Lư Sơn – Quế Lâm, Vietnamesische Schule für Kinder in China – Trường ở đỉnh 1.000m, Lư Sơn – Quế Lâm   Leave a comment

Trường ở đỉnh 1.000m, Lư Sơn – Quế Lâm

Trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn – Quế Lâm là câu chuyện đẹp trong giai đoạn cả 2 nước Việt Nam – Trung Quốc cùng chống kẻ thù chung.
19/10/2019 https://nongnghiep.vn/truong-o-dinh-1000m-lu-son-que-lam-post251145.html
Mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc có những giai đoạn ấm nồng. Những cháu học sinh sớm rời vòng tay bố, mẹ để sang Trung Quốc học tập tại một vùng đất xa tiếng súng. Câu chuyện này như một bông hoa đẹp và sẽ thường được nhắc lại nhiều hơn, nếu không có mưu toan độc chiếm biển Đông.

Bác Hồ đề nghị mở lớp
Giữa năm 1952, Bác Hồ đã đưa ra ý kiến chỉ đạo việc đưa con em Việt Nam sang một vùng đất an toàn, tránh xa tiếng bom để có thời gian học tập. Số con em này khi học xong sẽ trở thành những cán bộ chỉ huy trong quân quân đội và cơ quan chính phủ. Đó là lý do cho sự ra đời của Trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn – Quế LâmTrung Quốc.
Các em học sinh Việt Nam qua đây học tập gồm rất nhiều lứa tuổi, nhiều em đang là thiếu sinh quân, một số em đã tham gia cầm súng ra chiến trường. Lư Sơn là vùng nằm ở độ cao hơn 1000 mét so với mực nước biển. Phía Trung Quốc đã chuẩn bị hơn 1000 áo ấm cho học sinh và giáo viên Việt Nam sang dạy.
Ngày 9/7/1953, Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã ký sức lệnh số 161- NĐ, cử bà Nguyễn Thị Phương Hoa, tham sự bậc 10, Trưởng phòng mẫu giáo Nha Giáo dục phổ thông giữ chức Hiệu trưởng.
Cô hiệu trưởng trong lần gặp Bác ở ATK đã được Bác căn dặn kỹ lưỡng trước khi đưa các cháu sang học nhờ bên Trung Quốc. Trước đó, Việt Nam đã đưa sinh viên sang học tại trường Sư phạm ở Nam Ninh, trường Thiếu sinh quân ở Quế Lâm.
Cựu chiến binh Lê Duy Ứng, người đầu tiên tham gia thành lập Hải đoàn Biên phòng sau năm 1975, sau này là Trưởng ban thanh niên của Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng là một trong những cậu học trò nằm trong danh sách.
Ông Ứng sinh năm 1940, tức năm đi sang học ở Trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn – Quế Lâm của Trung Quốc thì ông là cậu bé 13 tuổi. Tấm ảnh quý giá và hiếm hoi ông Ứng còn lưu giữ được, đó là cha mẹ tiễn con lên đường. Năm đó, cậu bé Ứng mặc bộ quần áo màu xanh nhạt, đầu đội mũ vải. Ông Lê Ngọc Tuệ, cha ông là sĩ quan quân đội và mẹ là bà Lã Thị Cát, mặc chiếc áo nâu đi bên cạnh.

Qua Mục Nam Quan
Những thiếu nhi bắt đầu lên đường đi bộ 100 km (có tỉnh phải đi xa hơn) sang Trung Quốc vào khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1953. Những đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh, dường như có sức chịu đựng một cách khác thường.
Ông Ứng nhớ lại, các em nhỏ có cô bảo mẫu kèm cặp. Cậu bé Ứng mới 13 tuổi, nhưng trong ý thức, cậu đã nghĩ mình là một người lớn. Vì lúc còn nhỏ, mỗi lần ông Tuệ là cha cậu đi hoạt động bí mật thì thường dắt theo con đi đến các cuộc họp, trao đổi thư từ. Ông Tuệ là bí thư của 3 xã nên công việc phải đi lại liên tục, phải ngụy trang. Cứ sau cuộc họp thì ông đều nói nhỏ “con phải giữ bí mật, nếu không thì bọn địch nó giết bố và ông nội”.
Có 12 đoàn thiếu nhi hành trình lặng lẽ trong đêm tối hướng về biên giới. Ban tổ chức đã chuẩn bị 4 trạm T 1, T 2, T 3, T 4 tại các hang ở Bản Riềng, Đồng Đăng, Bình Gia, Bắc Sơn. Đoàn ở tỉnh Tuyên Quang phải trèo đèo lội suối đến nửa tháng mới tới được Mục Nam Quan.
Mỗi đêm các em nối hàng dọc đi bộ khoảng 20 km. Có một em 7 tuổi phải đặt vào thúng gánh đi. Có em sưng chân, có em ngủ gục, có em trượt ngã xuống cầu Bình Giã (không bị thương tích nặng), thỉnh thoảng máy bay Pháp ầm ầm xuất hiện để do thám.
Các cháu được cấp hộ chiếu và qua Mục Nam Quan, được phía Trung Quốc đón tiếp. Sau 3 ngày hành trình trên tàu ở đất Trung Quốc, các em học sinh dừng chân một đêm ở Nam Xương, rồi tiếp tục lên xe ô tô đi Cửu Giang. Cô hiệu trưởng đầu tiên của Trường tiểu học Việt Nam Lư Sơn – Quế Lâm kể lại, rất may là đoàn đi từ Việt Nam sang đều an toàn, chúng tôi vội vàng báo cáo với Bộ, Trung ương và Bác Hồ là đã đoàn kết thương yêu nhau thực hiện tốt chỉ thị và lòng mong muốn của Bác.
Nỗi lo lắng của cô hiệu trưởng là vô cùng lớn, bởi trong suốt cuộc bộ hành hàng trăm km, các em phải đi qua nhiều cây cầu nhỏ xíu bắc qua suối, mọi người lo lắng nhìn bàn chân nhỏ của các em trèo đèo và khi xuống dốc thì phải luôn bám theo, sợ các em lăn xuống khe núi, dọc đường đi không được bỏ rơi hành trang vì sẽ tạo ra dấu vết; khi qua các khu dân cư phải tuyệt đối im lặng…

Học chữ, rèn binh
Ông Ứng năm nay đã 78 tuổi, nhưng nói về Trường thiếu nhi Lư Sơn – Quế Lâm ở Trung Quốc thì ông vẫn nhớ như in. Để tránh câu chuyện lịch sử viết lại và bị mạng xã hội xuyên tạc, ông nhấn mạnh rằng, lúc đó các thầy cô giáo Trung Quốc trong trường chỉ có trách nhiệm lo ăn, lo áo ấm, một số thầy dạy thêm tiếng Trung cho học trò, còn lại thì toàn bộ chương trình học tập các môn từ lịch sử, sinh vật, địa lý cho tới chữ viết… đều do các thầy cô của Việt Nam đảm trách.
Đoàn trường thành lập Đội thiếu nhi Tháng 8 và tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời. Nếu so với việc đào tạo học sinh hiện nay, có thể nói chế độ đào tạo tại Trường thiếu nhi Lư Sơn – Quế Lâm đã đạt đến trình độ rèn người.
Cả trường đều hành động theo đúng một số điều lệnh của quân đội như sáng dậy đúng giờ, khi kẻng báo thức là bật dậy; học sinh tham gia thể dục đầy đủ không vắng một em; đi ăn cơm thì xếp hàng trật tự, ngoài các môn học văn hóa thì học sinh được dạy hàng loạt kỹ năng sống, học đàn violon, guita, măng đô lin, accadion, học thể thao, bóng đá, bóng bàn…các em học sinh nữ đều học thêm các môn may, thêu, ren…
Dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng do được chăm sóc kỹ và sớm rèn luyện với nắng gió nên các em học sinh đều khỏe mạnh. Khẩu phần ăn hàng ngày của các em được các thầy giáo Trung Quốc lên thực đơn: Bữa sáng là cơm, phở, bánh đa, bánh mì, su hào, khoai tây, gà, súp…

Trường thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn – Quế Lâm được thành lập ngày 9/7/1953 và đặt ở Lư Sơn sau chuyển về Quế Lâm, Trung Quốc.
Điều đầu tiên mà phía Trung Quốc ngạc nhiên là khi họ thiết kế ghế sắt dài đặt trên sân trường thì bỗng dưng nhiều ống sắt làm chưa xong đã biến mất. Sau đó các thầy giáo phía Việt Nam cho biết, học sinh đã mang giấu để làm súng chơi trò chiến đấu ngoài giờ học. Ngay từ lúc còn nhỏ, nhưng ý thức về đất nước đã hiện lên trong tâm trí của các em khá mộc mạc.
HẢI ANH (Kiến thức gia đình số 42)

Châu và Giang, ngày ấy bây giờ
Trước mặt tôi hôm nay đâu còn hình ảnh hai cháu bé bụ bẫm, ngây thơ chụp ảnh chung với Bác Hồ hồi nào. Châu và Giang đã là hai phụ nữ lên chức bà và đã ngoài 70 tuổi, lứa tuổi mà nhà thơ Đỗ Phủ coi là cổ lai hy.
19/05/2014 https://nongnghiep.vn/chau-va-giang-ngay-ay-bay-gio-post125340.html
Ngay từ đầu Cách mạng Tháng Tám, tôi và rất nhiều nhi đồng thuở ấy đã thuộc lòng lời ca: „Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam…„.
Và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi rất ấn tượng đối với những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định về Bác Hồ với thiếu nhi, nhất là bức ảnh Bác chụp chung với hai cháu gái trông thật đáng yêu. Về sau tôi nhắc lại cảm tưởng này với vợ tôi và không ngờ đó là hai bạn gái thuở thiếu thời của vợ tôi hồi học tiểu họcLư Sơn – Quế Lâm (Trung Quốc).
Gần đây, tôi có dịp mời hai bạn này đến ăn cơm với vợ chồng tôi và thật vui khi được nghe chính các bạn ấy kể lại về những kỷ niệm rất đáng quý thời ấy.
Đó là vào ngày 3/3/1953. Đặng Minh Châu (trong ảnh là cô bé cao hơn và đứng bên tay trái của Bác Hồ) kể lại: „Đó là lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, cũng là ngày thống nhất Việt Minh – Liên Việt và ngày thành lập khối liên minh nhân dân Việt – Miên – Lào.
Hồi ấy cơ quan của cha em (Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đặng Việt Châu) đóng ở Tân Trào nên em khá thuộc đường sang khu hội trường. Em được cho phép đến hội trường.
Thấy có mấy cô ở xa mới đến em nhận lời đưa các cô cùng đi. Bạn bạn Vũ Thu Giang (con bà Phan Thị An, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cũng được các chú các bác đưa đến hội trường.
Hội trường lớn chỉ làm bằng tre nứa, vách là những tấm phên đan bằng những lóng tre nứa úp ngược với nhau với màu lục xen với màu trắng trông rất đẹp mắt. Em nhìn thấy cha em đứng bên ngoài hội trường với rất đông các chú, các cô, các bác. Em nhận ra bác Xuân Thủy, bác Hoàng Quốc Việt; hai bác có râu dài là bác Sơn, bác Tuân.
Bỗng dưng có ai đó thốt lên: Bác đến! Bác đến! Bác Hồ đến thật rồi. Bác giơ tay tươi cười chào mọi người. Cả đám đông nhanh chóng vây quanh Bác. Có chú nói to: Xin Bác cho chụp ảnh ạ! Cùng ngay lúc đó có vài chú chạy đi lấy hai bó hoa rừng có cài sẵn nơ lụa và nhanh chóng giao cho hai cháu bé là em và Thu Giang.

Chú Đinh Đăng Định dắt em đến gần Bác. Bác tươi cười kéo chúng em đứng sát vào Bác. Có chú nào nhắc: Nhìn vào ống kính và cười lên đi. Em cười rộng miệng đến mang tai nhưng Thu Giang vẫn mím chặt môi. Thì ra, bạn ấy sợ lộ hai cái răng cửa bị khuyết do đang thay răng.
Chú Định bấm máy lách tách nhưng sau đó lại chạy nhanh ra phía sau lưng Bác Hồ để giật cây nứa chắn nghiêng, mấy chú khác cùng chạy đến giúp sức. Sau đó chú Định quay lại phía trước và bấm máy. Đó là thời điểm ra đời bức ảnh Bác Hồ với hai bé gái, một bức ảnh về sau đã được phóng to làm tranh cổ động và in thành tem.
Thật ra sau này em mới biết là có hai bức ảnh. Bức thứ nhất Bác Hồ mỉm cười rất tươi nhưng phía sau lại có cây nứa phát chéo góc. Bức thứ hai không còn cây nứa nhưng Bác lại không còn cười nữa nhưng đôi mắt vẫn thật âu yếm. Sau đó, Bác bảo chúng em đến chào Bác Tôn Đức Thắng và hai bác râu dài (bác Sơn và bác Tuân) cùng với một bác gái (sau này em mới biết là mẹ của liệt sĩ Bùi Thị Cúc).
Em vẫn giữ được đến hôm nay cả hai tấm ảnh do chú Định cho mỗi đứa chúng em. Em lớn hơn Giang 1 tuổi nên đã biết nhanh nhẹn ghi sau tấm ảnh bằng mực tím dòng số 3-3-53. Dòng chữ này giúp cho về sau đính chính lại vài thông tin sai về ngày có những bức ảnh ấy.
Sau đó Bác Hồ nhắc hai đứa chúng em đến chào và chụp ảnh chung với các anh hùng, chiến sĩ thi đua, trong đó có bác Trần Đại Nghĩa, chú La Văn Cầu, cô Nguyễn Thị Chiên và nhiều chú bác khác. Sau đó Bác cùng mọi người vào hội trường. Một chú đến dặn chúng em: Khi nào chú bảo thì các cháu lên dâng hoa tặng Bác Hồ nhé!

Tới 50 năm sau khi chú Đinh Đăng Định đang chuẩn bị in cuốn sách 100 bức ảnh về Bác Hồ, em mới được chú cho thêm bức ảnh dâng hoa khi Bác Hồ chuẩn bị khai mạc hội nghị.
Thật đáng tiếc là về sau trong một lần đi nước ngoài em đã tặng bức ảnh này cho một người khách rất hâm mộ Bác Hồ. Khi em đến nhờ chú Định tìm lại cho bức ảnh ấy thì chú không còn tìm được nên đã cho em một cái ảnh khác chụp với Bác Hồ. Trong ảnh này hình của em lấp gần hết hình Thu Giang“.
Còn Vũ Thu Giang kể lại: Khi đó bạn Minh Châu 10 tuổi, lớn hơn em 1 tuổi nên bạn ấy nhớ nhiều hơn em. Đúng như bạn ấy kể với anh đấy. Em còn nhớ là trong giờ nghỉ của Hội nghị, em và bạn Châu còn được Bác gọi vào ăn cơm cùng với Bác. Tối hôm ấy chúng em còn được tham gia biểu diễn văn nghệ chào mừng hội nghị.
Em nhớ là được đóng vai một cháu gái trong vở kịch „Nông dân vùng lên“. Trong lúc diễn có cảnh giằng co bao ruột tượng khiến cho một ít gạo rơi ra sân khấu. Thật bất ngờ sau vở kịch, Bác Hồ đã bước lên sân khấu và cúi nhặt từng hạt gạo bỏ vào một tờ giấy báo. Hình ảnh ấy in sâu mãi vào trí óc trẻ thơ của em.
Trước mặt tôi hôm nay đâu còn hình ảnh hai cháu bé bụ bẫm và ngây thơ hồi nào. Châu và Giang đã là hai phụ nữ lên chức bà và đã ngoài 70 tuổi, lứa tuổi mà nhà thơ Đỗ Phủ coi là cổ lai hy.
Nhắc lại kỷ niệm về người cha, Châu nhớ lại: Bố em tên thật là Đặng Hữu Rạng, sinh năm 1914, vào Đảng từ năm 1931, về sau đã kinh qua các chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Bố em mất năm 1987. Mẹ em mất khi em còn nhỏ.
Sau thời gian học ở Lư Sơn – Quế Lâm em được sang Liên Xô khi còn rất bé để học tiếng Nga. Bà giáo dạy từng chữ qua hình vẽ và qua động tác. Sau này mới có dịp trở lại Liên Xô để học về Toán. Sau khi tốt nghiệp Đại học em nhập ngũ làm việc ở Cục 2 của Bộ Tổng Tham mưu.
Năm 1970, em xuất ngũ với quân hàm Chuẩn úy và về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1989 về công tác tại Bộ Ngoại giao và làm Bí thư tại Đại sứ quán ta tại Liên Xô. Năm 1992, quay trở lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới lúc về hưu (năm 1998).
Chồng em trước học ở Liên Xô rồi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan, cũng được đi thực tập tại Mỹ 1 năm. Chúng em hiện có 1 cháu trai, 2 cháu gái, 2 cháu nội và 1 cháu ngoại.

Thu Giang thì kể: Mẹ em từng là Đại biểu Quốc hội Khóa II và Khóa III, công tác lâu năm tại Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Bố em là Vũ Đình Khoa, trước đây là Giám đốc Công an Liên Khu X và về sau giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế quốc dân. Sau thời gian học với bạn Minh Châu ở Lư Sơn – Quế Lâm em về học tiếp bậc phổ thông tại Hà Nội. Năm 1963, sang Liên Xô học Kinh tế xây dựng rồi về làm cán bộ giảng dạy tại Đại học Xây dựng.
Sau 2 năm khi chồng nhập ngũ em phải xin chuyển về Hà Nội để dạy tại trường Đại học Kinh tế quốc dân cho gần nhà. Năm 1983, em được đi thực tập tại Nhật Bản và đó là thời gian em hiểu hơn về nền kinh tế của các nước phát triển.
Sau khi về nước được sự động viên của GS. Vũ Đình Bách em đã rất cố gắng cùng đồng nghiệp xây dựng môn Kinh tế học, phù hợp với quá trình đổi mới kinh tế nước nhà, điều chỉnh chương trình giảng dạy vốn quá nặng về Kinh tế chính trị học.
Em bảo vệ Tiến sĩ trong nước năm 1989 và mấy năm sau được phong học hàm Phó Giáo sư. Em về hưu năm 2000, trước đó đã vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Chúng em có 1 cháu trai, 1 cháu gái và 2 cháu ngoại. Chồng em trước khi về hưu công tác tại Tổng cục II của Bộ Quốc phòng.
Hai cô bé năm nào không thể quên những kỷ niệm đẹp đẽ năm xưa với Bác Hồ và luôn lấy đó làm nguồn động viên mình trong học tập, công tác và giáo dục con cái.

Đến Lư Sơn thăm nơi Bác ở
Nhân chuyến đi đưa tin về Hội nghị quốc tế về các ngọn núi nổi tiếng thế giới lần thứ hai diễn ra tại Lư Sơn, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) trung tuần tháng 10/2010, chúng tôi đã bất ngờ được đến thăm nơi Bác Hồ từng ở khi Bác đến Lư Sơn hồi năm 1959trường học của thiếu niên Việt Nam tại Lư Sơn.
03/02/2011 https://baotintuc.vn/tin-tuc/den-lu-son-tham-noi-bac-o-20110120154857997.htm
Với thắng cảnh núi non hùng vĩ và độc đáo bậc nhất ở Trung Quốc, Lư Sơn đã được công nhận là Công viên địa chất thế giới. Đây cũng là nơi sản sinh ra các nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng như Lý Bạch, Tô Thức, Đào Uyên Minh, Bạch Cư Dị. Lư Sơn còn là căn cứ địa cách mạng của Trung Quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật và trong cuộc nội chiến Quốc Cộng trước năm 1949.
Trò chuyện với anh Mộ Đức Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Lư Sơn, chúng tôi tình cờ được biết ở Lư Sơn có trường học của các thiếu niên Việt Nam từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngay lập tức, chúng tôi nhờ anh Mộ Đức Hoa dẫn đi thăm trường.
Đó là một tòa nhà 4 tầng, có tên “Tòa nhà Lư Sơn” nằm đường bệ trên thềm cao hơn 20 bậc.Trước đây, tòa nhà này được gọi là “Truyền tập học xá”, sau giải phóng được đổi thành “Tòa nhà Lư Sơn”.
Theo lời anh Mộ Đức Hoa, tháng 5/1953, để chuẩn bị nhân tài xây dựng đất nước sau khi nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông nhờ mở một số trường học cho các thiếu niên Việt Nam, trong đó có trường dành cho con em cán bộ cách mạng và các anh hùng liệt sĩ ở vùng Hoa Nam của Trung Quốc.
Tháng 7/1953, Bộ Giáo dục Việt Nam ra quyết định thành lập trường và bổ nhiệm ban lãnh đạo. Ban đầu, trường có tên là “Trường thiếu niên Việt Nam Lư Sơn”; cả phòng học, phòng ăn và ký túc xá đều trong tòa nhà này.
Mấy tháng sau, trường chuyển sang tòa nhà “Mỹ quốc học đường”(nhà do người Mỹ xây từ trước) trên quả đồi cao phía đối diện nhưng hơi chếch về phía trái, cách “Truyền tập học xá” khoảng ba, bốn trăm mét. Đi qua cây cầu hình vòm xây cuốn ngang qua dòng suối nhỏ sang đường Hồi Long, leo chừng 100 bậc đá xếp là đến “Mỹ quốc học đường”. Hiện nay, tất cả tên đường, tên nhà và lối đi vẫn nguyên như cũ.
Cuối hè đầu thu năm 1953, hơn 1.000 thiếu niên Việt Nam từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung phân thành 11 đội đã tập kết tại Lạng Sơn, lần lượt đi bộ qua Mục Nam Quan (Hữu nghị Quan) đến Bằng Tường ở Quảng Tây.
Nhóm thiếu niên nói trên đến Lư Sơn ngày 25/8/1953 nên ngày này trở thành ngày thành lập trường. Nửa năm sau, trường chuyển đến Quế Lâm ở Quảng Tây với tên gọi “Trường dục tài Quế Lâm”. Đến tháng 12/1957, trường rút về Việt Nam.
Về lý do chuyển trường, anh Mộ Đức Hoa cho biết có thể do điều kiện thời tiết, các học sinh đến từ phía Nam khó mà thích nghi được với cái lạnh mùa đông ở Lư Sơn; cũng có thể do cách trở về ngôn ngữ, tập quán sinh hoạt,… Vả lại, Quảng Tây gần Việt Nam, tiện việc liên hệ với Tổ quốc hơn…

Ngay gần Trường thiếu niên Việt Nam ở Lư Sơn còn có ngôi nhà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở trong lần Bác đến nơi này năm 1959. Đó là một ngôi biệt thự hai tầng, nằm trên đồi, được xây dựng từ năm 1915 trên tổng diện tích khoảng 260 m2.
Ngôi nhà có hành lang mở, trụ cột bằng đá, lan can đá, lò sưởi liền tường kiểu Pháp, từ sân lên hiên nhà tầng trên không phải cầu thang mà có 13 bậc thềm lát bằng đá tấm, một đầu hiên còn có bàn cờ khắc trên mặt bàn đá hình tròn đặt trên trụ đỡ bằng đá và 4 chiếc ghế cũng làm bằng đá. Trên tường nhà ngay trước cửa thềm lên xuống có gắn biển mang dòng chữ “Nơi ở cũ của Hồ Chí Minh (Vũ Lâm Việt Nam)”.
Trước sân nhà phía trái có tấm bảng rộng bằng gỗ, có mái che, ghi các thông tin về thời gian xây dựng, phong cách kiến trúc của ngôi biệt thự. Chủ biệt thự là Kjeld Stark, giáo sĩ truyền đạo người Mỹ. Từ ngày 25/7 đến 1/8/1959, Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ở tại đây.
Là ngôi biệt thự duy nhất ở Lư Sơn có nguyên thủ một nước đến ở, biệt thự có nhã hiệu (biệt hiệu cao nhã dành cho các bậc cao nhân) là Vũ Lâm, nên dòng chữ lớn trên cùng làm tiêu đề cho bảng thuyết minh ngoài sân và biển gắn trên tường đều ghi “Vũ Lâm Việt Nam”.
Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở tại ngôi biệt thự trên khi Người trên đường từ Liên Xô về nước đã ghé qua Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Trong thời gian lưu lại Lư Sơn, Người đã gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức…
Rời Lư Sơn trở về Bắc Kinh, chúng tôi vẫn lưu luyến với thắng cảnh vừa gần vừa xa, vẫn thấy đâu đây hình bóng của Bác và các học sinh Việt Nam còn mãi trong dòng chảy bất tận của lịch sử nước nhà.
Trần Huy Cậy (P/v TTXVN tại Trung Quốc)

Hồ Chí Minh bí mật đến Lư Sơn
Mùa hè năm 1959, cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức tại Lư Sơn. Lúc bấy giờ, đối với quốc tế là một tin tức tuyệt mật. Nhưng lại có một vị nguyên thủ quốc gia của nước ngoài một mình đến Lư Sơn. Người ấy là ai? Người ấy đến Lư Sơn có công việc gì? Câu chuyện bí mật xảy ra cách đây 50 năm đến nay cần được biết rõ.
17/06/2010 http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Ho-Chi-Minh-bi-mat-den-Lu-Son-33956.html
Một mình lên Lư Sơn
Tháng 8 – 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Liên Xô, lúc về qua Bắc Kinh, nghe ông Trần Nghị nói Mao Trạch Đông và các đồng trí khác đều đang họp tại Lưu Sơn, Hồ Chí Minh quyết định một mình đến Lư Sơn. Theo nhật lý của ông Dương Thượng Côn và hồi ký của các nhân vật có liên quan thời kỳ bấy giờ, Hồ Chí Minh ngồi máy bay hàng không dân dụng Trung Quốc cất cánh tại sân bay Bắc Kinh, sáng sớm ngày 9 – 8, khoảng độ 10 giờ sáng hôm đó đã đến sây bay Thập Lý Phố của thành phố Cửu Giang. Khi Hồ Chí Minh vừa ra khỏi máy bay, các ông Dượng Thượng Côn, Uông Đông Hưng đã đón chờ từ lâu liền mang hoa đến, ông Dương Thượng Côn nói to lên: “Chúc Chủ tịch mạnh khoẻ, Mao Chủ tịch cử chúng tôi đến đón Bác”.
Vì ở Lư Sơn đang có “cuộc họp bí mật”, nên ở Bắc Kinh Hồ Chí Minh đã nói trước là không tổ chức nghi thức đón tiếp, không đưa tin, không xuất hiện công khai. Lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh thấy ông Dương Thượng Côn đặc trách xuống núi đón, người liền nói: “Là người cùng một nhà, đã nói trước rằng đừng có xuống núi đón tiếp cơ mà” và tươi cười hai tay nhận lấy bó hoa tươi.

Tiệc đón tiếp
Hai xe cùng lúc chạy theo hướng Lư Sơn, Dương Thượng Côn và Hồ Chí Minh ngồi xe thứ nhất, Uông Đông Hưng, Trình Tiên Hỷ và phiên dịch Việt Nam ngồi xe thứ hai. 12 giờ trưa, hai xe cùng đỗ tại toà biệt thự số 394, Dương Thượng Côn mời Hồ Chí Minh xuống xe, nghỉ ngơi tại đây. Nào ngờ Hồ Chí Minh lắc đầu và kiên quyết nói rằng: “Hiện giờ tôi đi gặp Mao Chủ tịch, tôi muốn sớm được gặp ông ta”.
Hôm ấy tại phòng khách gác 2 biệt thự số 180, đều bày đủ các món ăn, đồng thời bày thêm hai chai rượu Mao Đài. Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác mời Hồ Chí Minh ngồi ở chỗ thượng toạ, Hồ Chí Minh nhìn vào Mao Trạch Đông vừa cười vừa nói: “Ở đây đều là đồng chí anh em cả, ai lớn tuổi thì ngồi thượng toạ”. Mao Trạch Đông với giọng vùng Thiệu Sơn nói to rằng: “Được được, đồng chí Chu Đức lớn tuổi nhất ngồi thượng toạ, liền sau đó là Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Dương Thượng Côn… ngồi theo thứ tự.
Hồ Chí Minh nâng cốc, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam cám ơn những người cộng sản Trung Quốc, và nói rằng: “Chúng ta vừa là đồng chí, vừa là anh em thật sự”. Câu nói ngắn gọn của Hồ Chí Minh làm xúc động nhiều người”.

Sáng sớm đã đột nhiênmất tích
Buổi chiều hôm đó, Hồ Chí Minh từ biệt thự số 180 trở về biệt thự số 394. Thể theo quy định thống nhất của cuộc họp, những người quản lý nói chung không ngủ tại toà biệt thự. Trình Tiên Hỷ không ngủ tại toà biệt thự này. Sáng hôm sau, khi anh Hỷ bước vào toà biệt thự 394 cảm thấy rất kỳ lạ, không thấy Bác Hồ, kể cả anh phiên dịch và vệ sĩ cũng tìm không thấy. đang lúc anh Hỷ nóng ruột cầm điện thoại định hỏi rõ nguyên nhân, thì anh phiên dịch được người lái xe đưa về nhà, nói rằng Bác Hồ một lúc nữa sẽ về, đừng nóng ruột. Vậy Bác Hồ sáng sớm đi đâu, anh phiên dịch nói luôn một câu tiếng Trung Quốc rất mẫu mực là: “Hãy tạm thời giữ bí mật”.
Lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đang ở trước cửa số nhà biệt thự 124 ngay cạnh con đường có cây thông, Bác đang nói chuyện với Lưu Thiếu Kỳ chăng? Không, Bác đang một mình ngồi trên ghế đá ngay trước cửa. Vì Hồ Chí Minh không cho phiên dịch trình bày, cũng không cho phép anh vệ sĩ đi báo cáo, còn Lưu Thiếu Kỳ và thư ký của ông ta vì tối thức khuya, nên chưa ai thức dậy, còn các nhân viên khác đều không nhận ra Hồ Chí Minh, anh quản lý Bành Dục Viêm mấy lần đều hỏi, có cần gọi thủ trưởng thức dậy không, Bác đều tỏ ý không cần thiết, vì chẳng có việc gì cả, ngồi tại đây chờ đồng chí Lưu Thiếu Kỳ ngủ dậy cũng chẳng sao.
Hồ Chí Minh nói tiếng Trung Quốc lưu loát, ăn mặc giản dị, trên đầu lại đội chiếc mũ vải màu ghi, người ta khó mà nhận ra ông già gầy còm này là một nguyên thủ nước ngoài. Khoảng độ 30 phút, Lưu Thiếu Kỳ ngủ dậy, cậu Viêm mới thông báo tình hình này, thư ký riêng mới mở cửa ra ngó nhìn, vào báo cho Lưu Thiếu Kỳ ra ngoài cửa mời Hồ Chủ tịch vào trong nhà.

Lưu Thiếu Kỳ cùng Hồ Chí Minh xem kịch Giang Tây
Tối ngày 11 – 8, Trình Tiên Hỷ đưa Hồ Chí Minh đến kịch viện nhân dân Lư Sơn xem vở kịch Truy ngư thuộc loại kịch của tỉnh Giang Tây. Vì quãng đường rất gần, Hồ Chí Minh không lên xe, mấy người cuốc bộ đến kịch viện. Khi đến kịch viện, đã trông thấy Lưu Thiếu Kỳ đứng đợi trước cửa. Khi thấy Hồ Chí Minh, Lưu Thiếu Kỳ liền bước chân đến gần nói: “Hồ Chủ tịch, Mao Chủ tịch dặn dò tôi đến cùng với Chủ tịch xem vở kịch này”. Tiếp đó, Hồ Chí Minh đi trước, bước vào kịch viện. Vở kịch Truy ngư là vở kịch xuất sắc của Đoàn kịch tỉnh Giang Tây, về lối hát, động tác và ánh đèn đều thuộc loại hạng nhất. Hồ Chí Minh chăm chú xem, cho tới lúc nghỉ nửa buổi, mới hỏi Lưu Thiếu Kỳ: “Về kịch Giang Tây với Kinh kịch, cách hát rõ ràng có khác nhau, song động tác múa trong vở kịch thì khác nhau không nhiều?” Ngày thường, Lưu Thiếu Kỳ ít khi bỏ thì giờ đi xem phim, còn xem kịch lại càng ít, nên đành thú thật nói rằng: “Tôi rất ít đi xem kịch, nghe nói các động tác trong Kinh kịch là hay nhất trong các loại kịch, nên các loại kịch khác cũng phỏng theo Kinh kịch”. Hồ Chí Minh liền gật đầu nói: “Loại kịch Giang Tây chưa được trình diễn ở Việt Nam, song Việt kịch của Quảng Đông thì ở Việt Nam được người ta hoan nghênh, Việt kịch tương đối chú trọng cách hát”.

Bị các đồng chí nữ đòi ăn kẹo cưới
Chiều ngày 12 – 8, đội quân nữ giới xông vào, trong đó có bà Thái Xướng vợ Lý Phú Xuân, bà Đặng Dĩnh Siêu vợ Chu Ân Lai, bà Khang Khắc Thanh vợ Chu Đức, bà Vương Quang Mỹ vợ Lưu Thiếu Kỳ cùng một số người nữ khác, nét mặt của các bà tươi cười, ai nấy đều mời Hồ Chí Minh ở lại thêm vài ngày nữa tại Lư Sơn.
Hồ Chí Minh nói: “Được được, khi nào Việt Nam thống nhất, tôi sẽ ở Lư Sơn trên nửa năm hay một năm gì đó”.
Bà Thái Xướng nói một cách lắt léo rằng: “Xin đừng đến một mình nhé”.
Lẽ tất nhiên, tôi sẽ mời một số đồng bào cùng tôi sang đây ở”.
Không, chỉ mời Bác và phu nhân”.
Bác cười, rồi nói thư thả: “À, té ra Đặng Dĩnh Siêu góp ý kiến trên hội đồng phụ nữ không muốn làm chiếc áo bông sợi tơ cho tôi là như thế này đấy”.
Một bà nhanh nhảu nói rằng: “Đúng vậy, bây giờ Bác nên lấy một bà vợ cách mạng, đừng có cứ bóc lột bà Đặng Dĩnh Siêu mãi”, trong phòng vang lên tiếng cười khà khà.
Hồ Chí Minh lâu nay vẫn sống một mình. Bao năm nay nhiều đồng chí Việt Nam và Trung Quốc đều quan tâm đến việc hôn nhân của Bác. Song khi còn trẻ, Bác đã có chí hướng: Tổ quốc không độc lập không thống nhất sẽ không kết hôn. Như vậy, những người bạn cũ quen biết lâu năm như Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu đành phải thường xuyên quan tâm đến sự mặc ấm cúng của anh cả này. Năm 1957, bà Đặng Dĩnh Siêu đã tự mình làm chiếc áo bông sợi tơ cho Bác.
Các đồng chí nữ luôn miệng nói đùa rằng: “Khi Hồ Chủ tịch sang đây lần nữa, chúng tôi phải đòi bác cho ăn kẹo cưới”.
6 giờ 30 phút sáng ngày 13 – 8, chiếc xe con đỗ ngay trước cửa toà biệt thự số 394. Trước lúc chia tay, Hồ Chí Minh tặng cho mỗi người làm việc trong biệt thự một cuốn sổ tay có mang chữ ký của Bác và huy hiệu kỷ niệm “Việt Trung hữu hảo”, đồng thời chụp ảnh kỷ niệm chung với mọi người làm việc ở đây.
Tác giả bài viết: Trần Thiện

Tặng huy chương hữu nghị cho cán bộ, giáo viên Trung Quốc
Ngày 23-8, tại Hà Nội, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt-Trung đã trao tặng Huy chươngVì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộccho 24 cán bộ, giáo viên Trung Quốc của Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Lư Sơn-Quế Lâm, Trung Quốc.
25-08-2003 https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tang-huy-chuong-huu-nghi-cho-can-bo–giao-vien-trung-quoc-78470.htm
Phát biểu tại lễ trao huy chương, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc và tập thể cán bộ, giáo viên Trường Thiếu nhi Việt Nam tại Lư Sơn-Quế Lâm đã chăm sóc, đào tạo thiếu nhi Việt Nam ngay từ năm 1953, khi Việt Nam đang tiến hành kháng chiến chống Pháp. Ông Vũ Xuân Hồng nói ngày tựu trường Lư Sơn năm học đầu tiên (ngày 25-8-1953) đã trở thành ngày truyền thống của các thế hệ cựu học sinh Việt Nam tại Lư Sơn. Việc trao Huy chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc” cho các cựu cán bộ, giáo viên của Trường Lư Sơn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Quế Lâm, Quảng Tây https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%BF_L%C3%A2m,_Qu%E1%BA%A3ng_T%C3%A2y

 

Hinterlasse einen Kommentar