Archiv für das Schlagwort ‘mekong

Der Fernsehsender der International Mekong River Commission (MRC) wird auf Englisch ausgestrahlt und bietet regelmäßige Updates zu aktuellen Wasserständen, Abflüssen sowie Prognosen zum Hochwasser- und Dürrerisiko für die Menschen – Ra mắt kênh truyền hình dự báo lũ lụt và hạn hán cho người dân ở lưu vực sông Mekong   Leave a comment

Ra mắt kênh truyền hình dự báo lũ lụt và hạn hán cho người dân ở lưu vực sông Mekong

Kênh truyền hình thuộc Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) được phát sóng bằng tiếng Anh, cập nhật thường xuyên về mức nước hiện tại, dòng chảy và dự báo rủi ro lũ lụt và hạn hán cho người dân sống dọc sông Mekong.
07/08/2023 – 13:33 https://nhandan.vn/ra-mat-kenh-truyen-hinh-du-bao-lu-lut-va-han-han-cho-nguoi-dan-o-luu-vuc-song-mekong-post765973.html
Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) cho biết vừa ra mắt Kênh truyền hình dự báo lũ lụt và hạn hán, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của công chúng về tình hình sông Mekong trong lưu vực sông Mekong.
Kênh truyền hình MRC về Dự báo lũ lụt và hạn hán đã phát sóng 3 lần trong tháng 7 vừa qua, vào các ngày 17, 24 và 31. Từ tháng 7/2023, Kênh cập nhật thường xuyên về mực nước hiện tại, dòng chảy và dự báo rủi ro lũ lụt, hạn hán cho người dân sống dọc sông Mekong.
Kênh được phát sóng bằng tiếng Anh, với phụ đề bằng các ngôn ngữ của các nước lưu vực sông Mekong vào mỗi thứ Hai hằng tuần. Kênh được phát sóng trong suốt mùa mưa trên các trang truyền thông xã hội Facebook và YouTube của MRC.
Theo MRC, mùa lũ lụt hằng năm trên sông Mekong đều có thể mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực đến lưu vực sông. Lũ lụt có lợi cho ngành thủy sản của lưu vực, duy trì hình thái sông và mang lại phù sa để cải thiện độ màu của đất. Tuy nhiên, lũ lụt cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và con người, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, khu dân cư và cũng như các hoạt động hằng ngày của người dân.
Trong khi đó, hạn hán gây khó khăn về mặt kinh tế-xã hội cho các quốc gia ven sông. Thời gian và cường độ tác động của hạn hán đã tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua.
Cũng theo MRC, với các kịch bản khí hậu khác nhau, lưu vực sông Mekong dự kiến sẽ đối mặt với những đợt hạn hán nghiêm trọng hơn trong tương lai do mưa ít, nhiệt độ không khí cao và sự bốc hơi cao. Gia tăng dân số trong khu vực phụ thuộc nguồn nước sông Mekong cũng làm tăng nhu cầu sử dụng nước từ tất cả các ngành.
Để đối phó với những thách thức này, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC, cho biết, MRC hiện đang cung cấp thông tin theo dõi lưu vực sông hằng ngày, dự báo lũ lụt, hướng dẫn và dự báo lũ quét và dự báo hạn hán để hỗ trợ các quốc gia thành viên quản lý rủi ro.
“Chúng tôi cũng đang làm về các biện pháp quản lý và thích nghi hạn hán. Kênh truyền hình Dự báo lũ lụt và hạn hán là một trong các nỗ lực của chúng tôi giúp người dân trong lưu vực được tiếp cận thông tin về rủi ro lũ lụt và hạn hán một cách dễ dàng hơn. Ngoài tham khảo thông tin cập nhật trên trang web của Ủy hội, chúng tôi hy vọng Kênh truyền hình này sẽ mang thông tin hữu ích và cập nhật đến hàng triệu người dân sống dọc sông Mekong“, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun bày tỏ.
Ủy hội sông Mekong quốc tế là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1995 nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác cấp khu vực tại hạ lưu sông Mekong. Trên cơ sở Hiệp định Mekong giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, Ủy hội đóng vai trò là diễn đàn khu vực về ngoại giao nước cũng như một kênh tri thức để quản lý tài nguyên nước và hỗ trợ phát triển bền vững trong khu vực.
TRỊNH DŨNG – HẢI TIẾNPhóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào
Mekong River Commission https://www.mrcmekong.org/https://vnmc.gov.vn/

Veröffentlicht 9. August 2023 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , ,

Reaktion auf den Klimawandel im Mekong-Delta – Ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long – LEKTION 1: Im Einklang mit der Natur leben – BÀI 1: Sống hài hòa với tự nhiên   Leave a comment

Ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu LongBÀI 1: Sống hài hòa với tự nhiên

Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đang chịu tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu (BÐKH). Hạn hán, xâm nhập mặn là hai loại thiên tai đã và đang tác động mạnh đến toàn vùng. Tuy nhiên, trước sự thích ứng của con người với tự nhiên, cùng với sự đầu tư một cách bài bản, có tính toán của Nhà nước không chỉ hạn chế được thiệt hại, mà còn giúp cho „vựa lúa“, „vựa thủy sản“, „vựa trái cây“ của cả nước ngày càng phát huy hiệu quả.
29-03-2021, 02:23 https://nhandan.com.vn/xahoi/ung-pho-bien-doi-khi-hau-tai-dong-bang-song-cuu-long-640053/
Theo dự báo, tình hình hạn hán năm 2021 sẽ khốc liệt và kéo dài, người dân trong vùng còn gọi là „hạn Bà Chằn“. Tuy nhiên, những ngày tháng ba, có mặt tại các khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề của những đợt hạn hán và xâm nhập mặn các năm 2016, 2019, chúng tôi ghi nhận cây trồng, vật nuôi ở đây vẫn chưa bị ảnh hưởng, đang phát triển tốt.
Nông dân Phẩm Văn Tiếu (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) bên thùng chứa nước ngọt phòng hạn, mặn cho vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: BÁ DŨNG
Chủ động „né“ hạn, mặnDürre und Salz aktiv vermeiden
Tại tỉnh Sóc Trăng, cùng với nắng hạn, nguồn nước trên các tuyến kênh nội đồng ở địa phương ven biển này đang vào giai đoạn cao điểm của xâm nhập mặn. Tuy nhiên, khác với mọi năm, nông dân Sóc Trăng đã chủ động phòng, chống hạn, mặn bằng nhiều cách rất linh hoạt, hiệu quả. Vừa thu hoạch xong hơn một héc-ta lúa ST25, nông dân Tạ Minh Bạch, ngụ ấp Hòa Ðê (xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên) phấn khởi kể, do xuống giống sớm nên anh né được hạn, mặn và lúa cho năng suất gần sáu tấn, bán với giá 8.400 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Còn gia đình ông Thạch Sil, ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú đã chuyển 2.000 m2 đất không làm lúa vụ ba (vụ xuân hè) để trồng nấm rơm. Ông Thạch Sil đầu tư hơn 100 bịch meo giống, trong đó tiền rơm và meo giống là 2,5 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ và được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc. Sau gần một tháng, nấm rơm đã bắt đầu cho thu hoạch, ông Thạch Sil bán được hơn 150 kg, thương lái thu mua tại ruộng với giá bình quân 70.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn bảy triệu đồng, cao gấp đôi trồng lúa.
Ở huyện Kế Sách, vùng trồng cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng, nhà nông đã chủ động chứa nước ngọt trong vườn bằng nhiều hình thức độc đáo như ao nổi, ao chìm, túi trữ nước, phủ bạt bờ mương trữ nước… Sầu riêng là loại cây „nhạy cảm“ với nước mặn, gặp mặn là héo úa ngay, nhưng giờ ông Ðoàn Văn Tám, ở ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa hoàn toàn yên tâm vì 50 gốc sầu riêng đang chuẩn bị thu hoạch vẫn đang phát triển tốt, nhờ ông theo dõi sát sao độ mặn của nước và có hệ thống tưới nước ngọt dự phòng.
Nhưng nếu nói về việc chủ động nguồn nước, hay những cách trữ nước thì dân cồn của tỉnh Vĩnh Long – nơi có những vườn trái cây luôn trĩu quả là bậc thầy. Vào những ngày này, khi đi qua cù lao (cồn) hai xã Thanh Bình và Quới Thiện của huyện Vũng Liêm, những vườn cây trái nơi đây phủ một mầu xanh mướt. Dù lúc đỉnh triều cường lên đến hơn năm phần nghìn, nhưng tâm trạng của người dân không lo lắng, bởi họ đã dần thích ứng với cuộc sống giữa dòng hạn mặn. Ông Phẩm Văn Tiếu, một lão nông đã 70 tuổi, ngụ ấp Lăng, xã Thanh Bình, chỉ tay về mấy cái mương đầy nước trước nhà, phấn khởi kể: „Với mực nước vào vườn thế này thì nửa tháng tới mới hụt nước, trong khi chờ con nước triều cường né mặn thì chỉ có 7 đến 10 ngày là có nước ngọt cho nên chúng tôi không phải lo“. Ông Tiếu cho biết, gia đình ông có năm công sầu riêng hơn 15 năm tuổi. Mỗi năm, sầu riêng cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. „Nhớ năm 2016, nước mặn tràn vào bất ngờ, người dân quê tôi thiệt hại rất nhiều, riêng vườn sầu riêng của tôi chết gần một nửa. Những năm sau này, nhờ có hệ thống đê bao khép kín, và có sự tham gia cảnh báo mặn của chính quyền cho nên chúng tôi chủ động được nguồn nước tưới“, ông Tiếu nói thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, Hồ Văn Trọn, toàn xã đã khép kín hệ thống thủy lợi, chỉ còn ba cống hở ở các nhánh sông lớn đang thi công và sẽ hoàn thành vào tháng tám năm nay. Nhờ vậy mà vấn đề né mặn, trữ ngọt của nông dân nơi đây khá nhuần nhuyễn. Hệ thống đo cảnh báo nước mặn cứ 15 phút báo một lần. Từ đó, khi có độ mặn cao là xã thông tin đến ấp, người dân đóng cống an toàn. „Từ đầu năm đến nay, cù lao này hứng chịu hai đợt mặn cao hơn năm phần nghìn. Cứ như mấy năm trước, chưa có hệ thống cảnh báo, người dân tưới phải nước có độ mặn này thì vườn cây chết sạch. Sầu riêng rất mẫn cảm với độ mặn, chỉ cần nước tưới có độ mặn 0,2 phần nghìn là bị ảnh hưởng ngay. Nhờ chủ động sống chung với mặn mà đến nay, ở cù lao này chưa bị thiệt hại. Mùa sầu riêng năm nay, bà con sẽ thu hoạch đạt hiệu quả“, anh Hồ Văn Trọn chia sẻ.
Ðể né hạn, mặn, ngành nông nghiệp các tỉnh trong vùng đã khuyến cáo nông dân không bố trí sản xuất lúa vụ ba ở những vùng thiếu nguồn nước ngọt, vùng có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; truyền thông để nông dân thường xuyên theo dõi các thông tin về tình hình, diễn biến của xâm nhập mặn để kịp thời có các biện pháp ứng phó phù hợp. Ðồng thời, khuyến khích người dân tích trữ nhiều nhất có thể nguồn nước ngọt vào các kênh mương, ao đầm, khu vực trũng ở bất kỳ thời điểm nào khi xuất hiện nguồn nước ngọt trên sông, rạch.

Chọn cây, con phù hợpWählen Sie geeignete Pflanzen und Tiere
Ðể thích ứng hạn hán, xâm nhập mặn, trong những năm qua, người dân vùng ÐBSCL đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh phù hợp điều kiện canh tác của từng tiểu vùng, đồng thời gắn với áp dụng những tiến bộ mới trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập trên cùng đơn vị canh tác. Tại huyện Long Mỹ, nơi chịu tác động nặng nề vì hạn mặn của tỉnh Hậu Giang, từ năm 2017 đến nay, đã chuyển đổi hơn 450 ha đất lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng dưa hấu, dưa lê, chuối, dưa gang, đậu bắp, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, dừa, chanh không hạt… Ðồng thời chuyển hơn 100 ha đất vùng bị xâm nhập mặn ở xã Lương Nghĩa từ lúa sang mô hình lúa – tôm. Những vùng đất được chuyển đổi bước đầu đã hạn chế được thiệt hại do hạn mặn, đồng thời nâng thu nhập cho người nông dân. Ông Nguyễn Hoàng Nam, hộ có nhiều năm trồng dưa lê ở ấp 9, xã Lương Tâm cho biết: „Dưa lê là loại dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, đầu ra và giá bán ổn định cho nên người dân có nguồn lợi nhuận hấp dẫn. Nếu chăm sóc tốt, năng suất dưa lê có thể đạt từ hai đến 2,5 tấn/công. Với giá bán dao động từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, người trồng thu lợi từ 10 đến 12 triệu đồng/công/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ðáng chú ý mô hình này đã giúp người dân vùng bị xâm nhập mặn nơi đây có thể sản xuất được ba vụ/năm (một lúa + hai dưa lê), thay vì chỉ độc canh hai vụ lúa/năm như những năm trước“.
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp tình hình thực tế thì bước đầu, huyện Long Mỹ còn hình thành được một số vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Ðiển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính kết hợp hệ thống tưới nước nhỏ giọt, mô hình trồng bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP trên vùng đất phèn. Ông Trần Văn Tôn, nhà vườn có hơn một héc-ta bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn kể: „Cuối năm 2017, tôi và nhiều bà con tại vùng đất phèn mặn này đã mạnh dạn chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP. Nhờ được hỗ trợ về nhiều mặt cho nên hiện có gần 22 ha bưởi da xanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP“. Theo ông Tôn, với những vườn bưởi đang xanh tốt và có từ ba đến bốn năm tuổi thì có thể cho năng suất khoảng 20 tấn trái/ha. Với trọng lượng trái cây dao động từ 1,4 đến 2 kg, giá bán bình quân khoảng 35.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta bưởi có thể cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm. Ðây được xem là mức thu nhập ngoài sức tưởng tượng đối với người dân vùng đất nhiễm phèn, mặn như huyện Long Mỹ.
Tại một số địa phương ven biển của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… người nông dân đã chuyển đổi đất từ một, hai vụ lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm – lúa, đây còn được xem là mô hình thành công nhất trong điều kiện tác động mạnh của quá trình BÐKH hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận có một sự thay đổi mạnh mẽ từ trong nhận thức của người nông dân sống ven biển, đó là quan tâm trồng rừng, giữ rừng và canh tác dưới tán rừng phòng hộ. Nông dân Phan Văn Còn, ngụ ấp 6 Biển, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) có 210 ha nuôi vẹm xanh và nghêu nói: „Con nghêu và vẹm xanh ở vùng đất này sinh trưởng tốt, lợi nhuận cao, nhưng đầu tư ít. Nghêu và vẹm xanh gieo xuống chỉ ăn bùn đất và rong rêu, không phải tốn chi phí mua thức ăn. Những năm gần đây, nước mặn xâm nhập vào ruộng đồng, ảnh hưởng lúa và thủy sản khác, nhưng nghêu và vẹm xanh thì không bị gì“. Hiện tại chợ, giá nghêu và vẹm xanh cùng ở mức từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg. Còn thương lái vào tận bãi mua giá từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg. Với 210 ha đất, mỗi vụ (khoảng ba tháng), anh thu về gần một tỷ đồng. Ở ấp 6 Biển có gần chục hộ khác đang nuôi nghêu và vẹm xanh. Mặc dù mỗi hộ nuôi diện tích không lớn, nhưng cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng sau mỗi vụ.
Tại một số xã của hai huyện An Minh và An Biên (Kiên Giang), nhiều hộ dân còn nuôi tôm và sò dưới tán rừng, mang lại lợi nhuận cao. Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng Kiên Giang Trần Phi Hải cho biết, trồng rừng nuôi tôm, sò sẽ tạo được bóng mát, phát triển và khôi phục lại sự cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước dưới tán rừng. Nguồn nước sạch giúp tôm phát triển tốt, có thức ăn tự nhiên bổ sung còn bóng râm dưới tán rừng để tôm sò, cư trú… Chính vì thế môi trường tốt, người nuôi tôm, sò kết hợp với trồng rừng ít gặp rủi ro, giảm được chi phí đầu tư thức ăn cho tôm, sò, mà còn có thêm nguồn thu từ tôm, cua, cá tự nhiên. „Mô hình tôm, sò dưới tán rừng là điểm sáng, là hướng đi cho người dân, có không ít hộ khẳng định bằng tính hiệu quả và bền vững. Mô hình này cần được nhân rộng trong dân trước tác động tiêu cực của BÐKH như hiện nay“- ông Trần Phi Hải nói.

Veröffentlicht 29. März 2021 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , , ,

Die schwerste Dürre und der schwerste Salzgehalt in der Geschichte des Mekong-Deltas – Đợt hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử ĐBSCL   Leave a comment

Đợt hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử ĐBSCL

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể.
20/06/2020, 15:04 https://www.nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/44922402-dot-han-man-nghiem-trong-nhat-trong-lich-su-dbscl.html
Ngày 20-6, tại Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mùa khô năm 2019-2020.
Xâm nhập mặn năm 2019 – 2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, ranh giới độ mặn 4gam/lít đã làm 42,5% diện tích tự nhiên của toàn vùng bị ảnh hưởng, tương đương 1.688.600ha, cao hơn năm 2016 là 50.376ha. Cà Mau là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất với 16.500ha/176.700ha diện tích gieo trồng trong vụ mùa bị ảnh hưởng, trong đó diện tích bị thiệt hại trắng từ 70% trở lên là 14.000ha. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, ở ĐBSCL có sáu tỉnh (Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Cà Mau) bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn với tổng diện tích khoảng 41.900ha, trong đó, có 26.000ha thiệt hại mất trắng và Trà Vinh là tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều nhất với 14.300ha.
Trên cây ăn trái, hạn và xâm nhập mặn đã làm khoảng 6.650ha tại sáu tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng) thiếu nước tưới, giảm năng suất, khoảng 355ha bị thiệt hại mất trắng. Hạn, xâm nhập mặn đã làm 1.241ha cây màu tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau thiếu nước tưới, trong đó có 541ha bị thiệt hại mất trắng. Nuôi trồng thủy sản tại Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau cũng bị thiệt hại hơn 8.715ha, trong đó nghề nuôi cá truyền thống thiệt hại 1.234ha, nuôi tôm nước lợ 4.811ha.
Hạn, xâm nhập mặn cũng đã làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương khoảng 430.000 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại bảy tỉnh ven biển (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, trong đó có 20.600 hộ thuộc vùng cấp nước từ công trình cấp nước tập trung, 75.400 hộ thuộc vùng cấp nước hộ gia đình. Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt mùa khô năm năm nay là do nguồn nước tại các công trình cấp nước tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre bị cạn kiệt vì xâm nhập mặn vào sâu. Nguồn nước mặt tại các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Cà Mau và Bạc Liêu bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm.
-Hạn, xâm nhập mặn cũng đã làm cho khoảng 96.000 hộ, tương đương khoảng 430.000 nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại bảy tỉnh ven biển (Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh) thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong mùa hạn, mặn năm nay tình trạng thiếu nước kéo dài làm mực nước trên các kênh trục xuống thấp, nhiều tuyến kênh rạch khô cạn, dẫn đến tình sạt lở bờ kênh, đường giao thông và nhà dân sống ven kênh. Vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đã xảy ra 112 điểm sạt lở, tổng chiều dài 15.920m làm thiệt hại về nhà, đất ở, đất trồng cây lâu năm và hoa màu của 108 hộ dân.
Tại Long An, hạn, mặn đã làm sạt lở làm khoảng 200m đê bao và đường nông thôn ven sông tại các huyện Tân Trụ, Cần Giuộc, Thạnh Hóa. Tại Cà Mau, hạn, xâm nhập mặn đã làm sụt lún chín điểm bờ kênh và nhiều tuyến đường giao thông ở huyện Trần Văn Thời, thành phố Cà Mau và huyện U Minh, với tổng chiều dài sụt lún hơn 24km; đê biển Tây bị sụt lún tại đoạn Đá Bạc-Kênh Mới với tổng chiều dài 240m và 4.215m đang có nguy cơ tiếp tục sụt lún. Tại Kiên Giang, hơn 1,500km đê bao và lộ giao thông nông thôn huyện U Minh Thượng cụng bị sụt lún nghiêm trọng. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã xuất hiện 14 điểm sạt lở, tại An Giang có chín điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch…
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng chung tay phòng, chống hạn mặn.
Bài học kinh nghiệm trong việc điều hành phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2019 – 2010 là: Công tác dự báo xâm nhập mặn đã được ngành dự báo khí tượng, thủy văn thực hiện tốt, nhất là việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng để việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình trạng nguồn nước. Các địa phương đã kịp thời khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đa dạng hóa phương thức, phổ biến thông tin qua các mạng xã hội, như: facebook, zalo, viber,.. đã mang lại hiệu quả tích cực.
Đặc biệt, các công trình kiểm soát mặn liên tỉnh đã giúp chủ động trực tiếp kiểm soát và hỗ trợ kiểm soát xâm nhập mặn cho gần 400.000ha đất nông nghiệp, giảm thiểu phần lớn thiệt hại. Song đó là quá trình nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn là rất cần thiết, để từ đó, người dân chủ động phương án ứng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, trong nước, các cá nhân trong việc đóng góp sáng kiến, kinh nghiệm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; sản xuất, hỗ trợ các trang thiết bị trữ, lọc nước sinh hoạt đã đóng góp quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt trong việc bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.

Giải pháp trong thời gian tới là tăng cường công tác dự báo nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn. Theo dõi chặt chẽ, phổ biến rộng rãi qua phương tiện thông tin đại chúng đến người dân để chủ động giảm thiểu thiệt hại do hạn – mặn gây ra. Chú trọng thực hiện các giải pháp thủy lợi như: nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, tranh thủ lợi dụng thủy triều để bơm nước, đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ nước tại các khu vực chưa có công trình thủy lợi khép kín. Tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép và ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Rà soát diện tích vườn cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái ở các khu vực thuộc ĐBSCL có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn để hướng dẫn các giải pháp cho bà con chủ động ứng phó. Bố trí lịch thời vụ hợp lý, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang cây trồng cạn.
Đối với nuôi trồng thủy sản, cần xác định vùng nuôi thủy sản nước mặn ổn định, có ranh giới mặn ngọt rõ ràng, để chủ động phương án điều tiết nước phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang được đầu tư xây dựng để sớm hoàn thành đưa vào phục vụ sản xuất, thuộc nguồn vốn của trung ương và địa phương.
Tiếp tục xây dựng các công trình kiên cố tại những vị trí thường xuyên phải đắp đập tạm, mang tính chất liên vùng, có vai trò quan trọng đến bảo vệ nguồn nước ngọt của các nhà máy nước sinh hoạt, vùng trồng cây ăn trái, vùng sản xuất nước ngọt để thay thế các đập tạm, nhằm chủ động ứng phó với tình trạng hạn, xâm nhập mặn.
Rà soát, khoanh vùng, cân đối nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt trong điều kiện bình thường và điều kiện cực đoan đến từng xóm, thôn, xã, huyện để có giải pháp phù hợp. Giai đoạn trước mắt, tăng cường các giải pháp chủ động cấp nước cho các vùng xa nguồn ngọt, chú trọng tích nước tại chỗ, xây dựng mới các công trình kiểm soát mặn, trạm bơm, xây dựng hệ thống kênh trục chuyển nước, chuyển đổi một số đập tạm thành các cống chủ động điều tiết… Về lâu dài, xem xét tiếp việc xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông lớn để kiểm soát nguồn nước ngọt, khống chế ranh mặn hợp lý, kết hợp chống ngập và hạn chế các tác động từ biển, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng nước ở các vùng sinh thái. Huy động nguồn lực tổng hợp đầu tư cho phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phân bổ đầu tư hợp lý trung và dài hạn, có lộ trình cụ thể đối với các công trình hạ tầng thiết yếu cấp tiểu vùng và toàn vùng. Tiến hành đo đạc, khảo sát, nghiên cứu và đánh giá chính xác để tìm nguyên nhân của tình trạng sụt lún đất để xác định giải pháp căn cơ, bền vững khi lập quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen cho 22 tập thể và 24 cá nhân, trong đó có Báo Nhân Dân “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước tưới, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 202919 – 2020 khu vực ĐBSCL”.

Veröffentlicht 20. Juni 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,

Mekong-Schutzgruppen fordern China auf, zusammenzuarbeiten und Informationen über die vorgelagerten Wasserkraftwerke öffentlich zugänglich zu machen – Các nhóm hoạt động bảo vệ dòng Mekong yêu cầu Trung Quốc hợp tác và công khai thông tin liên quan đến các đập thủy điện mà nước này phát triển ở thượng nguồn   Leave a comment

Kêu gọi Trung Quốc minh bạch thông tin về sông Mekong

Các nhóm hoạt động bảo vệ dòng Mekong yêu cầu Trung Quốc hợp tác và công khai thông tin liên quan đến các đập thủy điện mà nước này phát triển ở thượng nguồn.
15/04/2020 , 21:13 https://nongnghiep.vn/keu-goi-trung-quoc-minh-bach-thong-tin-ve-song-mekong-d262586.html
Động thái mới nhất vừa được loan đi sau khi nhiều quốc gia phía hạ nguồn sông Mekong đang trải qua một đợt hạn hán khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề kéo dài suốt từ năm ngoái đến nay.
Trước đó, Trung Quốc đã bác bỏ các báo cáo khoa học mới nhất của nhóm nghiên cứu do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thực hiện và cho biết “họ sẽ làm hết sức để đảm bảo xả nước hợp lý cho các nước lưu vực sông Mekong gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam”.
Báo cáo do công ty nghiên cứu và tư vấn quốc tế Eyes on Earth tiến hành cho biết, căn cứ vào dữ liệu vệ tinh thì tại các vị trí mà Trung Quốc xây dựng 11 đập thủy điện ở phía thượng nguồn ở cùng một thời điểm vẫn cao hơn mức trung bình, trong khi mức nước ở vùng hạ lưu lại xuống thấp nhất trong hơn 50 năm.

Mặc dù hiện Ủy hội sông Mekong (MRC), cơ quan liên chính phủ bao gồm bốn quốc gia hạ lưu là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam cho biết, nghiên cứu này chưa làm rõ được việc giữ nước phía thượng nguồn gây ra hạn hán. Tuy nhiên Ban thư ký MRC cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm thông tin từ Trung Quốc cũng như đề nghị có các cuộc làm việc chính thức để làm rõ vấn đề.
„Hiện Trung Quốc, quốc gia với tư cách là đối tác đối thoại của MRC mới chỉ cung cấp số liệu về mực nước và lượng mưa trong mùa lũ và mới chỉ có những thông tin này từ hai đập ở phía thượng nguồn. Mặc dù thời gian qua, chúng tôi đã rất nỗ lực để thu thập thêm các dữ liệu trong mùa khô ở phía đầu nguồn Mekong nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi hợp tác từ Trung Quốc“, đại diện MRC nói với hãng tin Reuters.
Tại Thái Lan, trong nhiều ngày qua mật độ xuất hiện hashtag #StopMekongDam trong cộng đồng đang là xu hướng trên các mạng xã hội nhằm bày tỏ thái độ phản đối việc xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong.
Niwat Roykaew, một nhà hoạt động môi trường ở miền bắc Thái Lan lên tiếng: „Chúng ta không thể chỉ ngồi một chỗ và chờ Trung Quốc nói khi nào thì họ xả nước từ các đập của họ; các quốc gia trong khu vực cũng cần phải có tiếng nói về vấn đề này“.
Đến nay, Trung Quốc vẫn không ký bất kỳ một hiệp ước chính thức nào với các nước ở hạ lưu sông Mekong liên quan đến vấn đề nguồn nước và nước này chỉ chia sẻ các thông tin liên quan một cách rất hạn chế.
„Các hành động của Trung Quốc đều đã được tính toán một cách kỹ lưỡng, vượt ra ngoài các đợt xả nước định kỳ. Chính vì vậy cần phải có sự thay đổi dài hạn để ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái quan trọng đối với sinh kế của các cộng đồng ở hạ lưu“, ông Pianyh Deetes, một nhà hoạt động môi trường Thái Lan thuộc liên minh Sông ngòi quốc tế nói.

Veröffentlicht 16. April 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , , ,

Dürre, Versalzung und Mangel an frischem Wasser; doppelte und härteste Katastrophe in den letzten 100 Jahren – Oằn mình chống hạn, mặn   Leave a comment

Oằn mình chống hạn, mặn

Vốn nổi tiếng là vùng sông nước “gạo trắng, nước trong”, là vựa lúa, vựa cá chính của cả nước nhưng mùa khô năm nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hàng triệu người dân đang phải điêu đứng trước thảm họa kép của hạn hán và xâm nhập mặn khắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm qua. Sông ngòi nước mặn chát, kênh rạch cạn khô, ruộng đồng nứt nẻ, mặt đất trắng xóa muối khiến cho không chỉ lúa chết, tôm cá chết… mà cả con người cũng đang khắc khoải, mỏi mòn vì thiếu nước ngọt.
31/03/2016 http://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/oan-minh-chong-han-man/225506.html

Điêu đứng trước hạn hán và xâm nhập mặn:
Mấy năm trước, cứ vào dịp tháng 3 là lúc người dân ĐBSCL chuẩn bị cho vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, nhưng năm nay hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến cho đồng ruộng trở trên xơ xác, hoang tàn.

Gia đình ông Trương Quốc Thanh từ An Giang tới ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang thuê 20 ha đất ruộng trồng lúa từ 6 năm trước. Sau 5 năm làm ăn thuận lợi, đến vụ Đông Xuân năm nay, khi lúa đang đến kỳ kết hạt thì gặp hạn hán kéo dài, kế đến là nước mặn xâm nhập khiến cho cây lúa chững lại, hạt lúa không ngậm sữa rồi trở nên vàng vọt, héo úa.

Ông Thanh chua xót: “Nhìn thấy nước trong kênh mà không dám bơm vào, bởi chỉ toàn nước mặn sẽ càng làm lúa chết nhanh hơn”. Qua mỗi ngày, ruộng lúa của ông lại chết thêm một ít. Cuối cùng, 20 ha lúa chết rụi hoàn toàn và ông Thanh trở thành trắng tay.

Cho đến giữa tháng 3/2016, khi phóng viên Báo Ảnh Việt Nam chụp bức ảnh này trên ruộng lúa bị xâm nhập mặn của gia đình ông Nguyễn Văn Phương (ấp Cả Chanh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) thì toàn bộ 13/13 tỉnh ở ĐBSCL đều chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán và mặn xâm nhậpkhắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm qua.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, mùa mưa năm 2015 đến trễ nhưng lại kết thúc sớm, mùa nắng thì kéo dài khiến cho lượng nước dự trữ bị sụt giảm đáng kể không đủ cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt. Việc các nước ở khu vực thượng nguồn sông Mekong thời gian qua tiến hành xây dựng nhiều công trình thủy điện và tăng cường trữ nước đã khiến cho lượng nước đổ về hạ nguồn ĐBSCL bị giảm đi một nửa. Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu El Nino làm nước biển dâng cao gây xói lở bờ biển, dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập vào đồng ruộng từ các cửa biển. Chính “tác động kép” này đã gây ra “hậu quả đôi”, khiến cho ĐBSCL phải oằn mình gánh hạn, gánh mặn.

Năm nay, mặn xâm nhập đến sớm hơn các năm trước gần 2 tháng, phạm vi xâm nhập rất sâu và rộng. Hiện tại, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn… mặn xâm nhập rất sâu, có nơi lên tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm trước từ 20-30 km, độ mặn ở một số cửa sông chính đã lên đến 8 – 9%.

Các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau là các địa phương chịu hậu quả của “tác động kép” nặng nề nhất. Riêng tỉnh Kiên Giang do giáp với biển Tây và sông Cái Lớn nên tình trạng xâm nhập mặn càng dữ dội và khó khắc phục hơn. Nhiều hộ dân ở các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng dù đã tìm mọi cách để cứu lúa nhưng vẫn không thành công. Lão nông Nguyễn Văn Phương ở ấp Cả Chanh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận đã 3 – 4 lần cấy dặm lại thửa ruộng bị mặn xâm nhập nhưng không có nước ngọt nên không sao cứu vãn được, đành đứng nhìn lúa chết dần chết mòn mà ruột gan cũng héo mòn theo.

Tình trạng mặn xâm nhập còn làm suy giảm lượng nước ngọt ở nhiều nơi, kết hợp với hạn hán càng làm mạch nước ngầm sớm kiệt quệ, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Việc đi tìm nguồn nước ngọt, nước sạch để sinh hoạt của người dân ở nhiều huyện như An Biên, An Minh, Kiên Lương… ở tỉnh Kiên Giang ngày càng trở nên khó khăn. Nhiều nơi phải đào giếng khoan sâu tới hơn 90m mới có nước sử dụng.

Cả tỉnh Bến Tre có tới 160/164 xã bị hạn, mặn xâm nhập dẫn đến thiếu nước sạch sinh hoạt. Người dân tiết kiệm nước bằng cách tắm bằng nước lợ, sau đó mới tắm tráng lại bằng chút ít nước mưa dự trữ từ mùa mưa trước… Chính vì thế, chưa bao giờ nỗi lo thiếu nước ngọt lại trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân vùng sông nước ĐBSCL như bây giờ.

Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) ở độ cao trên 5.000m, chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rồi qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và cuối cùng là Việt Nam. ĐBSCL là hạ lưu sông Mekong, vì vậy việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong là tác nhân chính gây ra sạt lở, mất cân bằng sinh thái, đặc biệt làm xáo trộn đời sống của nông dân và ngư dân vùng hạ nguồn sông Mekong. Theo tính toán của các nhà khoa học, vùng ĐBSCL bị giảm 600.000 tấn thủy sản/năm, năng suất nông nghiệp giảm gần 224.000 tấn/năm. Tổng thiệt hại nông nghiệp và thủy sản khoảng 5.200 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng GDP của toàn vùng.

Ứng phó lâu dài:
Dự kiến tình trạng hạn hán và mặn xâm nhập sẽ đạt mức đỉnh điểm vào cuối tháng 5 và có khả năng kéo dài đến tận tháng 6. Do vậy, việc phòng chống hạn, mặn cho vùng đang là vấn đề rất cấp bách.

Trước tình hình đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi thị sát các tỉnh ĐBSCL để xem xét tình hình, động viên nhân dân và tìm hướng khắc phục. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó nạn hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Trước mắt, để đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang tiếp tục diễn ra gay gắt ở ĐBSCL và hạn hán nặng tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kêu gọi và đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân bị thiệt hại nặng nề; thực hiện đắp đập tạm, đào ao, khoan giếng, vận chuyển nước sinh hoạt đến cho người dân, hỗ trợ kinh tế không để dân đói, dân thiếu nước sinh hoạt…

Về lâu dài, Chính phủ đã xác định phải bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp; đa dạng hóa và phát triển các cây trồng có khả năng thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn; nghiên cứu chọn tạo các giống cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt; cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán sản xuất và sinh hoạt của cư dân ven biển để thích nghi với mực nước biển dâng… Bên cạnh đó, kêu gọi các nước khai thác sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; kêu gọi các tổ chức quốc tế tài trợ vốn các dự án ODA về xây dựng công trình và nâng cao năng lực quản lý để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Để đối phó lâu dài với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, Viện Lúa ĐBSCL đang tập trung vào nghiên cứu các giống lúa chịu mặn cao để có thể sống chung với hạn, mặn một cách tốt nhất. Đến nay Viện đã nghiên cứu thành công và đang trong giai đoạn thử nghiệm một số giống lúa chịu được độ mặn 3 – 4%.

Ngoài ra, việc đa dạng các giống cây trồng có khả năng chịu hạn, mặn tốt cũng đang được các địa phương chú trọng nghiên cứu. Điển hình như việc người dân ở cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã chuyển đổi thành công việc trồng cây sả thay cho cây lúa do đất nhiễm mặn quá cao, mở ra hướng đi mới cho người dân vùng cù lao sông Tiền.

Hy vọng rằng, với những giải pháp trước mắt và lâu dài như trên, ĐBSCL sẽ vượt qua khó khăn để tiếp tục là vựa lúa, vựa cá lớn nhất của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thế giới./.

Trước tình trạng xâm nhập mặn diễn ra căng thẳng ở đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về đồng bằng sông Cửu Long cũng khuyên người dân nên dần thích ứng bằng cách chuyển đổi sang hệ thống canh tác mặn, “Canh tác lúa trong điều kiện khắc nghiệt ven biển đã là không phù hợp, mà canh tác lúa trong mùa khô ven biển lại càng không phù hợp hơn”, ông nói. (Nguồn: báo điện tử VnExpress)

 

 

 

 

 

Veröffentlicht 15. Mai 2016 von anhyeuem66 in Allgemein, Lebensmittel

Getaggt mit , , , , , , ,