Archiv für das Schlagwort ‘da lat

Das 9. Blumenfest von Da Lat im Jahr 2022 hat 9 Hauptprogramme – Festival Hoa Đà Lạt năm 2022 có 9 chương trình chính   Leave a comment

Festival Hoa Đà Lạt năm 2022 có 9 chương trình chính

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX-năm 2022 được tổ chức thành chuỗi sự kiện xuyên suốt, tập trung cao điểm từ tháng 11 đến hết tháng 12. Trong đó, có 9 chương trình chính chủ yếu tại không gian thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.
10/11/2022 – 16:21 https://nhandan.vn/festival-hoa-da-lat-nam-2022-co-9-chuong-trinh-chinh-post724185.html

Ngày 10/11, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức công bố chương trình Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX-năm 2022. Đây là lễ hội văn hóa, du lịch quan trọng của thành phố Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng, qua đó tiếp tục khẳng định giá trị, thương hiệu của “Thành phố Festival Hoa Đà Lạt” và văn hóa con người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”.
Với chủ đề “Đà Lạt – Thành phố 4 mùa hoa”, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX được tổ chức thành chuỗi các sự kiện đặc sắc xuyên suốt, tập trung cao điểm từ tháng 11 đến hết tháng 12, gồm 9 chương trình chính chủ yếu tại không gian thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; 12 chương chương trình hưởng ứng và hơn 30 sự kiện khác do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện.
Các chương trình chính gồm chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc-Hương trà, sắc tơ”; chương trình nghệ thuật đặc biệt công bố Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX; trình diễn thời trang “Tơ lụa – Con đường di sản” và không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”; chương trình nghệ thuật “Khát vọng Đà Lạt”; trưng bày, triển lãm hoa và cây có hoa quốc tế; chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2023…
Trong đó, các không gian hoa là điểm nhấn trong các kỳ Festival Hoa Đà Lạt, được tạo hình nghệ thuật qua các tiểu cảnh hoa mang nét đặc trưng của thành phố hoa Đà Lạt trên mặt hồ, quanh hồ Xuân Hương và tại các công viên, tuyến phố, khu dân cư, điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Lễ công bố Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX-năm 2022 được tường thuật trực tiếp trên VTV1 vào lúc 20 giờ, ngày 18/12, với chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, kết hợp giữa văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương và nghệ thuật đương đại, phông nền sân khấu dựa trên không gian 3 chiều của hồ Xuân Hương, Đồi cù…
Trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX còn có nhiều hoạt động lễ hội phục vụ người dân và du khách, như phố trà-cà-phê-rượu vang; lễ hội khinh khí cầu, phiên chợ rau-hoa, carnaval đường phố; lễ hội vang non tươi, chương trình du lịch những làng hoa Đà Lạt và các hội nghị, hội thảo khoa học, triển lãm, hội chợ thương mại quốc tế, chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Đà Lạt – Chuncheon (Hàn Quốc)…
Tại thành phố Bảo Lộc, diễn ra chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc – Hương trà, sắc tơ” vào ngày 10/12, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, phát triển ngành nghề sản xuất trà và tơ lụa. Hoạt động này tạo cơ hội để những người sản xuất, kinh doanh trà và tơ lụa được giao lưu, trao đổi, phát triển ngành nghề, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về vùng đất và con người xứ Trà B’Lao và Tơ lụa Bảo Lộc.
Tối 31/12, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX-năm 2022 được khép lại bằng chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2023, tại Quảng trường Lâm Viên – Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc.
Theo Ban tổ chức, để chuẩn bị cho các sự kiện, cơ quan chức năng địa phương đã tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực liên quan, chủ động chỉ đạo đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Festival Hoa Đà Lạt đã trở thành lễ hội văn hóa, du lịch quan trọng của thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Đây là sự kiện tôn vinh hoa và người trồng hoa Đà Lạt – Lâm Đồng; là dịp để xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng và thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” gắn với du lịch canh nông và các nông sản đặc thù địa phương.

Veröffentlicht 10. November 2022 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , ,

Online-Check-in am Flughafen Lien Khuong (Da Lat) – Làm thủ tục hàng không trực tuyến tại sân bay Liên Khương (Đà Lạt)   Leave a comment

Làm thủ tục hàng không trực tuyến tại sân bay Liên Khương (Đà Lạt)

Từ ngày 16/2 tới, hãng hàng không Vietnam Airlines triển khai dịch vụ làm thủ tục trực tuyến (check-in online) cho hành khách khởi hành từ sân bay Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng).
14-02-2022, 10:39 https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/lam-thu-tuc-hang-khong-truc-tuyen-tai-san-bay-lien-khuong-da-lat–685598/
Sân bay Liên Khương (Ảnh: Cục Hàng không Việt Nam cung cấp)
Sân bay Liên Khương (Ảnh Cục Hàng không Việt Nam cung cấp)Đây là sân bay nội địa thứ 10 Vietnam Airlines cung cấp dịch vụ tiện lợi này sau Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh, Chu Lai và Côn Đảo.
Vietnam Airlines không ngừng mở rộng mạng lưới sân bay áp dụng dịch vụ làm thủ tục trực tuyến. Đây là một trong những nỗ lực của hãng nhằm tiến tới mục tiêu hãng hàng không công nghệ số (Digital Airline).
Hành khách có thể tiết kiệm thời gian bằng cách tự làm thủ tục trực tuyến qua website: http://www.vietnamairlines.com hoặc ứng dụng di động Vietnam Airlines trong khoảng thời gian từ 24 tiếng đến 60 phút trước giờ khởi hành dự kiến.
Sau khi hoàn thành quá trình làm thủ tục trực tuyến, hành khách sẽ nhận được “Thẻ lên máy bay trực tuyến” qua thiết bị điện tử hoặc có thể tự in thẻ, sau đó đến thẳng cửa kiểm tra an ninh hành khách và cửa ra tàu bay mà không cần phải vào quầy làm thủ tục của hãng tại cảng hàng không để xác nhận. Đối với khách có hành lý ký gửi, có thể làm thủ tục gửi hành lý tại các quầy thủ tục đã được bố trí.
Dịch vụ làm thủ tục trực tuyến giúp các chuyến đi được thông suốt, liền mạch, nhanh gọn hơn chỉ với vài thao tác đơn giản và quan trọng là giúp hạn chế việc xếp hàng, tập trung đông người, bảo đảm cho chuyến bay an toàn hơn.
Trong những năm qua, Vietnam Airlines liên tiếp phát triển các hình thức tự làm thủ tục tại các sân bay nội địa và sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Với mục tiêu hướng đến Hãng hàng không quốc tế tiêu chuẩn 5 sao, Vietnam Airlines đang tiếp tục nghiên cứu triển khai nhiều cải tiến mới từ mặt đất lẫn trên không, mang đến cho hành khách trải nghiệm bay trọn vẹn và tiện nghi nhất.

Veröffentlicht 14. Februar 2022 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , ,

Erkennung vieler Fälle von Verstößen gegen den Umweltschutz durch Überwachungskameras – Phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường qua camera giám sát   Leave a comment

Phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường qua camera giám sát

Chiều 30-3, UBND TP Đà Lạt cho biết, cơ quan chức năng địa phương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1,5 triệu đồng, đối với ông P.T.H (SN 1984, ngụ Phường 12, TP Đà Lạt), về hành vi đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định.
30-03-2021, 18:09 https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/phat-hien-nhieu-truong-hop-vi-pham-ve-bao-ve-moi-truong-qua-camera-giam-sat-640312/
Hành vi bỏ rác thải không đúng quy định của ông H được camera ghi lại
Trước đó, qua trích xuất hình ảnh từ hệ thống camera giám sát của TP Đà Lạt, lực lượng chức năng phát hiện, lúc 11 giờ 30 phút ngày 28-3, một người đàn ông điều khiển xe máy chở một số bao rác đến điểm có xe rác, nhưng lại bỏ rác ngay trên vỉa hè, góc đường Huỳnh Tấn Phát, Phường 12, TP Đà Lạt.
Tiến hành xác minh, Công an Phường 12, TP Đà Lạt, xác định ông P.T.H là người đã thực hiện hành vi trên, vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Trước đó, vào tháng 2-2021, qua hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng TP Đà Lạt phát hiện hai ô tô đổ chất thải không đúng quy định trên đèo Mimosa, phường 10, TP Đà Lạt. Tại cơ quan công an, hai lái xe thừa nhận hành vi sai phạm trên. Vụ việc đã được cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định.
Thời gian qua, hệ thống camera giám sát tại Trung tâm điều hành thông minh TP Đà Lạt đã giúp lãnh đạo thành phố kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc liên quan đến trật tự xây dựng, trật tự đô thị, an toàn giao thông…

Veröffentlicht 30. März 2021 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , ,

Vietnam Airlines „Hallo Sommer“ mit neuen Produkten für Vinh – Vietnam Airlines ‘chào hè’ với sản phẩm mới từ Vinh   Leave a comment

Vietnam Airlines ‘chào hè’ với sản phẩm mới từ Vinh

Đáp ứng nhu cầu du lịch và đi lại trong mùa hè, Vietnam Airlines khai thác sản phẩm bay mới từ Vinh đi Đà Lạt tần suất 3 chuyến/tuần và Vinh đi Buôn Ma Thuột tần suất 4 chuyến/tuần với lịch bay thuận tiện, giá vé hấp dẫn, bổ sung vào mạng đường bay của Vietnam Airlines từ sân bay Vinh lên thành 4 đường bay.
Ngày 19/5, Vietnam Airlines khai trương 2 đường bay mới từ Vinh chào mừng Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 130 Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thành phố quê hương Người.-

Kể từ nay, bên cạnh các tuyến Vinh – TP. Hồ Chí Minh và Vinh – Hà Nội mà Vietnam Airlines đã khai thác ổn định nhiều năm, khách hàng có thêm sản phẩm bay mới để làm phong phú hơn hành trình đi lại của mình là từ Vinh đi Đà Lạt và Vinh đi Buôn Ma Thuột với lịch bay thuận tiện, giá vé hấp dẫn. Cụ thể: Vinh – Đà Lạt tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần, vào các ngày Thứ 4, Thứ 6, Chủ nhật; Vinh – Buôn Ma Thuột tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần vào Thứ 2, Thứ 3, Thứ 5, Thứ 7.
2 đường bay mới của Vietnam Airlines từ sân bay Vinh không chỉ là sự kết nối được mong đợi đối với khách du lịch trong mùa hè mà còn tạo điều kiện thuận lợi phát triển giao lưu kinh tế – văn hóa – xã hội giữa các tỉnh Bắc miền Trung với khu vực Miền Trung – Tây Nguyên.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, Vietnam Airlines phối hợp với các đơn vị du lịch, lữ hành khu vực Bắc miền Trung chuẩn bị đưa ra thị trường những sản phẩm tour trọn gói kích cầu từ Vinh đi Đà Lạt, Vinh đi Buôn MaThuột với giá cực kỳ ưu đãi. Đồng thời, ngành Du lịch Nghệ An cũng sẵn sàng cung ứng các gói dịch vụ với giá hỗ trợ dành cho các đoàn khách đến với Nghệ An trong mùa hè này.
“Chào hè“ ý nghĩa với nhiều đường bay mới – Vietnam Airlines cung ứng hàng nghìn vé máy bay với mức giá ưu đãi đặc biệt chỉ từ 99.000 VND (chưa bao gồm thuế, phí và phụ thu khác), được mở bán rộng rãi tại các phòng vé, đại lý và trên Website chính thức của hãng. Sản phẩm bay mới với chất lượng dịch vụ 4 sao của Vietnam Airlines hứa hẹn sẽ mang lại cho khách hàng những trải nghiệm giá trị để khởi đầu cho một mùa hè mới.

Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho hành khách và cộng đồng, Vietnam Airlines vẫn duy trì thực hiện phun khử trùng toàn bộ đội tàu bay khai thác trong ngày, đồng thời triển khai các biện pháp kiểm tra sức khỏe hành khách tại sân bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam.
Để biết thêm thông tin chi tiết, hành khách của Vietnam Airlines có thể truy cập website http://www.vietnamairlines.com, ứng dụng di động Vietnam Airlines, trang Facebook tại địa chỉ facebook-VietnamAirlines ; qua Tổng đài Chăm sóc khách hàng 1900 1100 hoặc liên hệ với các phòng vé và hệ thống đại lý của Vietnam Airlines trên toàn quốc.

Veröffentlicht 19. Mai 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , , , ,

Die Stille ist vorbei nachdem die Regierung die soziale Kluft lockern ließ in Da Lat – Mừng lo giai điệu du lịch phố núi   Leave a comment

Mừng lo giai điệu du lịch phố núi

Tôi đã được nghe nhiều người dân Đà Lạt nói rằng, mỗi chiều ngang qua hồ Xuân Hương – “trái tim” phố núi, thấy mặt hồ xao động bởi những chú thiên nga (thuyền đạp nước – pedalo), là thấu và cảm được “giai điệu” du lịch xứ này. Sau khoảng thời gian mặt hồ yên ả trong mùa “cách ly xã hội”, dịp lễ 30-4 và 1-5 này, “trái tim” ấy đã thổn thức, bởi xứ ngàn hoa là điểm đến an toàn và thân thiện.
01/05/2020, 15:27 https://www.nhandan.com.vn/du-lich/dien-dan/item/44309102-mung-lo-giai-dieu-du-lich-pho-nui.html
Không cần hỏi, cũng chẳng cần đi đâu xa, cứ nhìn những chiếc pedalo tung tăng trên mặt hồ Xuân Hương, bạn sẽ biết phố núi hấp dẫn du khách như thế nào!”, người bạn Đà Lạt nói và tôi tin điều đó. Gắn bó với miền đất cao nguyên này hơn một phần tư thế kỷ, tôi cảm được “nốt thăng, nốt trầm” qua từng mùa du lịch ở xứ mộng mơ. Quả thực, hồ Xuân Hương như “thước đo” sự yêu mến của du khách với thương hiệu du lịch Đà Lạt vậy!
Hồ Xuân Hương được hình thành vào năm 1919, nằm trên độ cao 1.478m, là “trái tim” của TP Đà Lạt. Cái tên hồ cũng gợi bao điều thú vị. Năm 1988, Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận hồ Xuân Hương là di tích lịch sử – văn hoá. Đây là thắng cảnh đầu tiên tại tỉnh Lâm Đồng được xếp hạng thắng cảnh quốc gia.
Sự trầm lắng thời đỉnh điểm dịch dã đã qua, sau khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, các khu, điểm tham quan du lịch tại Đà Lạt – Lâm Đồng đã mở cửa trở lại, phố núi bắt đầu rộn ràng bước chân lữ khách. Với phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ, ngàn hoa khoe sắc quanh năm; cùng với việc chưa phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19, nên du khách phần nào đặt niềm tin về một điểm đến an toàn, thân thiện và quyến rũ.

Từ chiều 30-4, những chiếc pedalo đã tung tăng trên hồ Xuân Hương, xóa tan sự trầm lắng bấy lâu. Từ sự nhộn nhịp trên mặt hồ, tỏa về các ngả đường phố núi, dòng người, dòng xe nối nhau về phía trung tâm Đà Lạt. Sự vắng lặng, thời gian “ngăn cách” đã đủ lâu với nhiều người dân ở thành phố nhỏ lấy du lịch và nông nghiệp làm trọng này. Và, có lẽ đối với du khách cũng thế… Khung cảnh “người lưa thưa chìm dưới sương mù” đã qua, Đà Lạt lại rộn ràng, nhộn nhịp mùa lễ hội. 35 khu, điểm tham quan du lịch đầu tư kinh doanh, 33 điểm du lịch canh nông, cùng hơn 60 điểm tham quan miễn phí đã mở cửa trở lại chào đón du khách. Những cánh diều đã tung bay trên Quảng trường Lâm Viên bên hồ Xuân Hương thơ mộng.
Chị Nguyễn Hoài Thương, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ lý do chọn Đà Lạt là điểm đến dịp 30-4 và 1-5 này, rằng phố núi có khí hậu lý tưởng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện và nơi chưa ghi nhận trường hợp nhiễm dịch Covid-19. “Đi du lịch mùa này nói không ngại thì không đúng. Nhưng mình nghĩ, mọi người đã có ý thức phòng, chống dịch sau đợt giãn cách xã hội vừa qua, nên cũng cảm thấy thoải mái phần nào”, chị Thương nói.
Phố núi trải nắng vàng như mật. Luồng sinh khí mới đã về trên những con phố nhà nghỉ, khách sạn, hàng quán… và niềm vui đã trở lại với nhiều người lao động sau thời gian bị “cắt giảm”. Du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đã “hồi sinh”. Song, những người kinh doanh du lịch, dịch vụ và cả chính quyền sở tại vừa mừng, vừa lo.
Đà Lạt là thành phố du lịch, ai cũng vui vì được du khách lựa chọn làm điểm đến. Nhưng lo là vì, một số người đang xem nhẹ việc phòng, chống dịch. Du lịch văn minh rất cần ý thức cá nhân và cộng đồng, để có chuyến trải nghiệm nhẹ nhàng, thú vị”, một chủ quán cà phê ở trung tâm Đà Lạt chia sẻ. Đồng quan điểm, anh Nguyễn Dũng, chủ homestay tại phường 3, TP Đà Lạt, cho rằng: “Dù thời gian dài nước ta không xuất hiện ca nhiễm dịch mới, nhưng điều đó không có nghĩa là không còn rủi ro, nên ý thức cá nhân rất quan trọng trong mùa du lịch này”.
Khác với dịp lễ 30-4 và 1-5 những năm trước, do còn quy định về “giãn cách” một phần, nên năm nay, du khách đến với Đà Lạt chủ yếu bằng ô-tô gia đình và xe máy. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc, qua thống kê sơ bộ lượng khách đăng ký lưu trú và nhận định lượng khách lẻ, có khoảng 25 nghìn lượt khách chọn Đà Lạt – Lâm Đồng làm điểm đến trong dịp lễ này. Dù lượng du khách giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tình hình đã có tín hiệu khả quan.
Chưa cần đến các điểm du lịch, giờ ra hồ Xuân Hương, Quảng trường Lâm Viên là thấy ngay. Chúng tôi rất vui vì Đà Lạt – Lâm Đồng luôn là điểm đến an toàn, thân thiện được du khách lựa chọn. Mong rằng, du khách sẽ đặt ý thức cao để cùng với địa phương, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ chung tay ngăn chặn dịch”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng nói.
Trước khi được nới lỏng giãn cách, ngành du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đã có những văn bản gửi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ được phép tổ chức lại hoạt động tham quan, du lịch nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, phát huy phong cách “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý, điều hành và phục vụ du khách.

Ghi nhận tại khu vực trung tâm khu Hòa Bình, chợ đêm Đà Lạt, quảng trường Lâm Viên và nhiều điểm du lịch… hàng nghìn người tập trung vui chơi, ăn uống, mua sắm. Những chiếc loa phóng thanh của lực lượng chức năng liên tục phát những thông tin khuyến cáo về phòng, chống dịch, nhưng dường như không phát huy tác dụng, vì lượng người quá đông.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan nói, Đà Lạt được du khách chọn lựa là điểm đến mùa này, nhưng thành phố vừa mừng, vừa lo là thế. “Chúng tôi liên tục tổ chức các tổ liên ngành để vừa giám sát hoạt động du lịch theo đúng quy định, vừa nhắc nhở du khách chấp hành các quy định phòng, chống dịch. Thành phố sẽ xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có), về hành vi nâng ép giá, bán hàng không niêm yết giá, cò kéo du khách… Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp để Đà Lạt tiếp tục là điểm đến thân thiện và an toàn của mọi người”, bà Loan nói.
Sáng 1-5, thời tiết tại Đà Lạt khá dễ chịu, nắng vàng trải nhẹ, thuận lợi cho các hoạt động tham quan, trải nghiệm ngoài trời. Trên các cung đường vào thành phố hoa Đà Lạt, lượng ô-tô gia đình, xe máy tiếp tục nối đuôi đổ về phố núi. Với những người trong ngành du lịch, những cơ sở dịch vụ gắn với du lịch và với chính quyền địa phương, đây thực sự là “nốt thăng” trong giai điệu du lịch phố núi.
Chúng tôi sẽ cùng hiệp hội du lịch địa phương và sở ngành liên quan, tiến hành xác định lại thị trường khách nội địa và quốc tế, xây dựng “kịch bản” cụ thể sau dịch, để từng bước phục hồi du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc, cho biết.

Năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đón khoảng 7,8 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tăng 9,1% so năm 2019. Song, bốn tháng qua, lượng du khách đến Đà Lạt – Lâm Đồng mới chỉ hơn 1,37 triệu lượt, giảm gần 43% so cùng kỳ.
Nhiều người ước mong, xã hội không còn giãn cách khi hết dịch, để chiều ngang qua phố, hồ Xuân Hương luôn rộn ràng tiếng thiên nga đạp nước và những cánh diều thỏa sức tung bay trên quảng trường Lâm Viên giữa trung tâm phố núi.

Veröffentlicht 1. Mai 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,

Hängebrücke mit Glasboden ist nicht zulässig, gebaut ohne Baugenehmigung – Cầu treo đáy kính không phép “treo” đến bao giờ?   Leave a comment

Cầu treo đáy kính không phéptreođến bao giờ?

Cầu treo đáy kính dài hơn 221m, “nối” thắng cảnh du lịch cấp quốc gia Thung lũng Tình yêu và Khu du lịch Đồi mộng mơ (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), sừng sững, lồ lộ. Song, nó đã được thi công đến giai đoạn hoàn thiện mới “phát hiện” không có giấy phép xây dựng. Sau đó, hành vi vi phạm này đã bị xử phạt và cho thời hạn để “khắc phục hậu quả” nhưng chưa biết “lơ lửng” đến bao giờ? 11°58′53.7″N 108°26′59.8″E
18/04/2020, 12:31 https://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/44132002-cau-treo-day-kinh-khong-phep-“treo”-den-bao-gio.html
Theo thông số kỹ thuật, cầu treo đáy kính 7D này có chiều dài mặt cầu 221,5m, rộng 2,09m; khoảng cách giữa hai mặt ngoài mố neo dây cáp cầu dài 325m… Dù mới chỉ được UBND tỉnh Lâm Đồng “hoan nghênh và ủng hộ” ý tưởng đầu tư; đồng thời, đề nghị nhà đầu tư nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành để hoàn thiện hồ sơ pháp lý, bảo đảm điều kiện triển khai đầu tư.
Các sở, ngành liên quan đã đóng góp ý kiến và đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định. Nhưng, thời điểm chính quyền địa phương “phát hiện” việc xây dựng cầu đáy kính không phép (vào trung tuần tháng 1-2020), chủ đầu tư đã cho xây dựng hai mố neo 10x15m, cao 10m; hai trụ đỡ có kích thước 8x8m, cao 20 và 28m; lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ, kích thước 8x20m, cao 4m… Tức, công trình đến giai đoạn hoàn thiện.

Phát hiện thì sự đã rồi! Đến ngày 14-1, UBND TP Đà Lạt ban hành quyết định xử phạt Công ty CP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là TTC Lâm Đồng), chủ đầu tư công trình cầu đáy kính (tại lô B3, khoảnh 507, tiểu khu 144B; thuộc địa bàn phường 8, TP Đà Lạt), số tiền 40 triệu đồng, về hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công công trình; thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong 60 ngày (kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính 13-1-2020). Hết thời hạn trên, chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép xây dựng hoặc sau khi được cấp giấy phép, phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm không phù hợp theo giấy phép xây dựng và nội dung thiết kế đã được phê duyệt.

Hết thời hạn buộc “khắc phục hậu quả trong 60 ngày”, cây cầu vẫn vươn mình trên hai mố trụ vững chãi. Đến ngày 20-3, UBND TP Đà Lạt tiếp tục ra thông báo “gia hạn” đối với chủ đầu tư, về thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm, trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày gửi thông báo (tính theo dấu bưu điện). Hết thời hạn trên, phần “rường cột” cây cầu vẫn thế. Nhiều người hồ nghi, liệu thông báo trên của UBND TP Đà Lạt “có đến được” với TTC Lâm Đồng?!
Có thể thông báo đã đến nên ngày 30-3, UBND TP Đà Lạt mới nhận được văn bản của TTC Lâm Đồng, về việc “gia hạn” thời gian khắc phục sai phạm trong đầu tư xây dựng cầu đáy kính.
Trình bày với chính quyền địa phương, chủ đầu tư cho rằng, đã thực hiện nghĩa vụ tài chính vi phạm hành chính, chấp hành đình chỉ thi công công trình; đã tháo dỡ các hạng mục phụ trợ, nhà chờ, bậc tam cấp dẫn lên cầu…; trồng cây, hoa và thảm cỏ, để khôi phục cảnh quan diện tích đất bị ảnh hưởng trong quá trình thi công… Đơn vị chủ đầu tư cũng cho rằng, đã hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung trình Sở Xây dựng Lâm Đồng thẩm định và báo cáo UBND tỉnh xem xét trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt thỏa thuận bổ sung hạng mục “Cầu treo đáy kính” vào quy hoạch dự án.
Giải quyết đề nghị “gia hạn” của TTC Lâm Đồng, UBND TP Đà Lạt cho rằng, việc thi công “cầu treo đáy kính” khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là “đã vi phạm trong hoạt động xây dựng theo quy định và đã được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, đây là công trình sử dụng kỹ thuật xây dựng, công nghệ nước ngoài và phải có đội ngũ thi công, giám sát bảo đảm trình độ cao để thực hiện. Do vậy, khi thực hiện việc tháo dỡ để khắc phục hậu quả với công trình trên, cần phải được thực hiện cẩn trọng, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật và trình độ của người thực hiện việc thi công tháo dỡ. Trong khi, hiện nay đội ngũ kỹ sư, giám sát và công nhân người nước ngoài có trình độ không có mặt tại Việt Nam; đồng thời, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc tập trung nhân lực để tháo dỡ là không đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng nên chủ đầu tư không thể bảo đảm việc tháo dỡ công trình sai phạm theo “Thông báo cưỡng chế tháo dỡ…” của UBND TP Đà Lạt!
Từ những lý do trên, UBND TP Đà Lạt cho phép TTC Lâm Đồng được “gia hạn thời gian tháo dỡ công trình sai phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng”. Tuy nhiên, văn bản không thể hiện “hạn”! Và, cây cầu treo không phép này chưa biết “treo” đến bao giờ?

Veröffentlicht 20. April 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , , ,

Mehr als 20 junge Leute mieten ein Hotel um mit Drogen zu spielen – Hơn 20 thanh niên thuê khách sạn chơi ma túy giữa đại dịch Covid-19   Leave a comment

Hơn 20 thanh niên thuê khách sạn chơi ma túy giữa đại dịch Covid-19

Khi cảnh sát ập vào, nhóm này đã chia nhau “cắn” hết 15 viên thuốc lắc, cùng nhau chúc đầu vào hút, hít ma túy trong âm thanh inh ỏi, quay cuồng.
12/04/2020 https://baonghean.vn/hon-20-thanh-nien-thue-khach-san-choi-ma-tuy-giua-dai-dich-covid19-265676.html
Lúc 1h sáng 12/4, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng), đã phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự và Công an phường 5, bất ngờ kiểm tra hành chính khách sạn Hoàng Uyên, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), phát hiện 2 nhóm nam nữ đang phê ma túy.
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Đà Lạt cho biết, thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, tại phòng 306 của khách sạn Hoàng Uyên, có 16 đối tượng (gồm 2 nữ, 14 nam) đang sử dụng ma túy, trong đó có nhiều đối tượng đang “phê”, thu giữ tại chỗ 1 gói ma túy Ketamine. Bước đầu, nhóm này khai nhận đều có hộ khẩu thường trú, sinh sống tại TP Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng).

Thông qua mạng xã hội, nhóm này thống nhất tụ tập tại khách sạn Hoàng Uyên lúc 23h ngày 11/4, thuê chung phòng 306, đem theo “đồ nghề”, gồm đĩa sứ, giàn loa, ổ đèn chớp xanh, đỏ… chơi ma túy. Để có “bữa tiệc” ma túy tập thể này, nhóm con nghiện trên thống nhất mỗi người đóng từ 500.000 – 1.000.000 đồng (riêng 2 nữ không phải đóng tiền).
Khi lực lượng Cảnh sát ập vào, nhóm này đã chia nhau “cắn” hết 15 viên thuốc lắc. Gói ma túy Kentamine cũng đã được chúng đổ ra đĩa sứ, cùng nhau chúc đầu vào hút, hít trong âm thanh inh ỏi, quay cuồng.
Cùng thời điểm, tại phòng 305 của khách sạn này, Công an bắt giữ 7 đối tượng cùng tang vật liên quan là chất ma túy. Đối tượng Nguyễn Ngọc Lợi (SN 1996, trú huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) khai nhận, vừa mua ma túy của 2 đối tượng khác, cả nhóm chưa kịp sử dụng.
Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã bắt giữ 2 đối tượng bán số ma túy trên cho Lợi là Lê Đăng Duy và Nguyễn Thị Lan Anh, đều tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Hiện Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Đà Lạt đang củng cố hồ sơ, đề xuất lãnh đạo khởi tố bị can 21 đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng ma túy; 2 đối tượng là Duy và Anh về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Vụ án đang tiếp tục được đấu tranh, làm rõ

 

Veröffentlicht 12. April 2020 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , ,

Rauch auf der Müllkippe in Cam Ly, Da Lat – Khói mịt mù tại bãi rác Cam Ly, Đà Lạt   Leave a comment

Khói mịt mù tại bãi rác Cam Ly, Đà Lạt

Núi rác thải tại bãi rác Cam Ly, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) bốc cháy suốt bốn ngày qua, khiến quang cảnh u ám, mịt mù bao trùm quanh khu vực. Hiện chính quyền địa phương đang huy động lực lượng tìm giải pháp xử lý.
26/12/2019 https://www.nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/42711802-khoi-mit-mu-tai-bai-rac-cam-ly-da-lat.html
Ghi nhận hiện trường ngày 26-12, tại khu vực bãi rác Cam Ly, cách trung tâm phố núi Đà Lạt khoảng 5 km, khói phủ mịt mù, bao trùm cả khu vực rộng lớn. Dù bãi rác đang bốc cháy, nhưng nhiều xe tải, xe chở rác chuyên dụng vẫn phải hoạt động. Nhiều người dân sinh sống cách khu vực bãi rác khoảng hai đến ba km cho rằng, mấy ngày qua họ cảm thấy không khí khá ngột ngạt, do ảnh hưởng khói bụi từ đám cháy bãi rác.
Những ngày qua, đơn vị quản lý bãi rác Cam Ly, Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã huy động xe chở nước vào dập lửa và dùng đất lấp. Xe chữa cháy chuyên dụng cũng đã đến hiện trường tham gia chữa cháy, nhưng đám cháy vẫn còn âm ỉ, khói vẫn bao trùm.

Theo thống kê, tổng khối lượng rác thải bình quân trên TP Đà Lạt từ 230 đến 240 tấn/ngày. Bãi rác Cam Ly tại phường 5, TP Đà Lạt hình thành hơn 40 năm nay, với hình thức xử lý rác chủ yếu theo kiểu chôn lấp và phun hóa chất. Tại quyết định số 64, ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ, bãi rác này được kê vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần được cải tạo, xử lý.
Đến tháng 7-2015, nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt đi vào hoạt động, bãi rác Cam Ly được “lệnh” đóng cửa. Nhưng nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt chỉ xử lý khoảng 1/3 lượng rác thải thành phố và nhiều lần tạm ngừng tiếp nhận rác. Do đó, dù đã quá ngưỡng, nhưng bãi rác Cam Ly buộc phải tiếp tục mở cửa, gồng mình tiếp nhận lượng rác thải hàng ngày của thành phố du lịch Đà Lạt.

Chiều 26-12, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Trình đến hiện trường cùng cơ quan chức năng địa phương tìm giải pháp xử lý. Ông cho biết: “Hiện lực lượng chức năng đã dùng máy múc tạo các rãnh lớn để ngăn cháy lan, đồng thời tiến hành phủ đất để xử lý đám cháy”.

Veröffentlicht 26. Dezember 2019 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,

Der Dichter und seine Frau hörten dem Bach zu, der durch den Kiefernwald floss -Dư Thị Hoàn – Trịnh Hoài Giang- Vợ chồng thi nhân nghe suối chảy giữa rừng thông   Leave a comment

Vợ chồng thi nhân nghe suối chảy giữa rừng thông

Nhắc đến những đôi lứa trong giới cầm bút Việt Nam thế kỷ 20, có lẽ sẽ ít nhiều thiếu xót, nếu không kể Dư Thị HoànTrịnh Hoài Giang.
28/07/2019 https://nongnghiep.vn/vo-chong-thi-nhan-nghe-suoi-chay-giua-rung-thong-post245930.html
Khách xa có dịp lên Đà Lạt, muốn ghé thăm vợ chồng thi sĩ Dư Thị Hoàn – Trịnh Hoài Giang cũng khá đơn giản theo lời hướng dẫn tỉ mỉ của nữ chủ nhân: “Theo lối Làng Cu Lần. Đi tiếp vào trong Nhà máy thủy điện Ankroet. Qua đường có lan can sắt sơn vàng. Đến tảng đá có biểu tượng Nhà máy thủy điện Ankroet thì rẽ trái luôn vô con đường rừng khoảng 200m, qua cây cầu Mây sơn trắng rồi theo đường độc đạo vào làng dân tộc. Hỏi nhà Lão Bà Bà. Vô đây, phải xài mạng Viettel mới gọi được!”.
Chỉ cách khu vực trung tâm du lịch với những địa danh nổi tiếng hồ Xuân Hương hoặc đồi Cù khoảng 20 km, nhưng nơi cư ngụ của họ cực kỳ hẻo lánh. Bạt ngàn thông, chập chùng dốc và những lối nhỏ mấp mô lên núi.
Cứ ngỡ nữ sĩ Dư Thị Hoàn chỉ xưng Lão Bà Bà trên facebook cho vui, ai dè những người dân tộc Lạch ở thôn Đạ Nghịch, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đều biết. Một phụ nữ đang bế con bên suối vắng, chỉ lối rất nhiệt tình: “Cứ đi ngược lên, Lão Bà Bà ở chỗ vắng nhất, có ba căn nhà gỗ nằm từ thấp lên cao”.

Một căn nhà gỗ hiện ra giữa rừng thông, vợ chồng Dư Thị Hoàn – Trịnh Hoài Giang đứng trên lan can vẫy tay chào khách xa. Phong cảnh nên thơ thật, tiếng người nói chen lẫn tiếng chim hót và tiếng lá reo. Thế nhưng, nếu so với thành phố cả mà họ từng sinh sống cả đời thì khác nhau một trời một vực.
Nhà thơ Trịnh Hoài Giang tâm sự: “Lúc mới vào đây, nhiều đêm giật mình trong bốn bề gió núi, tôi vẫn như nghe có sóng vỗ bên tai mình!”.
Nhà thơ Trịnh Hoài Giang năm nay đã 82 tuổi, chân yếu rồi nên chọn căn nhà gỗ nằm bên dưới, cho thuận tiện di chuyển lúc đau ốm. Còn nữ sĩ Dư Thị Hoàn tuổi 73 vẫn thoăn thoắt leo qua những bậc đá, quyết chọn căn nhà gỗ nằm bên trên. Hai căn nhà gỗ cách xa nhau chừng 800 m, nhìn thấy nhau dễ dàng nhưng đi chỗ nọ qua chỗ kia thì… mệt bở hơi tai. Còn căn nhà gỗ nằm lưng chừng, thì giống như chỗ nghỉ chân.
Nhà thơ Trịnh Hoàng Giang bảo, dạo trước ở Hải Phòng cứ bệnh tật triền miên, nhưng từ ngày vào đây thì sức khỏe của ông được cải thiện rất tích cực. Xem như, ông thêm một lần được hòa mình với môi trường yên tĩnh, để bớt những dằn vặt của sự thay đổi mà ông từng thảng thốt: “Bây giờ ruộng đã bê – tông/ Cây đa đã cụt, dòng sông đã què/ Mái đình đã phẳng đường xe/ Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa”.
Tất nhiên, chốn heo hút ở cao nguyên Lâm Viên hiện nay vẫn chưa có chuông chùa, nhưng những lời kinh đêm đêm của nữ sĩ Dư Thị Hoàn cũng đủ vỗ về nhà thơ Trịnh Hoàng Giang những niềm riêng xa khuất: “Nỗi khổ lớn như biển/ Tan đi dưới mạn thuyền/ Chỉ còn bài thơ ấy/ Gõ sáng vào bóng đêm”.

Sau khi tốt nghiệp khoa Văn – ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1961, nhà thơ Trịnh Hoài Giang về dạy học ở Trường Kiều Trung – Hải Phòng. Ông đã dạy tiếng Việt cho người Hoa suốt 13 năm. Học trò của ông đã lang bạt khắp bốn phương, song vẫn còn một cô học trò bên cạnh ông chính là… nữ sĩ Dư Thị Hoàn. Những bài giảng Kiều của thầy giáo có phong cách nhà thơ đã khiến cô học trò Vương Oanh Nhi say mê và thán phục. Và nhờ tình yêu văn chương đã gắn kết tình yêu đôi lứa.
Năm 1968, cô học trò Vương Oanh Nhi đã đồng ý làm vợ thầy giáo Trịnh Hoài Giang. Dù sau này trở thành nữ sĩ Dư Thị Hoàn lừng lẫy không kém chồng, ký ức của cô học trò Vương Oanh Nhi vẫn vẹn nguyên một miền hồi ức tươi đẹp: “Từ một cô gái không biết một câu tiếng Việt nào, tôi đã yêu văn chương Việt qua những tiết học của ông ấy”.

Chấp nhận làm vợ của một nhà thơ, người phụ nữ gốc Hoa – Vương Oanh Nhi cũng phải vượt qua không ít giông bão. Chị làm thợ may, rồi làm thợ tiện suốt những năm bom đạn kẻ thù rình rập ném xuống miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hai đứa con lần lượt ra đời, cũng một tay chị chăm lo để chồng yên tâm chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Hải Phòng. Cái lãng mạn mà chị từng nuôi nấng thật cam go: “Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ/ Em thả bước chán chường/ Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá/ Gót chân em nện xuống dữ dằn/ Có lối nhỏ vương cây xấu hổ/ Em sợ nó khép cành/ Biết làm sao bây giờ/ Chính lối này đưa em tới anh…”.
Nhọc nhằn cơm áo, có lúc đẩy người đàn bà yếu đuối ra chợ Sắt chen lấn cùng dân buôn tứ chiếng: “Tôi gánh cả si mê ra chợ/ dựng hy vọng quán lều/ đem nồng nàn ra đong/ đưa mặn mà ra đếm…/ Từ gà gáy đến xế chiều/ lòng vắng chẳng buồn trông/ tôi lại đem nồng nàn ra đong/ lôi mặn mà ra đếm/ bầy chút e dè lên bàn cân/ bớt bớt thêm thêm…/ chiếc kim cân dùng dằng mệt mỏi/ có biết đâu/ người bán là tôi/ người mua cũng là…tôi/ chợ chiều gió nổi”.

Có dạo, không vượt qua được những áp lực căng thẳng, nữ sĩ Dư Thị Hoàn phải điều trị tâm lý. Giữa chới với không biết bám víu vào đâu để tồn tại, cũng may, chị đã có thơ. Những kiến thức từng được học ở chính người chồng, đã giúp chị làm thơ để tự an ủi mình, từ cứu vớt mình theo cách riêng: “Tôi sẽ khỏi bệnh/ Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy/ Không cần bác sĩ/ Không cần những viên thuốc đắt tiền/ Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến/ Một nhành hoa dại thôi!”.
Rồi những ngày u uất cũng trôi qua, nữ sĩ Dư Thị Hoàn không chỉ nổi tiếng về thi ca mà còn nổi tiếng về kinh doanh. Công ty Huệ Hoa của chị ở Hải Phòng làm ăn rất phát đạt. Những năm cuối thế kỷ 20, nữ sĩ Dư Thị Hoàn kiêm thương gia Vương Oanh Nhi là một gương mặt giàu có ở đất cảng. Có tất cả những điều người khác mong muốn, nhưng chị vẫn buồn bã, vẫn cô đơn. Chị giao lại hết mọi việc làm ăn cho con cái, rồi đi làm công quả cho các chùa gần chùa xa, chùa trong nước, chùa nước ngoài.

Và cuối cùng, chị chọn một rẻo đất lọt thỏm giữa rừng thông Lâm Đồng để an nhiên tự tại, như chị từng mong mỏi: “Đừng bắt tôi lên diễn đàn/ Đừng buộc tôi ra sân khấu/ Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối/ Như cái triện đen/ Giáng xuống/ Tờ khai sinh của tôi/ Thời cuộc sắp đặt tôi/ Gần hết một đời rồi/ Tôi đã quen chỗ ngồi/ Góc tối”. Một cuộc sống hoang dã nhưng trong trẻo và thánh thiện làm sao! Chị vào trước, dựng nhà dựng cửa rồi kéo cả ông chồng thi sĩ vào ở chung, để cùng nghe suối róc rách chảy qua nắng mưa thăng trầm.
Hai con trai của vợ chồng Dư Thị Hoàn – Trịnh Hoài Giang đều có sự nghiệp riêng. Thỉnh thoảng con mời đi du lịch, thì hai ông bà lại khăn gói xuống núi ít hôm, rồi lại quay lên căn nhà gỗ chênh vênh vách đá. Thuở nào, nhà thơ Trịnh Hoài Giang viết cho người vợ lam lũ: “Em trở giấc trong giường/ Rồi hồn nhiên như trẻ/ Thương nhau thành tấm bé/ Thương nhau thành thuốc thang”. Còn bây giờ, ông nhìn bà cuốc đất trồng rau bằng nụ cười đã lắng hết nhọc nhằn, thỉnh thoải lại nhắc một câu ân cần: “Cẩn thận đấy, mùa này nhiều rắn rết lắm!”.

TUY HÒA (Kiến thức gia đình số 30)

Nhà thơ Dư Thị Hoàn: Người trốn chạy đám đông
Cái nắng cuối chiều bữa ấy vàng ruộm và da diết làm sao. Biết tin chúng tôi có mặt ở nhà sáng tác Đà Lạt, Dư Thị Hoàn đột ngột xuất hiện. Hình như chị đoán được ý nghĩ mấy anh em đang muốn gặp chị, hay chị chợt nhớ đến chúng tôi?
13/08/2018 http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nha-tho-Du-Thi-Hoan-Nguoi-tron-chay-dam-dong-505709/
03/07/2017 http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Du-Thi-Hoan-Vao-tho-bang-mot-loi-nho-447548/
02/04/2017 http://toquoc.vn/du-thi-hoan-va-nhung-loi-nho-trong-tho-99171994.htm
08/11/2011 https://vnexpress.net/giai-tri/du-thi-hoan-voi-va-loi-qua-dam-lay-nuoc-mat-1970947.html
29/06/2008 https://www.tienphong.vn/van-hoa/hai-phong-co-nui-bai-tho-day-roi-128056.tpo
Cuộc gặp gỡ bất ngờ, lại vào cuối giờ chiều, câu chuyện đan chéo, không đầu không cuối. Mấy anh em chúng tôi, gồm các nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Đoàn Tử Huyến, Trần Chiến, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Việt Hằng, Tuyết Nga… ai nấy như cùng rất quý chị, nôn nóng hỏi han chị đời sống ra sao, can cớ gì bỏ Hải Phòng vào sống một mình trong rừng Đà Lạt như thế này?
Khi ấy, bếp ăn đã thúc đến giờ ăn cơm. Mọi người nồng nhiệt mời chị xuống bếp ăn cơm cùng cho vui. Dư Thị Hoàn từ chối. “Lâu nay, Hoàn tập và quen không ăn bữa chiều rồi”. Chèo kéo mãi không được, đành để Hoàn trên phòng nghỉ, mấy anh em xuống bếp ăn quáng quàng để lên hàn huyên tiếp. Điều bất ngờ, lên phòng, Hoàn đã bỏ đi từ lúc nào. Chị để lại mảnh giấy ghi vội vài chữ. Rằng xin lỗi mọi người, Hoàn phải đi, mọi người cứ coi như Hoàn đã chết tự xưa rồi.
Mấy anh em bần thần, ngẩn người nghĩ về chị. Thôi thì tôn trọng tính cách của nhau, không ai nỡ trách móc gì. Tôi nhìn vạt nắng cuối chiều còn sót lại trên mấy ngọn thông bên đồi. Cái nắng chiều vàng xuộm và da diết biết chừng nào. Chị đi đâu. Đi về cái căn nhà gỗ nhỏ xa hơn mười cây số đường rừng à? Từ đấy, hễ nhớ về chị, tôi lại nhớ cái đốm nắng vàng rớt lại trên đỉnh ngọn thông bữa ấy. Cho dù, dễ đã hơn năm năm.
Dư Thị Hoàn, tên thật là Vương Oanh Nhi, người Hoa. Những cuộc ra đi ào ạt của người Hoa trên các chuyến thuyền vượt biển ngày ấy đã đẩy số phận cô gái người Hoa nhỏ bé vào vòng bi đát. Gia đình điền viên bỗng tan nát. Người còn người mất.
Những cuộc chia ly và cách biệt nghìn trùng. Sự đau đớn và nhớ thương. Những câu thơ bỗng vọt ra từ cảnh ngộ ấy. Chị xuất hiện trên văn đàn như sự bất ngờ. Năm 1987, lần đầu tiên chị in thơ trên Báo Văn Nghệ. Không phải một bài, mà một chùm thơ ba bài. Lập tức, giới văn chương như phát hiện ra một hiện tượng thơ.
Thơ Dư Thị Hoàn sớm được đông đảo bạn đọc chú ý. Rồi một loạt các báo in thơ chị. Một giọng thơ chứa chất nhiều nỗi niềm. Quằn quại và day dứt. Rồi năm 1988, chị cho ra mắt tập thơ “Lối nhỏ”. Tập thơ mỏng mảnh mấy chục trang, Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng in nhanh chóng trở thành hiện tượng trên văn đàn toàn quốc.

Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ
Em thả bước chán chường
Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá
Gót chân em nện xuống dữ dằn
Có lối nhỏ vương cây xấu hổ
Em sợ nó khép mình
Biết làm sao bây giờ
Chính lối này đưa em tới anh…
(Lối nhỏ).

Cô học trò người Hoa Trường Trung học Kiều Trung (Hải Phòng) lấy chồng là thầy giáo, nhà thơ Trịnh Hoài Giang, ngỡ tưởng an bình, nào ngờ phải đối mặt với đời sống nhiều biến động. Từ cô công nhân lọc dầu Nhà máy cá hộp, rồi thành thợ tiện Nhà máy đóng tàu. Rồi có lúc đời sống ném cô học trò vốn ngơ ngác vào giữa đám đông quay cuồng buôn thúng bán mẹt nháo nhào ở chợ Sắt.
Rồi một dạo, Dư Thị Hoàn chán ngán đời sống mưu sinh, nộp đơn xin vào học Trường Viết văn Nguyễn Du trên Hà Nội. Những tiết học về văn học dân gian, văn học Phương Tây, rồi các buổi ngoại khóa tiếp xúc với các bậc thầy về văn chương, về triết học, về hội họa… đã gợi mở nhiều tư duy mới lạ. Rồi chị lại đùng đùng bỏ dở khóa học khi nào không hay, quay về với thành phố Cảng quen thuộc. Thành phố Cảng tưởng bình yên và mơ mộng, ấy rồi Dư Thị Hoàn cũng như chán chường, lại đùng đùng bỏ lên Hà Nội mua nhà sinh sống.
Một dạo, báo chí đưa tin nhà thơ Dư Thị Hoàn quay ra làm thương gia, có trụ sở giao dịch tại một văn phòng khang trang ở phố cổ gần Hồ Gươm. Bạn bè văn chương không ít người chưa khỏi ngỡ ngàng, toan đến thăm cái trụ sở giao dịch của tập đoàn thương mại lớn mà Dư Thị Hoàn là trưởng đại diện. Nhưng chưa kịp đến, thì chị đã giải tán văn phòng, lại cuốn gói đồ đạc về Hải Phòng. Trong con người Dư Thị Hoàn, bạn bè như đọc ra có gì không yên ổn. Mọi thứ, như đổ vỡ, biến dạng. Và những câu thơ như không dấu được cái tâm trạng bất an đó.

Tất cả đều biến dạng
Méo mó
Mọi người đều hóa hình quái gở
Người ta tung tiền vào đây
Cốt để phá lên cười
Cười khoái trá
Cười rũ rượi
Cười quên hết sự đời
Còn tôi
Tình nguyện vào đây
Để khóc
Không chỉ cho một mình tôi
(Nhà cười)

Tôi hình dung, như Dư Thị Hoàn thấy cả cái thế giới quanh mình là một cái nhà cười, mà chị không chấp nhận. Mà thực ra, nếu cái thế giới hỗn độn này vốn nó là cái nhà cười, thì cần thiết là con người phải thích nghi với nó. Nhưng chị không chịu thế.
Thế giới gia đình dẫu có yên ổn, cuộc sống tẻ nhạt, những câu thơ như chới với, con người chị càng không yên ổn. Tôi không hỏi cơn cớ gì, chị bỏ nhà bỏ cửa, bỏ chồng con, bỏ cái thành phố Cảng lầm lũi nhưng buổi sáng vẫn thổn thức tiếng còi tàu rền rĩ ngoài bến chao chát cánh hải âu, bỏ mọi ham muốn phía sau lưng, để vào xứ sở thông bạt ngàn Đà Lạt sinh sống?
Không phải bên hồ nước xanh ngăn ngắt thở than, không phải giữa thung lũng đầy hoa mộng mơ, không phải nếp nhà yểu điệu bên con dốc phố thị vồng vềnh lên xuống, mà chị chọn vạt đồi cô liêu bên kia con suối, cách xa phố phường Đà Lạt, làm căn nhà gỗ nho nhỏ để trú ngụ.
Tôi chưa có dịp được đến nơi chị ở. Nhưng người thân của tôi đã đến thăm, về kể lại, đấy là vạt đồi dốc ngổn ngang gốc cây xa đường. Thấp thoáng một vài nếp nhà bên quả đồi phía xa. Chị chọn nơi u tịch, cô liêu để sống. Khước từ mọi tiện nghi vật chất, khước từ thế giới văn minh, khước từ đám đông ồn ào vốn hay tranh giành và khoe mẽ.
Bạn bè nói, chị chọn chốn hoang vắng để lập am nhỏ tu thân. Tôi không hình dung nổi những đêm mưa giông, nếp nhà gỗ nhỏ bé và cánh cửa hờ hững gió đập tơi bời, một thân một mình, chị trú ngụ ra sao? Con đường dẫn lên nếp nhà cheo leo lưng chừng đồi, lại phải băng qua con suối. Mùa mưa, nước nguồn đổ về, con suối gào thét từng cuốn đi chiếc cầu gỗ bắc tạm.
Mùa khô, nước suối cạn, có khi cả tuần không có nước sinh hoạt. Chị bình thản ngồi thiền trong không gian tâm linh nhỏ bé. Tôi hình dung chị hạnh phúc khi ngắm giọt sương còn đọng trên cành cây ban sớm. Hoặc màn đêm buông, tiếng côn trùng tấu lên bản nhạc hoang dại, mê man. Những ngôi sao trên bầu trời lấp lánh, như gần tay hái được.
Hạnh phúc là những gì mình mong muốn và có được. Chị sống bình tâm ở mảnh đất heo hút này đã gần chín năm, có phải vì những cơn cớ đó chăng? Chị lựa chọn hay số phận đưa đẩy? Người phụ nữ đoan trang và quen chăm chút hình thức từng chi tiết, nay ưa vận quần áo gụ như quần áo nhà chùa, tự xưng Lão Bà Bà. Ấy là tự xưng, như thể tự an ủi mình.
Trong trang Facebook, một lần chị tâm sự: “Có người khuyên Lão Bà Bà rời bỏ túp lều trên cao để xuống nhà dưới cho đỡ phải leo và tiện nghi hơn. Nếu tiện nghi, thì đã không bỏ phố. Thích đông vui, thì đã không lên rừng”. Cũng trên Facebook, có lần chị đã thốt lên một cách cực đoan “Nền văn minh loài người không có chỗ cho ta!”.
Có tiếng nói của cộng đồng Facebook cổ xúy “Cô có được cuộc sống độc cư trong rừng thẳm núi cao này, đầu tiên phải tri ân trời Phật, đã chiếu kiến và gia trì phổ độ! Điều nữa là cô chọn lựa được con đường tu hành chánh pháp và thực hành kiến cố. Với cô, cuối đời được vậy thì không gì phước lạc hơn. Còn về cuộc sống hàng ngày, cô đơn giản và mộc mạc lắm. Và sống cũng rất bình thường với mọi người và vạn vật xung quanh…”.

Tôi không rõ nhận định đó có đúng không. Nhưng tôi thấy sự trốn chạy đám đông, để lên núi ở một mình, như đã nhập vào tâm thức Dư Thị Hoàn tự lâu rồi. Nhớ bài thơ trong tập thơ “Lối nhỏ”, từ năm trước, chị đã viết:
Đừng bắt tôi lên diễn đàn
Đừng buộc tôi ra sân khấu
Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối
Như cái triện đen
Giáng xuống
Tờ khai sinh của tôi
Thời cuộc sắp đặt tôi
Gần hết một đời rồi
Tôi đã quen chỗ ngồi
Góc tối
(Số phận)

Cô đơn vốn song hành cùng người sáng tạo. Trong một bài viết khác, chị đã thú nhận “Cứ đến tết là tôi muốn bỏ nhà đi… lang thang. Đến một nơi nào đó thật xa, không ai hỏi han mình, thuê một quán trọ hoặc nhà của một thổ dân nào đó… mua mỳ ăn liền, bánh quy mặn và pho-mai, dự phòng cho mấy ngày tết không có tiệm ăn nào mở cửa, đêm giao thừa chỉ cần một tách cà-phê, thật nóng…”.
Trốn chạy đám đông, để sống cuộc đời thoát tục chăng? Không phải. Có lẽ ở nơi cô quạnh nhất, như là nơi để chị được sống theo bản năng sống của chính mình. Khi cuốc đất trồng cây. Khi chẻ củi phơi khô dự phòng mùa mưa. Khi leo lợp lại mái nhà. Khi vác đá hộc xếp lại con đường. Khi xách nước từ con suối ngược hàng trăm bậc dốc, đổ đầy thùng nước dự trữ.
Người con gái một thời “yểu điệu thục nữ”, nay xòe bàn tay có nốt chai sần, hẳn không khỏi xót xa. Kiêu hãnh 99% và cũng có cảm giác tủi thân, dù chỉ 1%. Đã mấy lần toan điện thoại hỏi chị, thi ca còn trú ngụ trong con người chị? Chị có còn lặng lẽ viết thơ nữa không? Nhưng rồi tôi lại không nỡ hỏi.
Nếu chỉ là con người bình thường, dám chọn lối sống như chị, đã là không bình thường. Nhưng vốn chị là người làm thơ, thì tôi thấy đó là sự lựa chọn của chị. Tôi nhớ bài thơ của Dư Thị Hoàn mà bạn bè một thời vẫn nhắc đến. Bài thơ nói về tình yêu mà thiếu trách nhiệm. Ẩn giấu sau đó, là sự đổ vỡ niềm tin. Thời buổi thiếu trách nhiệm và dễ đổ vỡ niềm tin!
Có thể lớp trẻ bây giờ yêu nhau đã khác thế. Họ sẵn sàng cởi tung mọi thứ, chả cần sự trách nhiệm, chả có lòng tin nào. Đời sống hiện đại mà. Ấy nhưng, tôi vẫn đồng cảm cùng ý nghĩ với Dư Thị Hoàn. Cho dù bài thơ “Tan vỡ” chị viết đã mấy chục năm: “Mở ngăn kéo rồi anh bỏ ngỏ/ Bút viết xong không đậy nắp bao giờ/ Ôi anh yêu, lơ đãng đến là/ Con nai rừng của em…/ Tất cả rồi dễ qua đi, qua đi/ Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng/ Nếu không có một lần/ Một lần như đêm nay/ Sau phút giây/ Êm đềm trên ghế đá/ Anh không cài lại khuy áo ngực cho em”.

Dư Thị Hoàn: Cuồng nhân ca
Người đàn bà 58 tuổi bé nhỏ, đôi mắt to tinh anh hơi ánh lên tia nhìn ranh mãnh và vui tươi. Đó là nhà thơ Dư Thị Hoàn – một cuồng nhân – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng
12-08-2005 https://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/du-thi-hoan-cuong-nhan-ca-124513.htm
Từ bao lâu nay, đọc thơ của Dư Thị Hoàn, tôi luôn hình dung chị là một người mạnh mẽ, thậm chí có thể cưỡi được ngựa và đang ở đâu đó xa lắc xa lơ. Đến khi gặp chị trong buổi chiều khá mát mẻ của Hà Nội, những hình ảnh đó hầu như không chuẩn xác, nhưng sự mạnh mẽ thì hoàn toàn đúng.
Dư Thị Hoàn – tên thật Vương Oanh Nhi – là con gái của hai phóng viên người Trung Hoa của tờ báo Cương Phong thường trú tại Hải Phòng dưới thời Pháp thuộc. Cuộc sống của chị trải qua những bước thăng trầm cùng lịch sử. Đến khi làm thơ, Oanh bé nhỏ đổi tên thành Dư Thị Hoàn – với mong ước một người có cuộc sống hoàn thiện. Đọc thơ của chị, người ta thấy toát lên tính cách của một người đàn bà những năm 80- mạnh mẽ, hơi ngông cuồng, giản dị, nhưng sâu sắc. Nó có thể cứa thương một tâm hồn nào đó, mong manh, nhưng bạo liệt. Nụ cười em lãnh đạm/Đôi mắt em lơ đãng/Đâu phải cho anh/Mà để tự hành hình/Chớ dừng chân/Khi vô tình gặp em anh nhé/Em mang bản án chung thân/Gái đã có chồng.(Tình lặng).
Người đầu tiên phát hiện ra Dư Thị Hoàn là nhà thơ Trinh Đường. Ông lặng lẽ ghi chép, sau đó gửi tới nhà thơ Trần Ninh Hồ. Báo Văn Nghệ phá luật, cho in liền một lúc 3 bài trình làng! Hồi đó là thời kỳ bắt đầu đổi mới, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… được in những tác phẩm đầu tay lên Báo Văn Nghệ. Ba tác giả trên được GS Nguyễn Đăng Mạnh tổ chức hội thảo “Thời sự văn học” năm 1989 tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Khi Dư Thị Hoàn lên đọc bài thơ Số phận thay cho lời phát biểu, cử tọa vô cùng xúc động – chị phải 3 lần đứng dậy chào đáp lễ bởi tiếng vỗ tay không ngớt. Có buổi đọc thơ ở Trường ĐH Tổng hợp, sinh viên khóc nức nở. Đó là những va đập choáng váng do thơ ca mà không bao giờ Dư Thị Hoàn ngờ tới. Trong khi đó, có một bài thơ của chị bị hai nhà thơ họ Vũ phê phán gay gắt: “Sau phút giây/êm đềm trên ghế đá/anh không cài lại khuy áo ngực cho em” (Tan vỡ). Người ta không thể hiểu nổi tại sao lại có những câu thơ táo bạo đến vậy.

Cái táo bạo, có khi rất thật ấy đã tạo nên khuôn mặt thi ca Dư Thị Hoàn – một khuôn mặt hiếm hoi tạo được ấn tượng trong làng thơ nữ thời kỳ đổi mới.

15 PHÚT

Tôi là gái chính chuyên

. Phóng viên: Cuộc sống có gì “không ổn” mà sao thơ của chị có nhiều bài nghe như chịu đựng, khổ tâm, giản dị, không xơ cứng, mạnh mẽ mà đau đớn? Chẳng hạn bài thơ ba câu: Khi tình yêu bị đẩy vào trận/chỉ còn cách/mượn họng súng để ngắm nhau (Không đề)

Dư Thị Hoàn: Tôi yêu và kết hôn với thầy giáo dạy văn của tôi. Chồng tôi bị bệnh phổi, tướng mạo xấu xí, hơn tôi chín tuổi, nhưng giảng văn tuyệt hay. Hồi xưa, tôi khắc họa tình yêu quá lý tưởng, quá tiểu thuyết. Khởi điểm hai vợ chồng rất hài hòa, cùng tốc độ, rồi nhịp bước của mỗi người một khác. Bây giờ chỉ còn là sự chịu đựng. Về hiện trạng vật chất, tôi là gái chính chuyên. Phương Đông của chúng ta là thế đấy. Nhưng về nội tại tinh thần, sự kìm nén và sự “chập mạch” làm tôi sợ…

. Vậy chị có “vượt ngầm” không?

– Không. Hoàn toàn không. “Triệu triệu lần ân ái/không bằng một cái chạm tay”. Thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh đó. Tôi thích câu này.

. Chị nghĩ thế nào về những người đàn bà làm thơ?

– Các nhà thơ nữ, hay cả chính tôi, thường thường họ rơi vào những cảnh huống mất mát lắm, mà khát vọng lại nhiều. Ví dụ, tôi luôn bất mãn với hiện trạng, cả trong tôi lẫn ngoài tôi, bế tắc kinh khủng. Và đôi khi, chủ yếu xuất phát từ… cô đơn!

. Chị đã từng phải vào bệnh viện tâm thần điều trị và có một bài thơ khá hay. Cô gái “bệnh nhân” thờ ơ, nhưng ngạo nghễ nhìn sự vật sự việc xung quanh mình. Mọi người không biết rằng, cô không cần những viên thuốc đắt tiền và bác sĩ. Cô sẽ khỏi bệnh mà “chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến/Một nhành hoa dại thôi!”?

– Khi phải về hưởng chế độ mất sức , tôi làm đủ nghề: dệt đan, may thuê, bán rong hoa quả, ngao sò ốc hến ở vỉa hè, bán vải vóc quần áo ở chợ Sắt, thậm chí gánh phân, thông cống, cọ nhà xí… Rồi sau này làm giám đốc công ty, trưởng đại diện của tập đoàn thương mại Hồng Kông tại Hải Phòng. Tôi đã từng ở bệnh viện tâm thần liên tục. Tôi không bị trầm cảm, mà là cuồng nhân… Mệt nhoài/đuổi theo/tôi vấp ngã/đốm lửa/nhảy nhót/cười/trên bãi tha ma (Cuồng nhân ca). Khi đó, tôi bế tắc thực sự. Con người tôi bé nhỏ, hình như bị tích điện quá mức cho phép. Tôi làm bất cứ việc gì đều hăm hở, đều cật lực. Không ngờ chính thơ ca đã giải thoát tôi.

. Kể từ hai tập thơ Lối nhỏ, Bài mẫu giáo sáng thế, cũng đã 12 năm… Nghe nói tập Du nữ ngâm đã chuẩn bị lâu lắm rồi, không biết chị còn định “ngâm” đến bao giờ?

– Tập thơ Du nữ ngâm đã có giấy phép từ năm 2003, nhưng đến nay còn chần chừ mãi chưa in. Vì rất nhiều lý do: Thứ nhất, thơ không còn được nhiều người thưởng thức nữa. Thứ hai, bây giờ quá nhiều người lợi dụng thơ để làm công cụ “3 lợi ích”. Tập Du nữ ngâm còn có 20 bài thơ song ngữ Anh – Việt do nhà văn Hồ Anh Thái dịch và nhà văn Wayne Kevin (Mỹ) hiệu đính. Song hành với mỗi trang thơ sẽ là tranh minh họa nhiều màu của họa sĩ Lê Thiết Cương. Và cái điều thứ ba – đó là in tập thơ này rất tốn kém, lại phải bỏ tiền túi! Trong khi tôi đang rất cần tiền để sống, thì việc in tập thơ này cũng cần phải suy nghĩ!

N.L.A thực hiện

Veröffentlicht 31. Juli 2019 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , , ,

Die Villen sind seit vielen Jahren menschenleer – Khu biệt thự bỏ hoang nhiều năm tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt (Lâm Đồng)   Leave a comment

Khu biệt thự bỏ hoang nhiều năm tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm

Dự án Kỳ quan thế giới và nghỉ dưỡng cao cấp, tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Phường 4, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), bỗng dưng ngừng thi công hơn 5 năm nay, khiến hàng loạt ngôi biệt thự đã xây dựng xong phần thô, rơi vào tình trạng hoang phế. 11°53′29.5″N 108°25′31.6″E
13/06/2019 https://www.nhandan.com.vn/du-lich/tin-tuc/item/40523502-khu-biet-thu-bo-hoang-nhieu-nam-tai-khu-du-lich-quoc-gia-ho-tuyen-lam.html
Dự án trên được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đầu tư năm 2008, do Công ty CP đầu tư xây dựng công trình HaCo làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 52,5 ha, vốn đầu tư 199,8 tỷ đồng; với mục tiêu hình thành khu nghỉ dưỡng sinh thái, du lịch tham quan thắng cảnh và du lịch chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền.
Sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp tiến hành thi công hoàn thiện phần thô của 15 ngôi biệt thự; đồng thời, xây dựng hệ thống giao thông các tuyến chính và giao thông nội bộ. Do dự án ngừng thi công hơn 5 năm nay, khiến khu nghỉ dưỡng xuống cấp, hoang phế.
Đầu năm 2018, dự án trên được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất sang nhượng cho Công ty CP Tầm nhìn Đại Dương, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản cam kết tiến độ triển khai.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan, xử lý kết luận kiểm tra về tình hình đầu tư, xây dựng và khai thác kinh doanh tại khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Theo đó, cùng với xử lý vi phạm đối với mười dự án cụ thể (như Nhân Dân điện tử đã thông tin), UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư khắc phục và hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đối với 11 dự án khác tại khu du lịch quốc gia này, sau khi đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã tổ chức rà soát, kiểm tra và các dự án còn lại.

Hàng loạt dự án sai phạm tại hồ Tuyền Lâm ‚xếp hàng‘ chờ xử lý
Ít nhất 10 dự án du lịch tại hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) với hàng chục hạng mục công trình xây dựng không phép, sai phép, xây dựng trên đất lâm nghiệp vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Lâm Đồng phát hiện.
11/6/2019 http://www.sggp.org.vn/hang-loat-du-an-sai-pham-tai-ho-tuyen-lam-xep-hang-cho-xu-ly-598496.html
Tại dự án của Công ty cổ phần Thiên Nhân, tỉnh Lâm Đồng giao UBND TP Đà Lạt chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, yêu cầu công ty này tạm ngưng thi công với tất cả các hạng mục công trình. Tổ chức thực hiện các thủ tục cưỡng chế đối với hạng mục công trình thi công không có giấy phép.
Tại dự án của Công ty cổ phần đầu tư Lan Anh, trong khi đơn vị này chưa khắc phục xong bờ kè chắn nước (dài khoảng 30m) ngăn một nhánh hồ Tuyền Lâm, cơ quan chức năng còn phát hiện tại dự án 2 khu nhà rường có tổng diện tích hàng trăm mét vuông chưa được cấp phép xây dựng và xây sai phép.
Một loạt các dự án khác vi phạm được “điểm danh” như của Công ty cổ phần Sao Đà Lạt; Công ty cổ phần du lịch sinh thái Lạc Nam; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái Toàn Cầu; Công ty cổ phần đầu tư Lý Khương; Công ty TNHH Trà Vườn Thương; dự án của doanh nghiệp tư nhân Phong Phú – Lâm Đồng… do đã xây dựng hàng chục công trình không có giấy phép, xây dựng ngoài phạm vi ranh giới được thuê hoặc xâm phạm khu vực bảo vệ số I thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu chủ đầu tư tại các dự án có công trình vi phạm khẩn trương khắc phục hậu quả, tháo dỡ phần vi phạm ngay trong tháng 6-2019.
Trước đó, đầu năm 2019, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng vi phạm tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.

Veröffentlicht 17. Juni 2019 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , ,

Harte Bedingungen für 10 Jahre alten Jungen – Hoàn cảnh khó nhọc của cậu bé 10 tuổi bán bánh tráng nướng nổi tiếng tại chợ Đà Lạt   Leave a comment

Hoàn cảnh khó nhọc của cậu bé 10 tuổi bán bánh tráng nướng nổi tiếng tại chợ Đà Lạt

Từ nhỏ đã theo mẹ và chị gái ra chợ Đà Lạt để bán bánh tráng nướng, cậu bé Xuân Thành học thành thạo kỹ năng nướng bánh và cứ cuối tuần là em lại dọn hàng ra chợ bán đến tận 2h sáng.
00:53:00 10/01/2016 http://kenh14.vn/xa-hoi/hoan-canh-kho-nhoc-cua-cau-be-10-tuoi-ban-banh-trang-nuong-noi-tieng-tai-cho-da-lat-20160109213657491.chn
10/01/2016 00:38 http://ttvn.vn/gioi-tre/hoan-canh-kho-nhoc-cua-cau-be-10-tuoi-ban-banh-trang-nuong-noi-tieng-tai-cho-da-lat-2120161010556112.htm
07/01/2016 http://kenh14.vn/xa-hoi/clip-cau-be-ban-banh-trang-nuong-noi-tieng-nhat-o-da-lat-20160107215834777.chn

Cách đây vài ngày, cư dân mạng chia sẻ những đoạn clip ghi lại hình ảnh một cậu bé nhỏ tuổi đang làm bánh tráng nướng và chào mời khách tại khu vực chợ Đà Lạt. Đã có không ít khách du lịch khi vào tới chợ Đà Lạt đã chụp ảnh quay clip về em. Dáng vóc nhỏ gầy nhưng tay nướng bánh thuần thục khó tin, miệng mời chào khách mau lẹ, khiến người ta vừa thấy em đáng yêu, vừa thương thương cay mắt…

Chúng tôi có dịp đến Đà Lạt vào những ngày cuối tuần và được thưởng thức phần bánh tráng nướng ngon lành do cậu bé ấy tự tay làm từ A đến Z. Qua trò chuyện với em và mẹ, chúng tôi biết em tên là Nguyễn Hồ Xuân Thành (SN 2006), đã bán bánh tráng tại đây gần 4 năm qua, em chủ yếu bán vào 3 ngày cuối tuần để không ảnh hưởng việc học.

Chị Hồ Thị Hai Chín (SN 1977, mẹ của Thành) cho biết, Thành là con trai giữa, em còn có một chị gái đang học lớp 8 và em gái 1 tuổi. Chồng của chị đã không còn nên giờ đây chị và mẹ ruột của mình thay nhau chăm sóc 3 đứa con.

Chị Chín cũng có một hàng bánh tráng nướng gần khu vực của con mình, bên cạnh đó, mẹ chị là bà Tuyết, năm nay đã 64 tuổi, cũng ngồi bán cháo gà đến khuya tại khu chợ này.

Thành rất ngại chia sẻ với người lạ, thậm chí khi có khách hỏi thăm, em cũng ngại trò chuyện. Suốt cả tối bán bánh tráng, Thành chỉ chú tâm vào bánh, trứng, than và mắt lúc nào cũng dáo dác tìm khách để mời ăn.

Thành đi học từ thứ 2 đến thứ 6, ngoài ra em còn được mẹ cho học thêm một số môn yêu thích. Chị Chín chia sẻ: „Mình vất vả cỡ nào cũng phải cho con cái ăn mặc tươm tất, học hành đàng hoàng. Nhà tôi cũng không phải là thiếu ăn thiếu mặc, nhưng cũng đau đầu với các khoản học phí của hai đứa con“.

Chị Chín nói, một đêm bán như vậy chị lời được khoảng 200 nghìn đồng, tiền kiếm được chị dành mua thuốc cho mẹ già, mua quần áo, tập vở cho các con và trả tiền thuê trọ, tháng nào còn dư thì chị lại tiết kiệm dần để mùa mưa còn tiền tiêu xài. „Mùa mưa Đà Lạt ít khách du lịch, có khi ba người chúng tôi ngồi cả đêm ngoài chợ chỉ bán được vài chục nghìn, còn lỗ tiền vốn mua nguyên liệu nữa“.

Thành làm bánh tráng nướng theo yêu cầu của khách nên từng chiếc bánh sẽ có giá dao động từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng tùy nhân bánh.

Có những hôm còn nhiều nguyên liệu chưa bán hết, sợ để sang ngày hôm sau sẽ hư nên mấy mẹ con lại cố nán lại đến tận 3h sáng. Chị Chín nói, chị bảo đưa Thành về trước nhưng em không chịu, vẫn thức để bán cùng mẹ và ngoại rồi hôm sau ngủ li bì đến tận trưa để bù lại. Nhưng ngày Chủ nhật thì chị tuyệt đối đưa Thành về nhà ngủ sớm để sáng thứ 2 em còn sức đi học.

Thành nói, em thích nhất môn Tin học trong trường và muốn sau này được trở thành „nhân viên tin học“. Thành nói dù đã chịu vất vả khi đi bán bánh tráng quen rồi, nhưng em cũng không muốn cứ đi bán như thế mãi.

Theo Quỳnh Trân / Trí Thức Trẻ

1-Cùng với mẹ và bà ngoại, Thành có mặt tại chợ Đà Lạt vào lúc 4h chiều. Bà của Thành bán cháo gà còn mẹ cũng bán bánh tráng nướng nhưng 3 người ở 3 khu vực khác nhau.
2-Nhiều người tò mò về cậu bé nhỏ tuổi với đôi tay thoăn thoắt nướng bánh, nên lúc nào em cũng đắt khách
3-Thành rất tập trung khi nướng bánh.
4-Dù thời tiết Đà Lạt khá lạnh về đêm nhưng do đã quen và đứng gần bếp than nên Thành vẫn ăn mặc khá phong phanh
5-Thỉnh thoảng, chị Chín cũng bỏ quầy của mình để đến chỗ chỉ Thành một vài thao tác làm bánh
6-Em làm rất thành thạo, bánh nướng vừa đủ chín và rất giòn, ngon
7-Ngôi nhà trọ chật hẹp trong một con hẻm trên đường Trần Bình Trọng là nơi ở của 4 mẹ con
8-Góc học tập của Thành và chị gái ngổn ngang đồ đạc, quần áo, do trong nhà không có tủ, kệ và diện tích chật hẹp nên mọi thứ đều chất thành đống
9-Cuối tuần, dù phải thức khuya để bán bánh tráng ngoài chợ nhưng em vẫn dậy rất sớm để làm bài tập
10-Bé Phi Nhung là thành viên nhỏ nhất trong gia đình, chỉ mới 1 tuổi nên mọi người đều thay nhau chăm sóc bé
11-Thành rất thích chơi đùa cùng Phi Nhung. Cậu bé này hiếm khi nở nụ cười với ai khác trừ em gái của mình

Cậu bé bán bánh tráng nướng nổi tiếng nhất ở Đà Lạt
Veröffentlicht am 07.01.2016
Mới đây, một clip ghi lại hình ảnh cậu bé đang làm bánh tráng nướng và chào mời khách đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cư dân mạng. Sự dễ thương cùng nghị lực mưu sinh của cậu bé nhỏ khiến cho ai nấy đều cảm thấy đáng yêu xen lẫn xúc động.
Điều khiến mọi người cảm thấy thích thú là cậu bé với vóc dáng nhỏ bé nhưng đôi tay nướng bánh lại vô cùng điêu luyện. Vừa thoăn thoắt làm bánh, cậu bé vừa liên tục mời chào khách bằng chất giọng dễ thương:“Ai ăn bánh tráng, bánh tráng nướng đi, mấy cô mấy chị ủng hộ, ngồi ăn bánh tráng nướng đi ạ“.

 

 

Veröffentlicht 12. Januar 2016 von anhyeuem66 in Allgemein, Armut, Bilderbuch

Getaggt mit , , , ,

6. Blumenfest in Da Lat – Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI – năm 2015   Leave a comment

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI – năm 2015

UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức ban hành kế hoạch tổ chức Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI – năm 2015 với chủ đề “Đà Lạt – muôn màu sắc hoa”

04:53 – 08/11/2015  http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=742182

Theo đó, Festival sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 30/12/2015 đến hết ngày 3/1/2016 tại Thành phố Đà Lạt và một số địa phương trong tỉnh. Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI – năm 2015 sẽ có 8 chương trình chính: Không gian hoa (30/12 – 03/01); Trưng bày, triển lãm hoa, cây cảnh Đà Lạt 2015 tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt (từ ngày 30/12/2015 đến ngày 03/01/2016); Phiên chợ rau, hoa Đà Lạt (từ ngày 30/12/2015 đến 03/01/2016); Trưng bày, triển lãm hoa, cây cảnh Đà Lạt 2015 tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt (từ ngày 30/12/2015 đến ngày 03/01/2016); Hội thảo khoa học về Hoa được tổ chức ngày 31/12/2015; Chương trình Phố Trà – Cà phê – Rượu vang Đà Lạt (từ ngày 30/12/2015 đến 03/01/2016); Không gian Thư pháp, Hội họa và Nhiếp ảnh về Hoa (từ ngày 30/12/2015 đến 03/01/2016).

images1169804_T6

Festival Hoa Đà Lạt năm 2014. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Điểm nhấn Lễ hội lần này là chương trình Carnaval Hoa Đà Lạt diễn ra từ ngày 30/12/2015 đến ngày 03/01/2016. Đoàn diễu hành (xe hoa; các đội nhóm biểu diễn nghệ thuật trên đường phố; các đội nhóm biểu diễn thời trang rau, hoa; hóa trang ấn tượng hoặc mang sắc thái cổ tích… có sự tham gia của các em học sinh, sinh viên các trường cao đẳng và đại học); Duy trì một số nhóm Carnaval biểu diễn các tiết mục chọn lọc vào thời gian nhất định tại khu vực Quảng trường Lâm Viên và một số điểm quanh hồ Xuân Hương.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Festival hoa Đà Lạt lần này còn có 7 chương trình hưởng ứng như: Không gian hoa tại các khu dân cư; Hội chợ thương mại và quảng bá du lịch Lâm Đồng; Tour du lịch hoa, kiến trúc, tâm linh; Hội thi thắng cảnh hoa; Ngày chủ nhật hoa; Liên hoan các nhóm nghệ thuật tiêu biểu…

Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI – năm 2015 là sự kiện văn hoá, xã hội, du lịch nhằm quảng bá thương hiệu thành phố Đà Lạt – Thành phố du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng trong nước và thế giới; là thương hiệu lễ hội riêng của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị về hoa và những người trồng hoa; là cơ hội để người trồng hoa Đà Lạt gặp gỡ, giao lưu với những người yêu hoa, người trồng hoa, người kinh doanh hoa và nghiên cứu về hoa trong nước và thế giới.

Veröffentlicht 8. November 2015 von anhyeuem66 in Allgemein

Getaggt mit , , ,