Archiv für das Schlagwort ‘Diphtherie

Die Diphtherie-Epidemie ist in Dak Lak immer noch kompliziert – Dịch bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp ở Đắk Lắk   Leave a comment

Dịch bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp ở Đắk Lắk

Kể từ khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu vào đầu tháng 7 đến nay, mặc dù ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh có nhiều nỗ lực khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan ra rộng, nhưng dịch bạch hầu vẫn chưa được ngăn chặn mà tiếp tục diễn biến phức tạp, các trường hợp mắc không không ngừng gia tăng.
10-10-2020, 15:41 https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/dich-bach-hau-van-dien-bien-phuc-tap-o-dak-lak-619902/
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu tháng 7 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 48 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận nhiều nhất là tại huyện Krông Bông với 17 trường hợp, huyện M’Đrắk 12 trường hợp, huyện Cư M’gar và Lắk mỗi huyện tám trường hợp, huyện Cư Kuin hai trường hợp và TP Buôn Ma Thuột một trường hợp.
Theo bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, ngay sau khi phát hiện trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên vào đầu tháng 7, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện khoanh vùng dập dịch, phong tỏa khu vực bệnh nhân sinh sống, triển khai phun hóa chất khử trùng, điều tra dịch tễ, cho người dân uống thuốc kháng sinh dự phòng, tổ chức tiên vaccine phòng bệnh bạch hầu cho nhân dân tại những địa phương có ổ dịch, có trường hợp mắc bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân để cùng với ngành y tế ứng phó, phòng chống dịch bệnh không để lây lan ra diện rộng.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bạch hầu là tiêm vaccine phòng bệnh. Thực hiện Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15-7-2020 của Bộ Y tế về phê duyệt kế hoạch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu tại bốn tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm chủng 3,8 triệu liều vaccine phòng bạch hầu cho người dân ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đến nay, công tác tiêm vaccine đã và đang được triển khai tại 13 xã có dịch với gần 200.000 liều và đang tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêm vaccine tăng đột biến, các nhà sản xuất vaccine chưa cung ứng đủ số lượng, cùng với đó là nguồn lực để tổ chức triển khai tiêm cũng chưa sẵn sàng nên việc tiêm vaccine bạch hầu được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Trước mắt là ưu tiên tập trung tiêm tại 13 xã có dịch, tiếp đến là triển khai tại các huyện có nhiều trường hợp mắc bệnh như Krông Bông và M’Đrắk, Cư M’gar, Lắk…
Mặc dù công tác phòng, chống dịch bạch hầu ở Đắk Lắk đã được triển khai quyết liệt, nhưng hiện nay dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được ngăn chặn mà tiếp tục diễn biến phức tạp và các bệnh nhân mắc bệnh tiếp tục gia tăng.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính từ đầu tháng 10 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm một số trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Cụ thể, một bệnh nhân 16 tuổi ở xã Nam Ka và một bệnh nhân 10 tuổi ở xã Đắk Nuê cùng ở huyện Lắk; một bệnh nhân 14 tuổi ở xã Cư San, huyện M’Đrắk.
Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, trung tâm y tế các huyện trên đã khẩn trương khoanh vùng, xử lý ổ dịch, lập chốt cách ly khu vực dân cư có trường hợp mắc bệnh. Đồng thời, tiến hành điều tra dịch tễ các trường hợp mắc bệnh, lập danh sách người tiếp xúc gần; phun hóa chất khử khuẩn bề mặt tại gia đình bệnh nhân và khu vực lân cận…

Trước tình hình dịch bạch hầu còn diễn biến phức tạp, để phòng, chống dịch hiệu quả và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo mọi người dân cần thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, phơi quần áo, chăn màn dưới ánh nắng mặt trời để diệt vi khuẩn, đồng thời thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, người dân cần thực hiện đầy đủ lịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh.
Bệnh bạch hầu ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc, tuy nhiên những trường hợp bệnh nặng và có nhiều biến chứng thường tập trung chủ yếu ở trẻ em. Do đó, người dân có con dưới một tuổi hãy đưa con đến các trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với các đối tượng lớn hơn hoặc người chưa từng được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thì tiêm vaccine có hai thành phần là bạch hầu-uốn ván (Td) và phải tiêm đủ liều hai mũi tiêm mới phòng bệnh hiệu quả.

Veröffentlicht 10. Oktober 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , ,

In Hanoi müssen Menschen an öffentlichen Orten Masken tragen – Hà Nội yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng   Leave a comment

Hà Nội yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 3284/UBND-KGVX về việc thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu các quận, huyện, thị xã, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch như đã đề ra.
24-07-2020, 22:48 https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/ha-noi-yeu-cau-nguoi-dan-deo-khau-trang-noi-cong-cong-609933/
ghggh
Theo đó, giữ vững thành quả quan trọng về phòng, chống dịch đã đạt được trong thời gian qua; tiếp tục đề cao cảnh giác, không để phạm sai lầm, khuyết điểm, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không để xảy ra làn sóng thứ 2 lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội.
Các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tổ chức tốt và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh, thực hiện việc cách ly y tế theo quy định. Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Trước hết sẵn sàng truy vết, xét nghiệm nhanh, rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, tập trung đông người.
UBND thành phố giao Sở Y tế tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch, kiên định năm nguyên tắc: Ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch. Ngành Y tế Thủ đô phải luôn trong tình trạng báo động để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; bảo đảm việc duy trì năng lực và sẵn sàng đáp ứng của hệ thống y tế với các tình huống mới của dịch bệnh.

Song song với phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết… không để dịch chồng dịch.
Các đơn vị, địa phương cũng cần tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch nội địa.
UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố về việc thành lập Ban Chỉ đạo thành phố về phát triển kinh tế, xã hội và phòng, chống dịch Covid-19.
Sở Du lịch được giao phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất UBND thành phố bố trí thêm các cơ sở lưu trú để cách ly các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh, đồng thời có kế hoạch sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép và có chỉ đạo từ Trung ương.

 

Veröffentlicht 25. Juli 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , , ,

Die Angst vor Diphtherie führte dazu dass die Impfzentren überfordert waren – Nỗi lo bệnh bạch hầu khiến các trung tâm tiêm chủng trở nên quá tải (TPHCM)   Leave a comment

Nỗi lo bệnh bạch hầu khiến các trung tâm tiêm chủng trở nên quá tải

Hai ngày cuối tuần, cả 6 trung tâm tiêm chủng thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC tại TPHCM đều chật kín khách hàng mong muốn phòng ngừa bệnh bạch hầu.
12/07/2020 , 11:04 https://nongnghiep.vn/noi-lo-benh-bach-hau-khien-cac-trung-tam-tiem-chung-tro-nen-qua-tai-d268288.html
Diễn biến của bệnh bạch hầu đang ở giai đoạn phức tạp. Chính khuyến cáo có thể tiêm vắc -xin để ngăn ngừa, nên số lượng khách hàng tại các trung tâm tiêm chủng ở TPHCM tăng vọt vào hai ngày 11 và 12/7.
Trung tâm tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC của Công ty Cổ phần Vắc Xin Việt Nam có đến 6 trung tâm tại TPHCM, chia đều ở quận 2, quận 11, quận 12, quận Phú Nhuận, quận Thủ Đức và quận Bình Chánh. Bình thường, khả năng phục vụ của các trung tâm đều xuôi chèo mát mái, vì khách hàng chủ yếu là trẻ em được bố mẹ đưa đi tiêm chủng.
Thế nhưng, từ khi bệnh bạch hầu bùng phát, thì khách hàng trẻ em đã bị cạnh tranh bởi khách hàng người lớn. Hoạt động cả buổi trưa, nhưng các trung tâm VNVC đều quá tải với số lượng người chen chúc vào hai ngày cuối tuần. Tiếng trẻ em khóc thét và tiếng người lớn than vãn vì chờ đợi sốt ruột, tạo ra không gian thật ngột ngạt.

Vì sao xảy ra tình trạng đổ xô đến trung tâm VNVC? Nhiều khách hàng cho biết, vì hầu hết các trung tâm y tế quận, huyện đều trả lời không có vắc-xin bạch hầu. Tại sao vắc-xin lại phân phối kiểu bất thường và ách tắc như vậy? Đấy là một nỗi băn khoăn, mà ngành y tế cần trả lời một cách minh bạch và công khai.
Hiện nay, trung tâm VNVC đã mở tại các tỉnh xung quanh khu vực TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An… nhưng lượng khách từ các tỉnh Tây Nguyên vẫn đi tiêm chủng tại TPHCM khá nhiều. Dự kiến, 15.7, trung tâm VNVC mới khai trương tại Buôn Ma Thuột.
Bạch hầu là bệnh có thuốc đặc hiệu nên có thể điều trị hiệu quả. Nếu người bệnh ngưng điều trị giữa chừng, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân xuất viện khi chưa khỏi bệnh sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi”
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh: Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, vì thế nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Vì thế, để chủ động tạo miễn dịch với vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.

Veröffentlicht 12. Juli 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , ,

Diphtherie – Prävention und Hygiene in Bildungseinrichtungen, Schulen, Klassenzimmern und Kindergärten – Không để bệnh bạch hầu lây lan trong trường học   Leave a comment

Không để bệnh bạch hầu lây lan trong trường học

Ngày 9-7, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có công văn đề nghị các sở GD-ĐT chủ động phối hợp các sở y tế và cơ quan liên quan của địa phương triển khai một số biện pháp nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan trong trường học.
09-07-2020, 18:44 https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/khong-de-benh-bach-hau-lay-lan-trong-truong-hoc-608048/
ghjCác Sở cần thực hiện nghiêm túc những nội dung của Công điện số 862/CĐ-TTg ngày 8-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, giáo dục học sinh, sinh viên làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.
Các đơn vị nhà trường cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng.
Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương cần tăng cường chặt chẽ trong việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các hành vi tự chăm sóc khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường đã được hình thành và thực hiện tốt trong trường học thời gian qua.
Bộ GD-ĐT lưu ý các sở phải theo dõi chặt chẽ và phối hợp quản lý tốt sức khỏe người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.
Công tác kiểm tra, giám sát phải được tăng cường, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh và vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục.

Veröffentlicht 9. Juli 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , ,

Die Zahl der Diphtheriefälle verdreifachte sich, das Gesundheitsministerium hatte eine dringende Sitzung – Số ca bạch hầu tăng gấp ba lần, Bộ Y tế họp khẩn – Quyết liệt ngăn chặn bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên   Leave a comment

Số ca bạch hầu tăng gấp ba lần, Bộ Y tế họp khẩn

GS, TS Nguyễn Thanh Long – quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, bệnh bạch hầu gia tăng nhanh với số mắc tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh đang có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp.
07-07-2020, 20:21 https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/so-ca-bach-hau-tang-gap-ba-lan-bo-y-te-hop-khan-607823/
Chiều 7-7, Bộ Y tế họp khẩn với các chuyên gia về phòng, chống bệnh bạch hầu. GS, TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, quyền Bộ trưởng Y tế chủ trì cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm tới nay, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu (tăng 10 ca so với ngày 6-7).

Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên. Tỉnh Đắk Nông có thêm bốn ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người;. Tỉnh Gia Lai có thêm năm ca, nâng tổng số ca mắc ở đây là 15 ca. Riêng tỉnh Kon Tum vẫn giữ nguyên số ca mắc là 22. Đã có ba trường hợp tử vong tại khu vực này.
Các ca mắc tại đây đều không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương này tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ca mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng. Triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết, đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn điều trị bạch hầu kết hợp sốt xuất huyết, Covid-19 cho bốn tỉnh khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, khoanh vùng triệt để ổ dịch… chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện vật tư tiêu hao, thuốc men…
Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, các địa phương tránh việc chuyển viện các bệnh nhân gây nguy hiểm cho người bệnh và cần chú trọng đến công tác hồi sức tim mạch.
Tại cuộc họp, GS. TS Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình bệnh bạch hầu có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây. Diện mắc rộng hơn, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao.
GS, TS Nguyễn Thanh Long yêu cầu cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như chúng ta đã từng cố gắng để phòng chống dịch Covid-19.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên và nhấn mạnh đây là việc cấp bách.
Theo đó, với trẻ em từ 2-4 tháng tuổi, tiêm rộng rãi vaccine phòng bệnh. Tiêm nhắc lại vaccine 3 trong 1 đối với trẻ từ 18 -24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5- 7 tuổi. Với người lớn, triển khai tiêm vaccine Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).
Quyền Bộ trưởng yêu cầu rà soát, lập danh sách những người dân trên địa bàn đã tiêm, chưa tiêm; tập huấn cán bộ. Việc này phải triển khai ngay và nhanh để đạt hiệu quả cao. Phải tiêm diện rộng mới giải quyết được bài toán bạch hầu.
GS, TS Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu cần phải triển khai ngay điều trị dự phòng với người có tiếp xúc mầm bệnh và những người trong khu vực có mầm bệnh. Đặc biệt, quyền Bộ trưởng yêu cầu Cục Y tế dự phòng phải giám sát việc này chặt chẽ. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng về việc xuất cấp khẩu trang với các địa phương này.
Về vaccine phòng bệnh, hiện nay Việt Nam vẫn bảo đảm được. Tuy nhiên, hiện nay cần tiêm cho người dân ở vùng có dịch tại bốn tỉnh Tây Nguyên trước, sau đó tính tới các tỉnh có nguy cơ.

Quyền Bộ trưởng giao Bệnh viện Bạch Mai tiến hành đào tạo, tập huấn cho cán bộ bốn địa phương có dịch, phối hợp Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để thực hiện.
Giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh thành lập ngay bốn tổ công tác của điều trị vào nằm vùng ở bốn địa phương có dịch. Các tổ này tập hợp các chuyên gia về truyền nhiễm, hồi sức và các lĩnh vực điều trị khác, giúp cán bộ y tế địa phương điều trị bệnh nhân. Song song với đó, sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương.
Quyền Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát lại tất cả các phác đồ điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc men; Giao Vụ Kế hoạch Tài chính tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí cho chương trình Tiêm chủng mở rộng; Đề xuất cấp kinh phí chống dịch cho bốn tỉnh có dịch từ nguồn dự trữ của Bộ Y tế.
Đặc biệt, khởi động lại chương trình truy vết, xem lại toàn bộ yếu tố dịch tễ của khu vực này, cài BlueZone cho khu vực này.

Quyết liệt ngăn chặn bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên
Theo số liệu cập nhật của ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, đến ngày 7-7, trên địa bàn đã có 61 ca nhiễm bạch hầu. Trong đó, tỉnh Đắk Nông 25 ca, Kon Tum 23 ca, Gia Lai 13 ca và đã có ba người tử vong (Đắk Nông: hai người, Gia Lai: một người). Hiện các địa phương trong tỉnh đang cách ly hàng nghìn người để theo dõi, phòng bệnh.
07-07-2020, 17:30 https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/quyet-liet-ngan-chan-benh-bach-hau-o-tay-nguyen-607813/
Bác sĩ Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh hiện có 32 ca bệnh bạch hầu và đã được thực hiện cách ly để phòng dịch tại ba nơi theo dõi, điều trị, gồm: Bệnh viện Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Đắk Đoa. Ngành y tế đã cho người dân làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa – nơi bùng phát bệnh uống thuốc phòng dịch. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng tiêu độc khử trùng và lập chốt cách ly hơn 1.400 người của làng.
Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, địa phương vừa phát hiện thêm tám ca dương tính với bệnh bạch hầu tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), huyện Krông Nô và Đắk G’long, nâng tổng số hiện nhiễm bệnh này lên 25 ca, trong đó hai trường hợp tử vong. Địa phương này cũng đã cách ly hơn 1.000 người để theo dõi, phòng dịch.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận bốn ổ dịch ở các huyện Krông Nô, Đắk R’Lấp và Đắk G’Long (hai ổ dịch), trong đó có 19 bệnh nhân đang điều trị Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông và Trung tâm y tế huyện Krông Nô. Ngoài ra, ngành y tế tỉnh cũng tổ chức cách ly, khoanh vùng các ổ dịch, đồng thời tổ chức tiêm vaccine cho 3.518 người và cho uống thuốc điều trị dự phòng cho 2.569 người trong và ngoài vùng dịch.
Chỉ hơn một tháng kể từ khi phát hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên ở Đắk Nông, ngành y tế các địa phương ở Tây Nguyên đang phải đương đầu với những diễn biến phức tạp. Ngoài sự lây lan nhanh của dịch bệnh, đáng chú ý, những ca bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ở cả những người đã tiêm vaccine phòng bệnh.
Nhận diện bệnh bạch hầu ra sao và giải pháp nào để khống chế sự lây lan của bệnh bạch hầu ra cộng đồng, đang là vấn đề không chỉ của các cơ quan chức năng ở các tỉnh Tây Nguyên mà của cả ngành y tế. Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn số 3612/BTY-DP đề nghị ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên, tăng cường các biện pháp theo dõi, kiểm tra và giám sát diễn biến bệnh bạch hầu.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai Mai Xuân Hải, bệnh bạch hầu xuất hiện chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, nơi không tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em. Đây là khu vực có hệ miễn dịch thấp. “Người dân thiếu hiểu biết, ít quan tâm và ít có điều kiện tham gia chương trình tiêm phòng toàn dân. Trước việc dịch bệnh bùng phát, Sở cũng đang tiến hành rà soát những trường hợp tiêm phòng chưa đủ liều”, ông Hải cho hay.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, trong cộng đồng vẫn còn người lành mang trùng (người mang bệnh). Do đó, bệnh bạch hầu vẫn còn rải rác trong cộng đồng. Theo ông, các nguồn lây đã có sẵn trong cộng đồng. Đến đầu mùa mưa, thời tiết lạnh, ẩm thấp là môi trường tốt để bệnh bạch hầu phát triển. “Những khu vực xuất hiện bệnh đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, nhận thức thấp, không được tiêm vaccine. Có những trường hợp chúng tôi mang vaccine đến nơi, người dân không đưa con đến tiêm”, ông Hùng nêu thực tế.
Ở góc độ khoa học hơn, sau khi phân tích yếu tố dịch tễ và nghe báo cáo của cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên, Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, ông Viên Minh Chiến cho biết, 92% người bị bạch hầu không được tiêm chủng phòng bệnh. Đây sẽ là điều kiện xuất hiện bạch hầu trước tiên. Ngoài ra, bản thân người tiêm không đáp ứng miễn dịch cùng với thời gian khi gặp nguồn bệnh với mức độ phù hợp sẽ xuất hiện ca bệnh. Nói về nguyên nhân dịch lây lan nhanh, ông Chiến cho biết, tại Đắk Nông, quá trình sàng lọc phát hiện bốn ca người lành mang trùng, không có biểu hiện bệnh. Nếu những người này di chuyển tới vùng miễn dịch tốt thì không sao, nhưng tới vùng lõm tiêm chủng, gặp những người không có miễn dịch thì sẽ lây lan bệnh.
“Ở các tỉnh Tây Nguyên, có quá nhiều vùng lõm về tiêm chủng, có đến 92% số người bị bệnh bạch hầu là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng mở rộng chỉ bảo vệ khoảng 5 đến 7 tuổi. Độ tuổi hơn 7 tuổi có thể bị giảm, mất miễn dịch khi gặp những tác nhân thì xuất hiện các ca bệnh. Do đó, khuyến cáo người dân đến 7, 12, 18 tuổi phải tiếp tục tiêm nhắc lại”, ông Chiến cho biết thêm.
Cũng theo ông Viên Minh Chiến, để bệnh được phát hiện, chữa trị sớm thì cán bộ y tế cơ sở phải được tập huấn để nâng cao nhận thức đầy đủ về bệnh. Vì khi phát hiện ra bệnh, đặc biệt phát hiện, gửi mẫu, xác định sớm thì xử lý nhanh, ít nhất chúng ta xử lý được ổ dịch, góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan ra các nơi khác. Ngoài ra, giải pháp bền vững và an toàn nhất vẫn phải là sử dụng vacccine, các tỉnh từ cơ sở cho đến Sở Y tế phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm chủng cần đạt hơn 90% theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế…

• Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Quyết tâm ngăn chặn dịch bạch hầu bùng phát tại Đắk Nông
• Bạch hầu dịch chuyển sang người lớn, tăng miễn dịch cộng đồng bằng tiêm vaccine
• Thêm chín ca dương tính với bệnh bạch hầu ở Gia Lai
• Ca nhiễm bệnh bạch hầu đầu tiên ở Gia Lai đã tử vong

Veröffentlicht 7. Juli 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,

Diphtherie-Ausbrüche in Dak Nong entschlossen verhindern – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Quyết tâm ngăn chặn dịch bạch hầu bùng phát tại Đắk Nông   Leave a comment

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Quyết tâm ngăn chặn dịch bạch hầu bùng phát tại Đắk Nông

Chiều 28-6, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn của Bộ Y tế tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hoà, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
28/06/2020, 15:46 https://www.nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/45019102-quyet-tam-ngan-chan-dich-bach-hau-bung-phat-tai-dak-nong.html
Từ đầu tháng 6 đến nay, địa bàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 12 ca dương tính với bạch hầu. Trong đó, có bốn ca mắc tại xã Đắk Sor từ 3 đến 8-6; tám ca mắc tại hai xã Quảng Hoà và Đắk R’ Măng, huyện Đắk Glong, một ca tử vong là bé gái chín tuổi sinh sống tại thôn 6 xã Quảng Hoà.
Các ổ dịch trên không có mối liên quan dịch tễ với nhau, các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là đồng bào dân tộc H’ Mông. Ngay sau khi phát hiện ra ổ dịch tại Đắk Nông, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tổ chức các đội đáp ứng nhanh đến trực tiếp làm việc tại ổ dịch để hỗ trợ triển khai các biện pháp chống dịch bệnh, giám sát tình hình dịch bệnh.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đăk Nông đã chỉ đạo hệ thống chính trị và ngành y tế huyện Đắk Glong phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, dập dịch; truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch tới người dân, đồng thời thực hiện việc tiêm chủng bổ sung vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho người dân trong độ tuổi từ 7-40 sinh sống tại khu vực có dịch.
Tiến sĩ Văn Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho hay, Viện đã thực hiện 550 mẫu xét nghiệm, cung cấp cho Đăk Nông 10 nghìn liều vaccine Td, trợ giúp 60 bộ quần áo phòng dịch và 200 chai dung dịch rửa tay diệt khuẩn. Bên cạnh đó, Viện còn cử đến Đắk Nông hai cán bộ để giúp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đắk Nông (CDC) nâng cấp kỹ thuật có thể tự xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm bạch hầu bằng phương pháp PCR.
Trung tâm CDC Đắk Nông đã tăng cường giám sát chặt chẽ các ổ dịch, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan các ca dương tính; rà soát thống kê, khám bệnh, thực hiện lấy 562 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; khử khuẩn môi trường hai lần/ngày. Từ 19 giờ ngày 19-6, ổ dịch tại đội 2 thôn 6 xã Quảng Hoà đã được khoanh vùng cách ly. Cơ bản sau bảy ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng ngày 21-6, tới nay tại Đắk Nông không phát hiện thêm ca mắc bạch hầu mới.

Chiều 28-6, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã tới điểm tiêm chủng tại thôn 6 (đội 2) xã Quảng Hoà. Thôn có 73 hộ với 321 khẩu, tất cả đều là người dân tộc thiểu số, trong đó người H’ mông chiếm 98,6%, hộ nghèo chiếm 95,8%. Tổng số người cần tiêm chủng bổ sung vaccine TD trong đợt này là 274 người. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã tới thăm gia đình ông Sùng Văn T. có con gái là cháu Sùng Thị H., chín tuổi đã tử vong vì bệnh bạch hầu trong đợt dịch này.
Ông Sùng Văn T. cho biết con gái ông có được tiêm vaccine, nhưng không được tiêm đầy đủ. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ mất mát với gia đình và khuyến cáo vợ chồng ông T. cần cho tất cả những người trong gia đình thuộc diện tiêm bổ sung vaccine TD đi tiêm, cho các con tiêm đầy đủ các loại vaccine đúng lịch, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại nơi ở và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông, UBND huyện Đắk Glong và các cán bộ y tế ở địa phương, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao tỉnh Đắk Nông đã kịp thời triển khai những biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu khá đồng bộ theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, đồng thời chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền và ngành y tế Đắk Nông để ngăn chặn bệnh bạch hầu bùng phát đợt hai tại địa bàn.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các lực lượng tham gia chống dịch tại Đắk Glong áp dụng những kinh nghiệm quý báu trong việc khống chế thành công dịch Covid-19 để ngăn chặn dịch bạch hầu tại địa phương.

Veröffentlicht 28. Juni 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , ,