nương làm rẫy hồi trước, sau khi rời quân ngũ, người lính trẻ dần trở thành cựu chiến binh nhưng vẫn không nguôi mơ ước về những cánh rừng sẽ hiện lên. Rồi ông quyết tâm thực hiện mơ ước cháy bỏng của mình là đi trồng rừng. Nhưng việc làm rất táo bạo của người cựu binh này là thay vì trồng cây keo, cây tràm kiếm kế sinh nhai, ông quyết tâm trồng rừng pơmu.
Đó là cựu binh Vừ Vả Chống, 52 tuổi, người Mông, trú tại bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, huyện biên giới rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An). 19°30′07.2″N 104°14′32″E

Nỗi trăn trở
Dưới mái lán giữa cánh rừng pơmu thấp thoáng trong sương mù, ông Vừ Vả Chống xoè bàn tay chắc khoẻ, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về tháng ngày “trồng cây gây rừng” của ông.
Bắt đầu bằng những lí giải của ông về các câu hỏi, vì sao ông lại trồng rừng? Vì sao ông trồng thành công những vùng rừng pơmu đang hiện lên sừng sững giữa đại ngàn biên giới?…
Ông kể: “Đời tôi thiếu bố, mồ côi bố từ nhỏ. Năm 1984 đi bộ đôi lúc 17 tuổi. Ba năm sau ra quân rồi cưới vợ năm 24 tuổi. Về bản quê lấy vợ vẫn sống trong cảnh “khó xoay trở” đến mức vợ chồng son không có cái xe máy cũ để đi ra thị trấn Mường Xén của huyện„.
Trước kia, vợ chồng ông sinh sống bằng nghề đốt nương, làm rẫy, trỉa ngô, gieo lúa. Quanh năm quần quật cũng khó tìm đủ cái ăn giữa bản nghèo nằm cheo leo bên con đường rừng ngược lên “cổng trời” Mường Lống.
Chẳng lẽ bây giờ vẫn cam cảnh khó khăn, túng thiếu như ngày ấy”. Ông lại xoè bàn tay nâu sạm, tiếp tục kể. Đôi mắt ông mở to như chợt lung linh khi nhắc về một kí ức được ví như “cái chìa khoá” mở toang cánh cửa bí hiểm, sự hiểu biết về núi rừng để nghĩ việc trồng pơmu: “Hồi ở lính huyện đội, tôi từng đi công tác qua những cánh rừng pơmu bạt ngàn. Một lần, tôi hỏi người bạn lính lớn tuổi về rừng cây này. Anh bạn lính giải thích cho tôi biết rằng, đây là rừng cây có từ rất lâu đời, là tài sản rất quý giá của thiên nhiên còn sót lại. Lâu đời là do chính quyền địa phương và nghành lâm nghiệp, kiểm lâm còn giữ gìn được trước sự tàn phá rừng tán khốc của lâm tặc. Quý giá ở là bởi nó là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Quý nữa là do giá trị kinh tế của loại gỗ quý hiếm. Mỗi cây pơmu lớn, nhiều năm tuổi có giá không dưới 50 triệu đồng”.
Lúc đó, người lính trẻ Vừ Vả Chống hiểu rằng, cánh rừng pơmu là tài sản vô giá có từ đất rừng. Biết thế, anh càng trăn trở về cảnh chặt cây, đốt rừng làm rẫy. Anh lại nghĩ “vì sao bà con dân bản của mình lại để những vùng đồi trơ trọi với vô vàn cây cối hoang dại mà không trồng thành rừng pơmu”. Ý nghĩ mới dồn đầy thêm nỗi trăn trở mới trong tâm trạng của người lính trẻ cho đến lúc anh rời quân ngũ.

Khát vọng táo bạo
Năm 2003, đứng trước những vùng đồi trọc, hoang dại dưới chân núi Au Tiên, cựu binh Vừ Vả Chống quả quyết bây giờ chính là lúc mình trồng pơmu, thực hiện khát vọng để đời và trả được nỗi ân hận thời trẻ cho rừng.
Nhưng ngay sau ý nghĩ đó, ông vấp phải hàng loạt những lực cản hóc búa. Ví như: Mình nghèo, không có tiền dư dật thì lấy gì để mua cây giống. Đi tìm mua cây giống ở đâu. Mình chưa hề có một kinh nghiệm, kĩ thuật gì về trồng, chăm sóc loại cây “khủng” này, liệu có thành công không. Không biết khí hậu ở Huồi Tụ có cho phép cây pơmu sống khoẻ và sinh trưởng tốt không…
Những câu hỏi vây ráp tâm trí người cựu binh suốt ngày đêm. Nhiều đêm, ông nằm không yên, cứ bước lẩn thẩn hàng giờ ra vùng núi trọc rồi quay về. Thấy vậy, vợ ông là bà Lỳ Y Sỳ hỏi gắt: “Mắc mớ chi mà ông cứ lẩn thẩn mãi thế. Nếu ông muốn trồng pơmu bằng được thì tui ủng hộ thôi. Vợ chồng sống chết, đồng cam cộng khổ với nhau chứ”.
Nghe vợ nói thế, ông Chống tươi tỉnh hẳn lên. Ông động viên lại vợ: “Ừ, ta trồng thí điểm nhé. Có thể cây sống, có thể cây chết nhưng không trồng thì không biết được có thành công hay không”.
Ông Chống nhớ lại, cuối năm 2003 ông bắt đầu hành trình đi tìm hiểu giống cây. Ông gói cơm, muối cất công đi 35 km đến bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) – nơi có rừng pơmu để hỏi chuyện các già làng, trưởng bản. 19°19′09.4″N 104°07′04.9″E
Sau khi nghe ông thổ lộ khát vọng đau đáu của mình, cụ Vừ Pà Rê (70 tuổi) mở cánh cửa gầm tủ lấy can rượu, rót hai li, lộ vẻ cảm phục.
Chạm ông Chống chén thứ nhất, cụ nói chân tình: “Con ạ, loại cây này là “vàng xanh” của rừng núi ta đấy, rất nên trồng”. Chạm chén thứ hai, cụ nói tiếp: “Nếu con quyết thì ta sẽ cho giống cây về trồng thí điểm. Có hiệu quả tốt ta sẽ cho nhiều”.
Hôm ấy, cụ tặng” ông 200 bầu cây pơmu kèm theo kĩ thuật đào hố, trồng và chăm sóc cây giống nhưng ông vẫn mua thêm 300 bầu cây nữa.
Đêm ấy về lại bản, ông Chống thủ thỉ ngay với vợ: “Loài cây pơmu chỉ quen sống trên núi cao, có sương mù bao phủ. Muốn trồng được nó phải đào hố rộng 40 cm, sâu 40 cm nhưng không bón phân nhé„.
Bón phân là cây chết. Khi cây lớn lên phải làm sạch cỏ. Lấy xác cỏ tấp và gốc cây. Làm thế mới tạo thêm độ mùn cho cây. Nếu cây không sống là do khí hậu không phù hợp.
Nếu cây thích hợp với khí hậu thì tầm 20 năm trở lên là bán được rồi. Riêng đối với samu thì trên 50 năm. Nhưng ta không bán đâu nhé. Ta trồng thành rừng nhé”.
Nghe chồng hào hứng suốt đêm, bà vợ bảo: “Cứ trồng đi. Sau 20 năm, 50 năm thành già làng, trưởng bản rồi hãy hay”.

Hôm sau, hai vợ chồng ông Chống lên núi Au Tiên khảo sát thực địa. Tại đây, gia đình ông đang sử dụng đất thuê của Nhà nước để trồng chè. Bởi chưa dám vào cuộc với tâm thế “được ăn cả, ngã về không” nên vợ chồng ông Chống vừa trồng pơmu vừa trồng chè để lấy “đồi chè nuôi rừng pơmu”.
Từng bước thao tác, ông Chống làm y chang lời cụ căn dặn, không thuê người trồng “bởi thuê thì sợ họ làm sai kỹ thuật, gây chết cây”.
Sau 5 năm (2008), vợ chồng ông Chống buồn thiu vì lứa cây đầu tiên bị chết khá nhiều. Ông Chống đứng bên những cây chết, nói với vợ: “Sợ khó thành công đấy bà ơi”.
Bà vợ an ủi: “Chưa nguy cấp lắm đâu. Ông sang Tây Sơn hỏi lại kinh nghiệm của cụ đi”. Hai vợ chống quyết định bán một con bò để trang trải mọi chi phí đường dài và mua thêm cây giống để bù vào số cây đã chết. Ông Chống lại gói cơm, muối sang gặp cụ .
Khi nghe ông Chống tường thuật lại chuyện trồng cây xong rồi, lấy đất tấp thêm xung quanh cho vững gốc cây. Cụ gạt phắt bàn tay, nhắc: “Trồng pơmu chứ không phải trồng chuối nhé. Càng đắp đất lên gốc như đắp gốc chuối thì pơmu càng chết. Chỉ cần tấp xác cỏ để tạo mùn cho đất và để đất thoáng thì không bao giờ pơmu chết nếu thích hợp với khí hậu”.
Ông Chống ngồi nghe như nuốt lấy từng lời. Đoạn ông đề cập mối lo thứ hai khiến cây chết. Đó là sâu gây bệnh, sâu đục thân và sâu ăn rễ tàn phá.
Ông hướng dẫn: “Gặp con sâu đục thân thì kiên trì tìm giết nó đi. Nếu sâu đục thân làm thân gãy thì sau khi giết sâu phải làm cái nạng chống lên để đỡ thân cây không bị gãy. Sau đó, cây sẽ tự hồi phục. Riêng sâu ăn rễ thì con sâu đó chính là con mối đấy. Người thợ trồng cây phải kiểm tra thường xuyên, dọn sạch gốc cây để trừ sạch mối, không còn môi trường cho con mối phát triển trong lòng đất”.

Ông Chống về trồng, tuân thủ kỹ thuật truyền dạy của cụ . Ông mừng rơn khi thấy cây phát triển đều, đẹp. Năm 2010, ông sang lại bản Huồi Giảng mua thêm 3.000 cây. Lần này ông bảo, đã nếm trải thất bại rồi, đã tin kỹ thuật truyền đời của “thầy” Rê rồi nên không sợ sệt gì nữa.
Quả nhiên, 3.000 cây mới không chết một cây nào. Cây nào cũng mọc lên thẳng tăm tắp. Rất đẹp”, ông Chống tự hào.
Sau thành công này, thay vì mua cây giống, ông Chống đi tìm hạt giống về ươm. Lần này ông có thêm bà vợ cùng đi.
Hai vợ chồng vẫn một gói cơm, muối săn lùng khắp các ngả rừng pơmu, samu mênh mông ở bản Huồi Giảng. Gặp hạt thì gom hạt. Gặp cây nhỏ cỡ 5-10 cm thì đóng bầu mang về.
Ngày nào may mắn thì tìm được mươi hạt với vài chục bầu cây con (cây con này tiếp tục được chăm sóc trong bầu, khoảng 50 cm là trồng được).
Ngày đi tìm mải miết, tối về bản xin ngủ nhờ. Mỗi đợt đi vài ngày. Có đợt đi 3-4 ngày, hết “mê mệt” mới về. Cứ thế, hai vợ chồng một và gói cơm muối đi về như thoi đưa.
Ông Chống tự trào: “Mình đổ giọt mồ hôi xuống đất thì đất lại thương mình làm cho cây pơmu mọc lên tươi tốt để phủ xanh đồi núi trọc. Tìm được một hạt pơmu bé như quả phi lao màu nâu sẫm khó lắm (trong hạt mẹ có khoảng 10 hạt con nhỏ xíu như hạt quả chanh leo, màu tím biếc). Tìm được một cây con cỡ 5-10 cm còn khó hơn nhiều. Thế mới thấm được nỗi khát khao để trả nợ nỗi trăn trở với rừng của đời mình”.
Đến năm 2012 thì ông Chống không phải đi tìm hạt, cây giống nữa bởi lứa cây đầu tiên (2003) của ông bấy giờ đã cho hạt hoặc hạt rụng xuống, mọc lên cây con quý giá.

Đi trong rừng pơmu
Ông Chống đang say kể nhiều chuyện thì một số dân bản đến hỏi mua giống cây pơmu. Như sực nhớ lại “sự đổi đời” của rừng pơmu trên dãy núi Au Tiên, ông Chống không giấu diếm: “Năm 2012, do bí bách việc học của bốn đứa con gái nên một người dưới xuôi lên hỏi mua gỗ pơmu, tôi đành lòng bán đi một cây mới chín năm tuổi, giá hơn 3 triệu đồng. Nhìn họ hạ cây pơmu để lại một khoảng trời trống rỗng trên đầu, tôi tiếc và đau đứt ruột. Sau đó, một hội thợ gỗ khác đến hỏi mua, tôi kiên quyết không bán nữa. Lí do đơn giản là nếu bán cho tư thương thì chỉ trong chốc lát họ sẽ hạ mất hết rừng cây, “chặt” hết khát vọng để đời của tôi. Trong lúc đó, mơ ước về rừng cây pơmu phủ xanh đất trống, đồi trọc của tôi đang trở thành hiện thực”.
Ông Chống cho hay, đến thời điểm hiện tại, vợ chồng ông đã có hơn 7.000 cây pơmu dọc dài dông núi và một số đỉnh núi trên dãy núi Au Tiên. Cây lớn nhất có đường kính 40 cm, cao 15-20m. Hiện hàng năm, vợ chồng ông tiếp tục trồng.
Riêng về chuyện bán cây giống, ông liệt kê: “Hiện tôi đã bán được 6.000 cây giống cho dân bản. Việc này tôi cũng học theo sự truyền dạy của “thầy” Rê. Nghĩa là thấy bà con thích trồng pơmu “đi tầm” cây giống thì tôi “tặng” để họ trồng thí điểm đã. Cùng với “tặng”, tôi bàn giao tỉ mỉ kỹ thuật đào hố, trồng và chăm sóc cây. Giờ bà con hỏi mua liên tục nhưng tôi không đủ cây giống để bán nữa. Thấy bà con tha thiết quá nên tôi kể lại chuyện đi tìm cây giống của mình, chuyện “thầy” Rê bày cho rồi hướng dẫn họ sang bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn vừa tìm hạt vừa mua cây giống như tôi hồi trước”.

Nghe ông Chống kể chuyện, ông Hạ Bá Lì (Phó chủ tịch xã Huồi Tụ) góp thêm chi tiết bất ngờ. Đó là, thấy ông Chống phủ xanh được đồi núi trọc bằng cây gỗ quý pơmu thì dân bản đến xem và làm theo.
Một bản tính của người Mông là có thấy hiệu quả mới làm theo. Hiện đã có 30 hộ dân trong xã Huồi Tụ trồng 26.000 cây pơmu, samu thành rừng trên hai dãy núi Au Tiên Hồi Pụ (bình độ 1.050 m so với mặt nước biển).
Nói xong, ông Chống dẫn chúng tôi gồm các ông Hạ Bá Lì; Vừ Bá Đà (cán bộ lâm nghiệp xã); Lô Văn Tiến (Kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn) đi “ngắm” các ngả rừng pơmu.
Trong mù sương, chúng tôi lội xuống lũng núi, trèo lên dông rừng giữa bốn bề cây pơmu cao thẳng tắp mà không biết mệt. Tâm trạng tôi bỗng dưng thư thái, thoả thích hoà lẫn với màu xanh mái lá pơmu và khí trời se lạnh sương mù. Đối diện dông rừng pơmu sừng sững gần 20 năm tuổi là những đồi cây pơmu 8-10 năm tuổi như đang “đội” những vầng lá tựa những búp thông xanh khổng lồ, mọc thẳng lên trong trời chiều.
Dừng lại bên cây pơmu lớn nhất dải rừng, ông Chống vòng hai cánh tay ôm lấy thân cây xù xì, vẻ mặt đầy phấn khích. Ông bảo, cây này cho hạt và cây giống nhiều nhất dãy rừng này. Rời cây pơmu, ông Chống bất chợt cúi xuống bên gốc cây rồi oà reo khi nhìn thấy một cây giống hiếm hoi mới cao chừng 6 cm, thân tựa như sợi cước màu xanh.
Ông Chống không nỡ nhổ cây giống lên mà gọi chúng tôi nhìn xuống. Ông đưa bàn tay vạm vỡ ve vuốt thân cây mỏng mảnh và mấy chiếc lá bé tẹo như li ti dấu chấm.
Nhìn cử chỉ trìu mến với cây giống ấy rồi ngước nhìn cây pơmu sừng sững bên cạnh mới thấm được sự phấn khích không giấu được trên gương mặt cương nghị, sạm nắng của người cựu binh.
Rời cây giống bé tẹo, ông Chống chỉ tay về phía đỉnh núi Au Tiên, bảo: “Đến đây mà chưa lên đỉnh Au Tiên là chưa thấy hết toàn cảnh rừng pơmu„.

Chúng tôi lại băng qua dông núi, hăm hở trèo lên đỉnh. Hoá ra, ông Chống đang đưa chúng tôi “lạc” vào rừng pơmu trẻ mới 5-6 tuổi của ông.
Trên đỉnh núi còn một ô đất được rào xung quanh, ở giữa là những bầu cây xanh non. Ông Chống nói: “Cây giống trồng chưa hết nên cất vào đây đề phòng trâu bò dẫm nát, phí lắm. Rừng cây bản địa đấy. “Vàng xanh” cả đấy”.
Theo ông Bạch Quốc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, việc ông Chống và 30 hộ dân trồng thành công rừng pơmu là “cú hích” thực sự mạnh mẽ trong định hướng phát triển ngành lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước.
Kết quả trồng rừng pơmu của ông Chống không dễ dàng có được. Ngoài ý nghĩa đáng trân trọng là khôi phục được giống cây bản địa quý hiếm, rừng pơmu của ông Chống và dân bản Huồi Tụ còn là mô hình là hết sức cần thiết cần được nhân rộng. Để nhân rộng được mô hình này cần có công tác truyền thông chuyên sâu, xây dựng chính sách thích hợp để hỗ trợ, giúp người dân trồng rừng pơmu thành công.

Với những nỗ lực của mình, năm 2019, ông Vừ Vả Chống được UBND huyện Kỳ Sơn cử đi dự Hội nghị Cựu chiến binh gương mẫu tỉnh Nghệ An lần thứ 6.
Cùng năm 2019, ông Chống vinh dự có mặt tại Hội nghị Cựu chiến binh yêu nước tại Hà Nội.
Trước đó, ông nhận nhiều Bằng khen vềthành tích hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏicủa Hội Nông dân tỉnh Nghệ An…
Hiện ông Chống là Bí thư Chi bộ bản Trung tâm kiêm Phó công an xã Huồi Tụ.

Pơ mu https://vi.wikipedia.org/wiki/P%C6%A1_mu
Fujian-Zypresse https://de.wikipedia.org/wiki/Fujian-Zypresse

Veröffentlicht 6. Mai 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,

Die Lehrer an der Pha Lom Schule (Tuong Duong) – Ước mong cùng con chữ ở Phà Lõm   Leave a comment

Ước mong cùng con chữ ở Phà Lõm

Ở khắp các bản, làng miền núi cao của Nghệ An, đội ngũ thầy giáo, cô giáo ngày đêm gắn bó cùng công tác giảng dạy. Họ không quản ngại vất vả, khó khăn, chỉ mong các em đọc thông, viết thạo, học lên để sau này thoát đói nghèo. Các thầy, cô giáo ở điểm trường Phà Lõm (Tương Dương) là những con người như vậy. 19°08′39.3″N 104°22′58.9″E
16/11/2019 https://baonghean.vn/uoc-mong-cung-con-chu-o-pha-lom-257461.html
22 tuổi, cô giáo trẻ Vi Thị Lệ đã có 2 năm gắn bó với những học sinh người Mông. Năm đầu tiên sau khi ra trường, Lệ về công tác tại Trường Tiểu học Nậm Cắn (Kỳ Sơn).
Năm học 2019-2020 này, Lệ vào điểm trường Phà Lõm (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) và trở thành giáo viên cắm bản trẻ nhất ở đây.

Phà Lõm nằm trong một thung lũng xanh tươi, còn điểm trường tiểu học nằm cạnh dòng suối Chà Lạp. Nhưng Phà Lõm cũng là 1 trong 5 bản đặc biệt khó khăn của xã rẻo cao vùng biên giới Tam Hợp, cách biên giới Việt Lào 14 km.
Để vào được điểm trường Phà Lõm của Trường Tiểu học Tam Hợp, trong thời tiết nắng ráo, từ trung tâm xã phải mất gần 1 giờ đồng hồ đi xe máy cho quãng đường 10 km. Còn ngày mưa, con đường dốc độc đạo này thường xuyên bị đất đá vùi lấp, trơn trượt, thời gian đến điểm trường kéo dài chừng 1 buổi trời.
Cô giáo Vi Thị Lệ tâm tình: “Là cô giáo miền núi, lại còn sức trẻ nên em không ngại khó. Nhưng cuộc sống, công tác giảng dạy ở Phà Lõm có những gian nan, vất vả vượt ngoài sức tưởng tượng. So với Nậm Cắn, đường vào Phà Lõm khó khăn hơn. Những ngày mưa bản làng bị chia cắt, điểm trường như biệt lập. Phòng học, phòng ở đều đã xuống cấp; sinh hoạt thiếu thốn đủ bề. Đặc biệt, việc dạy học cũng không hề đơn giản khi mà các em học sinh người Mông ở đây khó khăn trong việc nghe, nói, hiểu Tiếng Việt”.

Trên điểm cao Tam Hợp này, nắng vẫn như nẻ đầu, mưa thì như cắt thịt và lạnh lại thấu xương. Sương muối và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn như khiến Vi Thị Lệ “xuống sắc” đi ít nhiều. Mảnh đất này khắc nghiệt là vậy song không biết từ lúc nào, cô giáo Lệ đã thấy yêu và muốn gắn bó nơi này.
Cô giáo Lệ chia sẻ: “Phà Lõm gian nan nhưng rất ấm áp tình người. Ở điểm trường, các anh, chị đồng nghiệp công tác ở đây lâu năm đã nhiệt tình giúp đỡ em nhanh chóng thích nghi. Các em học trò thì rất ngoan. Người dân Phà Lõm còn nghèo lắm nhưng nhà có gạo mới, có măng, có trứng, có gà lại mang đến biếu, tặng các thầy, cô…”.
Từ việc mến yêu đất và người, cô giáo Lệ đã quyết tâm cống hiến cho sự học của Phà Lõm. Cô giáo trẻ đã khắc phục khó khăn “yếu Tiếng Việt” của học sinh bằng việc tìm tòi, mua sắm thêm các hình ảnh, giáo cụ trực quan, để giúp cho các em hiểu nhanh, đọc thông viết thạo và làm toán tốt; tích cực trao đổi, chuyện trò cùng các em ngoài những giờ lên lớp. Buổi chiều, cô trò vào rừng kiếm rau, xuống suối bắt cá. Buổi tối, cô giáo Lệ cùng với các đồng nghiệp của mình lại đến từng nhà học sinh xem xét, kiểm tra cũng như hướng dẫn các em học bài.

Từ chỗ xa lạ ban đầu, chẳng biết từ khi nào, cô giáo Lệ đã trở thành “Mẹ Lệ” trong mắt của học trò mình. Những hôm bố mẹ lên núi làm nương rẫy không về, các em học sinh lại lên trường chơi, ăn và ngủ lại cùng cô giáo. Nước mắt của cô giáo trẻ đã nhiều lần rơi vì thương quá học trò mình.
Cô Lệ kể: “Có hôm 2 chị em Xồng Y Thương học xong ở lại ăn cơm và ngủ cùng cô. Bố mẹ Xồng Y Thương đi làm công nhân ở miền Nam nên 2 em vẫn thường ở lại với các cô. Nửa đêm tỉnh dậy không thấy học trò đâu, các cô hốt hoảng đi tìm. Đến nhà 2 em tìm mới thấy 2 em trải áo bố mẹ làm chiếu, nằm ôm áo bố mẹ mà khóc…”.
Thương học trò của mình để rồi muốn gắn bó dài lâu – đó không phải là cảm xúc nhất thời, cũng không phải là tâm nguyện riêng gì của mỗi một mình cô giáo Lệ. Ở điểm trường Phà Lõm này, thầy giáo Vi Văn Thuyết cũng là một người như vậy. Thầy giáo Thuyết đã có mặt, công tác tại điểm trường Phà Lõm từ những năm của thập niên 90 thế kỷ trước. Đó là quãng thời gian mà vùng đất này phỉ vẫn hoạt động; lâm tặc tàn phá rừng; tệ nạn ma túy hoành hành…

Những ngày đầu ở đây, gian nan vất vả không kể hết. Không có đường, các giáo viên vẫn thường phải gùi gạo ngược dòng Chà Lạp cả ngày trời mới đến Phà Lõm. Đến trường rồi nhưng nghĩ đến đường ra mỗi tháng một lần lại nản. Thầy cô phải tự tăng gia. Ở lâu rồi thành yêu mến, thêm quyết tâm giúp đỡ các em học cao lên, dần thoát cảnh đói nghèo. Nếu mình không giúp đỡ các em thì ai sẽ giúp đỡ? – Từ suy nghĩ này, các thầy cô thêm quyết tâm bám trụ xây dựng trường, xây dựng bản. Bây giờ chỉ mong muốn có thêm sức khỏe để giảng dạy, đeo đuổi sự nghiệp trồng người”.
Thầy giáo Vi Văn Thuyết

Bản Phà Lõm hôm nay khác ngày xưa, có nhiều điều đã thay đổi. Bản đã có điện lưới quốc gia, ô tô vào tận nơi. Cuộc sống nơi thung lũng được vây bọc bởi những ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn này dẫu còn nhiều khó khăn nhưng không còn cảnh bữa đói nhiều hơn bữa no. Và sự học cũng vậy.
Thầy giáo Nguyễn Đình Mận – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Hợp cho hay: Nhờ lòng yêu nghề, tinh thần bám trụ kiên cường, không ngại khó khăn kiên trì vận động mà đến nay, 100% trẻ trong độ tuổi ở Phà Lõm đều đến trường. Hiện nay, điểm trường Phà Lõm có gần 100 học sinh người Mông, chia làm 6 lớp, trong đó có 2 lớp 1. Điểm trường hiện có 6 giáo viên. Tất cả đều tâm huyết với giáo dục vùng cao.
Ông Xồng Vả Dềnh – Trưởng bản Phà Lõm so sánh sự học hôm nay với thời quá vãng: “Trước đây, người dân Phà Lõm quan niệm con gái thì không nên đi học. Số trẻ đến trường ít, bỏ học nhiều. Sau này, nhờ sự kiên trì vận động của các thầy cô, của các anh biên phòng mà nhà nhà ý thức tầm quan trọng của việc học, đều cho trẻ đến trường. Sự học ngày càng đi lên, ở bản giờ đã có cháu học xong đại học, cao đẳng…
Sự học bây giờ được nâng lên nhờ công các thầy cô bởi thật sự người dân không có điều kiện chăm lo việc học. Bản có 111 hộ, 585 nhân khẩu thì có tới 43 hộ nghèo. Bố mẹ đi rẫy cả ngày, tối về bản thấy con đang ở trường được các thầy, cô cho ăn, dạy kèm; thấy thầy, cô đến nhà bày dạy thêm cho con thì mừng lắm„.

Trong tâm hồn người dân trên đỉnh non cao Tam Hợp, thung lũng Phà Lõm xưa và nay có 2 “tượng đài” sừng sững mà họ biết ơn nhiều lắm, đó là “người chiến sĩ biên phòng” và “người giáo viên cắm bản”. Hai “tượng đài sống” đó vẫn ngày qua ngày, lặng lẽ và cần mẫn giúp cho bản làng phát triển đi lên…
Nhưng Phà Lõm vẫn giăng mờ sương muối, nghèo đói, ma túy, tảo hôn và nhiều hủ tục khác tồn tại. Bản làng vẫn đang cần lắm những bàn tay chỉ lối, đưa đường như thầy Thuyết, cô giáo Lệ!

Nơi thầy trò cùng xuống suối bắt cá, hái rau cải thiện bữa ăn
18/11/2019 https://baonghean.vn/noi-thay-tro-cung-xuong-suoi-bat-ca-hai-rau-cai-thien-bua-an-257523.html
Phà Lõm là bản đặc biệt khó khăn của xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương. Để giúp các em nhỏ theo đuổi con chữ, nhiều giáo viên miền xuôi lên tăng cường „cắm bản“ dạy học.

Một ngày của học sinh người Mông trên đỉnh Rồng Cẩu 21.11.2019 Báo Nghệ An
Nằm trên đỉnh núi Rồng Cẩu, điểm trường Phà Lỏm có gần 100 học sinh người Mông. Một ngày đến lớp của các em luôn đầy ắp tiếng cười với những giờ học vui vẻ và các hoạt động ngoại khóa ý nghĩa…
22/11/2019 https://baonghean.vn/mot-ngay-den-truong-cua-hoc-sinh-nguoi-mong-tren-dinh-rong-cau-257754.html

Veröffentlicht 17. November 2019 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , ,

Alphabetisierungskurse – Phụ nữ dân tộc Mông Nghệ An hào hứng chong đèn đi học chữ   Leave a comment

Phụ nữ dân tộc Mông Nghệ An hào hứng chong đèn đi học chữ

Lớp học xóa mù chữ do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 và UBND xã Tri Lễ (Quế Phong) tổ chức nhằm dạy xóa mù chữ cho phụ nữ đồng bào Mông của xã biên giới này.
14/10/2019 https://baonghean.vn/phu-nu-dan-toc-mong-nghe-an-hao-hung-chong-den-di-hoc-chu-255629.html
Lớp học diễn ra trong thời gian 5 tháng, bắt đầu từ ngày 23/9 tại Nhà văn hóa bản D1 khu Minh Tiến, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Lớp học do cán bộ, đoàn viên Đội tri thức trẻ tình nguyện thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4 phụ trách giảng dạy vào các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Lớp học được tổ chức dành cho những người phụ nữ bản D1, D2 (của đồng bào Mông) và bản Na Chạng (của phụ nữ đồng bào Thái, Khơ mú). Đến nay đã có hơn 50 học sinh tham gia lớp học, trong đó phụ nữ đồng bào Mông chiếm hơn 90%. Học sinh có tuổi đời từ 35 – 60 tuổi, họ là những người chưa bao giờ đi học hoặc nghỉ học từ lúc còn nhỏ nên đã quên mặt chữ. 19°35′10.7″N 104°42′45″E
Tri Lễ là xã duy nhất của huyện Quế Phong có đồng bào Mông sinh sống. Tại xã biên giới miền núi này có 10 bản đồng bào Mông. Hầu hết họ sống ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Cả 10 bản Mông xã Tri Lễ đều chưa có điện, đường đi lại hết sức khó khăn. Phụ nữ từ lứa tuổi 35 trở lên ở những bản này hầu hết đều mù chữ. Có nhiều người không thể nói tiếng phổ thông. Đi học xa, phong tục tập quán lạc hậu là hai nguyên nhân khiến hầu hết phụ nữ đồng bào Mông bị mù chữ hoặc tái mù chữ.
Đại úy Phan Văn Toàn cho biết: Thấy được lợi ích thiết thực nên các bà, các chị đã đi học hết sức đều đặn và đúng giờ, lớp học bắt đầu từ 19h nhưng có nhiều chị đã đến từ rất sớm. Mặc dù thường xuyên mất điện nhưng chị em vẫn đi học đầy đủ. Mới chỉ trong thời gian ngắn mà nhiều người đã nhận biết gần hết mặt chữ .
Để giúp người dân trên địa bàn biết chữ, ngoài việc vận động con em đến trường của các cấp, các ngành trên địa bàn, phía chính quyền huyện, xã cùng một số đơn vị đóng trên địa bàn đã tổ chức nhiều lớp học xóa mù và sau xóa mù chữ cho người dân, đặc biệt đối với chị em.
Để giúp người dân trên địa bàn biết chữ, ngoài việc vận động con em đến trường của các cấp, các ngành trên địa bàn, phía chính quyền huyện, xã cùng một số đơn vị đóng trên địa bàn đã tổ chức nhiều lớp học xóa mù và sau xóa mù chữ cho người dân, đặc biệt đối với chị em.
Từ khóa: “lớp học xóa mù chữhttps://baonghean.vn/tags/l%e1%bb%9bp-h%e1%bb%8dc-x%c3%b3a-m%c3%b9-ch%e1%bb%af.html

Veröffentlicht 14. Oktober 2019 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , ,

In den vergangenen Jahren war das Lernen in der Gemeinde Tri Le (Que Phong) aufgrund des schwierigen Lebens weniger entwickelt, insbesondere in der Mong-Dörfern – Người rẽ sương mở ‚cánh cửa‘ học vấn cho người Mông xứ Nghệ   Leave a comment

Người rẽ sương mở ‚cánh cửa‚ học vấn cho người Mông xứ Nghệ – thầy giáo Thò Bá Sinh – thầy giáo Thò Bá Chờ

Với nhiều đồng bào Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, thầy giáo Sinh và gia đình của ông là người “dẫn dắt” cho sự học ở vùng đất này. Và ông luôn mong muốn những đứa trẻ người Mông ở quê nhà đi xa hơn con đường ông đã đi, biết nhiều hơn những điều ông biết.
24/08/2019 https://baonghean.vn/nguoi-re-suong-mo-canh-cua-hoc-van-cho-nguoi-mong-xu-nghe-252061.html
” và “tình” để trẻ đến trường
Những năm trước, cuộc sống khó khăn đã khiến cho sự học ở xã Tri Lễ (Quế Phong) kém phát triển, đặc biệt là ở cộng đồng người Mông với gần 4.000 người sống ở 10 bản trên núi cao, trong đó có 8 bản sát biên giới. Sự học của đồng bào Mông tại xã Tri Lễ chỉ thực sự đi lên trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Và theo đồng bào thì “nhờ công của thầy Thò Bá Sinh” nhiều lắm.
Anh Xồng Bá Thái, bản Mường Lống, xã Tri Lễ chia sẻ: “Năm lại năm, thầy Sinh đã lặn lội khắp dãy núi Phà Cà Tún, đi đến từng bản, từng nhà để vận động gia đình cho con em đi học”.
Cuộc sống nương rẫy vất vả của đồng bào Mông đã khiến những đứa trẻ mới lên 6-7 đã là trụ cột của gia đình khi chỉ quanh quẩn ở nhà. Trẻ lên 8-10 đã là lao động chính khi ngày ngày theo cha, mẹ lên nương rẫy. Để vận động các gia đình “từ bỏ” một lao động chính, cho trẻ xuống trường là một điều không hề đơn giản. Muốn phân tích cho họ hiểu thì không những phải có “” mà còn phải có “tình”.
Tôi đem chính cuộc đời tôi ra kể để làm dẫn chứng cho cái “” mà thuyết phục. Thầy giáo Thò Bá Sinh

Cuộc đời của thầy giáo Thò Bá Sinh được tóm gọn trong một dòng “không ngừng cố gắng vươn lên để thành người”. Người thầy giáo 48 tuổi người Mông này sinh ra và lớn lên ở bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ. Cũng như bao nhiêu người Mông khác, cuộc sống gia đình thầy gắn bó với nương rẫy, với sự vất vả. Nhiều đứa trẻ trong bản chưa kịp lớn thì đã theo cha mẹ lên núi kiếm sống; chưa kịp trưởng thành thì đã dựng vợ gả chồng. Thầy may mắn hơn là được đi học nhưng cũng phải 10 tuổi mới bắt đầu vào lớp 1, học ở điểm trường Huồi Mới.
Sau 4 năm học và tốt nghiệp tiểu học, Thò Bá Sinh có hai lựa chọn: Một là nghỉ học, ở nhà làm nương rẫy, rồi thành gia lập thất. Hai là tiếp tục ra thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong để học cấp 2. Lựa chọn một thì rất dễ dàng. Bản thân ông không muốn sống một cuộc đời nghèo khổ quanh quẩn sườn núi mà muốn được học nhiều hơn, muốn đi để biết nhiều hơn và học để lập thân, lập nghiệp. Thò Bá Sinh quyết tâm ra huyện lỵ theo học 2 năm bổ túc cấp 2 tại Trường Phổ thông Lao động huyện.
16 tuổi, Thò Bá Sinh là người Mông đầu tiên ở Tri Lễ học hết cấp 2. Con đường xuống núi đã ngắt quãng lại khi ông quyết định quay về bản. Sự học tạm dừng lại khi ông không có người định hướng nên tiếp tục như thế nào. Quay về núi nhưng những kiến thức đã được học, được nghe và thấy đã giúp Thò Bá Sinh áp dụng, phát triển tốt kinh tế gia đình. Về Huồi Mới 1, Thò Bá Sinh làm trang trại chăn nuôi bò. Lúc đỉnh điểm, trang trại của ông có tới trên 30 con bò.
Năm 1990, cơ duyên đến với Thò Bá Sinh khi Nhà nước có chủ trương kêu gọi những người dân tộc thiểu số đã hoàn thành cấp 2 đi làm giáo viên. Thò Bá Sinh đã ra huyện học cấp tốc phương pháp sư phạm, trở về làm thầy giáo ở điểm trường Nậm Tột, rồi điểm trường Huồi Mới, Trường Tiểu học Tri Lễ 4.
Với khát khao học tập cháy bỏng để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, thầy giáo Thò Bá Sinh đã được các cấp, ngành tạo điều kiện bố trí cho theo học các lớp nâng cao kiến thức. Từ năm 1995 đến nay, thầy giáo Sinh đã học xong chương trình cấp 3 và tốt nghiệp đại học. Năm 2002, thầy Sinh được bố trí làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4.
Qua cuộc đời của thầy giáo Thò Bá Sinh, người Mông ở Tri Lễ đã nhận thấy rằng: Ông là nhân chứng sống động và chân thực nhất của người Mông dám vượt qua mọi rào cản để tìm đến sự học, để có cuộc sống ấm no hơn. Và người Mông ở Tri Lễ đã nhìn vào tấm gương thầy giáo Sinh để học tập, để đổi thay.

Tri Lễ là xã biên giới phía Tây Nam của huyện Quế Phong, cách trung tâm huyện hơn 30 km, có chiều dài đường biên giới 17,5 km với 8 cột mốc giáp huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.
Xã Tri Lễ có 4 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú sinh sống với 10.233 nhân khẩu với 2.038 hộ dân; phân bố ở 33 xóm bản, trong đó xóm bản nhiều nhất có 123 hộ và xóm ít nhất là 24 hộ. Với địa hình núi cao, hiểm trở, độ cao lớn trên toàn địa bàn, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, khe lạch, đời sống người dân ở đây dựa vào nông nghiệp, hết sức khó khăn…

Mong con em người Mông đi xa hơn
Thầy giáo Thò Bá Sinh kể rằng những năm 1990-2002, đi vận động con em người Mông ở Tri Lễ đến trường không chỉ có mỗi riêng thầy mà còn một số thầy giáo người Mông khác. Mỗi thầy giáo là một minh chứng sống từ việc học nên thời gian này, bà con quyết tâm cho con, em mình xuống núi, tới trường…
Song vẫn còn đó những nỗi buồn khi các năm gần đây vẫn có trường hợp trẻ bỏ học do điều kiện gia đình. Những lúc như vậy, các thầy giáo trẻ trong trường lại lọ mọ leo núi hằng đêm đi vận động.
Trong những thầy giáo trẻ ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có thầy giáo Thò Bá Chờ. Anh là con trai thứ của thầy giáo Thò Bá Sinh. Kể chuyện đi vận động trẻ đến trường, thầy giáo Thò Bá Chờ cho biết: “Bây giờ cũng giống ngày xưa thôi. Để vận động được thì các thầy cũng phải thật sự tâm huyết. Và chính bản thân mỗi thầy giáo là nhân chứng sống để các phụ huynh, học sinh người Mông nhìn thấy học tập”.
Được biết, thầy giáo Thò Bá Sinh có 5 người con (4 trai, 1 gái). Với sự chăm lo, nuôi dạy chu đáo, cả 5 người đều đã học xong cấp 3. Con trai cả là Thò Bá Chư hiện là cán bộ Công an huyện Quế Phong. Con trai thứ Thò Bá Chờ hiện là “đồng nghiệp” cùng bố ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4. Con trai thứ ba là Thò Bá Chia vừa tốt nghiệp Cử nhân Luật – Đại học Vinh, hiện đang ở nhà làm trang trại. Con gái thứ 4 hiện đã lập gia đình, sinh sống tại tỉnh Điện Biên. Con trai út là Thò Tồng Giờ vừa tốt nghiệp THPT…
Chuyện học của gia đình thầy giáo Sinh thêm một lần giúp cho nhận thức của người dân các bản Mông thay đổi: Đi học sẽ giúp mình đi xa hơn. Học thành tài có thể làm cán bộ. Nếu không thành người Nhà nước thì cũng cho mình nhiều kiến thức để chăn nuôi, trồng cây, trồng rừng; giao dịch, buôn bán dễ dàng hơn. Người Mông ở Tri Lễ bây giờ xem việc trẻ xuống núi học lên cấp 2, cấp 3 là để lập thân, lập nghiệp, có kiến thức mới có thể phát triển cuộc sống và xây dựng bản làng.
Trong mắt nhiều người Mông ở Tri Lễ, thầy giáo Thò Bá Sinh là điển hình của “thành công” nhờ sự cố gắng học tập và tự học. Ở cái tuổi gần 50, thầy giáo Sinh vẫn luôn nghiên cứu sách báo. Ông giáo người Mông này luôn tự nghiêm khắc với bản thân và dạy các con, cháu: “Sống không khó, làm giàu cũng không khó. Mà sống sao cho đúng hướng mới khó. Hướng ở đây là chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; là đạo đức, là tình cảm yêu thương giữa con người và con người”..
Ở cương vị hiệu phó trường tiểu học, đến thời điểm này thầy Sinh vẫn luôn là người “đi đầu” trên con đường vận động trẻ người Mông đến trường. Những người già đến cháu nhỏ đã quen với hình ảnh ông giáo gầy gò dắt xe qua những triền dốc trơn trượt trong những ngày mưa, mây dày xám xịt, sương mù giăng trắng các quả đồi vào các bản.
Nếu chưa có điều kiện hay thi đậu ngay cao đẳng, đại học thì học từng bước cũng được. Quan trọng của việc học là có kiến thức chứ không chỉ là bằng cấp. Có học mới đi xa hơn, cao hơn”, thầy giáo Thò Bá Sinh tâm niệm và ông vẫn luôn mơ ước làm sao cho những đứa trẻ người Mông ở quê nhà đi xa hơn con đường ông đã đi, biết nhiều hơn những điều ông biết.

Trong 2 – 3 năm trở lại đây, công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học ở Tri Lễ đã được quan tâm nhiều hơn. Số học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng, học sinh giỏi tỉnh, giỏi huyện năm sau cao hơn năm trước, chất lượng dạy và học ngày càng nâng cao, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học cơ bản đáp ứng với yêu cầu…
Trong thành công chung đó, có công đóng góp của bố con thầy Sinh, thầy Chờ. “Câu chuyện bố con thầy Sinh, thầy Chờ là một “huyền tích” giữa đời thường, có tác dụng động viên, khuyến khích việc học ở huyện miền núi Quế Phong này” – Ông Lữ Thanh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong cho biết.
Còn Thượng tá biên phòng Đàm Thiên Thương – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tri Lễ khẳng định: “Thầy giáo Thò Bá Sinh là một đảng viên gương mẫu, là một “già làng” có uy tín của bà con người Mông ở địa phương. Nhờ thầy, phong trào học tập ở địa phương ngày càng phát triển”.

Những đứa trẻ người Mông ở Nghệ An rời bản, xuống núi đến trường
Cuộc sống vất vả đã “cuốn” những đứa trẻ người Mông ở Tri Lễ (Quế Phong) sớm lên nương, vào rẫy… Tuy nhiên năm gần đây, nhận thức người dân được nâng lên, người Mông đã xem việc đưa trẻ xuống núi theo học là để tiếp thu kiến thức mới, góp phần nâng cao cuộc sống, xây dựng bản làng.
20/08/2019 https://baonghean.vn/nhung-dua-tre-nguoi-mong-o-nghe-an-roi-ban-xuong-nui-den-truong-251690.html
Bước vào năm học 2019-2020, những đứa trẻ Mông ở xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) ríu rít rời núi, đến trường. Những bước chân xuống núi sẽ tạo đà để các em đi xa hơn và bước cao hơn.
Chào đón năm học mới nay, Trường THCS Bán trú Tri Lễ tiếp nhận 220 học sinh vào lớp 6 ở 11 thôn bản, nâng tổng số học sinh của toàn trường từ 725 thành 772 em.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường sẽ cố gắng hết mức để giúp đỡ, chăm sóc, dạy dỗ các em. Thầy cô nào cũng vậy, ai cũng yêu thương các em cho con cháu của mình, chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập” – Thầy Hồ Đức Huy, Hiệu phó Trường PTDTBT THCS Tri Lễ cho biết

Từ khóa: “Tri Lễ 4https://baonghean.vn/tags/Tri-L%e1%bb%85-4.html
Từ khóa: “người Mông Nghệ Anhttps://baonghean.vn/tags/ng%c6%b0%e1%bb%9di-M%c3%b4ng-Ngh%e1%bb%87-An.html
bản Pà Khốm 19°36′14.5″N 104°38′07.8″E
bản Mường Lống 19°37′57.6″N 104°45′51″E
bản Huồi Mới 1 & 2 19°39′11.8″N 104°40′57.8″E

Veröffentlicht 26. August 2019 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,

Bei der „Anbetungszeremonie“, auch als Familienopfer bekannt, glauben die Menschen, dass sie „in den Himmel kommen“ – Người Mông Nghệ An ‚lên trời‘ ăn tiệc trong lễ cúng ‚giàng‘   Leave a comment

Người Mông Nghệ Anlên trờiăn tiệc trong lễ cúnggiàng

Trong lễ cúng „giàng„, còn gọi là cúng họ của dòng họ Và, người ta tin rằng mình được „lên trời“ ăn tiệc và trở về qua 3 cánh cổng tâm linh.
23/08/2019 https://baonghean.vn/nguoi-mong-nghe-an-len-troi-an-tiec-trong-le-cung-giang-251890.html
Mỗi dòng họ người Mông ở miền núi Nghệ An lại có một tập tục riêng. Dòng họ Và ở bản Thăm Hín, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn cũng vậy. Họ tổ chức lễ cúng „giàng“ vào cuối tháng 6 âm lịch. Các dòng họ khác cũng có tập tục này nhưng thường tổ chức vào thời gian khác nhau và cách cử hành cũng khác nhau. 19°13′50.4″N 104°14′45.8″E
Video lễ cúng „giàng“ của người Mông họ Và ở Nghệ An.

Trong buổi sáng trước khi làm lễ cúng, những người đàn ông trong họ tề tựu cùng nhau làm những chuỗi dao trừ tà bằng gỗ và sợi cỏ tranh.
Đây là thứ quan trọng nhất của ngày lễ. Nó sẽ ngăn ma quỷ không vào được nhà ta“ – ông Và Xếnh Lù giải thích với phóng viên.
Sau lễ, những chuỗi dao này sẽ được treo lên trước cửa nhà. „Nhà có bao nhiêu đàn ông, con trai thì làm bấy nhiêu chuỗi dao“ – một người trong họ giải thích
Đối với dòng họ Và, dê là con vật để cúng tế cho thần linh và nhất thiết phải là một con dê màu trắng, khỏe mạnh. Con dê này phải được tuyển lựa kỹ. Nếu trong bản không có con nào đạt yêu cầu thì phải đi mua nơi khác. Theo quan niệm đó là cách làm đẹp lòng thần linh.
Cúng là màn ly kỳ nhất trong buổi lễ. Thầy cúng trong lúc hành lễ có vẻ như đang lên đồng thực sự. Ông ta cúng, nhảy múa không ngừng nghỉ 4 giờ liền trong tiếng chiêng rộn rịp.
Bữa tiệc ngoài rừng là phần thú vị nhất của ngày lễ. Người ta tìm đến một bãi trống trong khu rừng gần bản và mở tiệc. Bất cứ ai trong họ cũng phải đến đây để ăn uống và gặp mặt nhau.
Ba chiếc cổng được dựng trên đường đi là điểm độc đáo nhất của lễ hội. Mọi người đến nơi dự tiệc và khi trở về bản đều phải qua những cánh cổng này. Người ta tin rằng, 3 cánh cổng là lối dẫn đến một thế giới khác. Nếu khi trở về mà không đi qua nó thì linh hồn sẽ lạc trên cõi trời.

Từ khóa: “người Mông ở Nghệ Anhttps://baonghean.vn/tags/ng%c6%b0%e1%bb%9di-M%c3%b4ng-%e1%bb%9f-Ngh%e1%bb%87-An.html
Từ khóa: “văn hoá người Mônghttps://baonghean.vn/tags/v%c4%83n-ho%c3%a1-ng%c6%b0%e1%bb%9di-M%c3%b4ng.html

Veröffentlicht 24. August 2019 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,